Không phải Brexit, Trung Quốc mới là mối họa lớn nhất của kinh tế toàn cầu
Theo Albert Edwrds, rất nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Brexit không phải là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu mà Trung Quốc với việc liên tục phá giá đồng nhân tệ một cách lén lút mới là mối họa lớn nhất.
Albert Edwrds – một chiến lược gia của Ngân hàng đầu tư Société Générale có lịch sử lâu đời ở Pháp phân tích, việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, có nghĩa giá trị của nó so với các loại tiền khác là nhằm xuất khẩu giảm phát và Trung Quốc thì có rất nhiều giảm phát để mà xuất khẩu. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế thế giới đang đóng băng như hiện nay thì động thái này sẽ đẩy nhiều nền kinh tế chìm sâu hơn vào khó khăn, kìm hãm sự tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu.
Một cách hình dung được Albert Edwrds đưa ra là nếu tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân tệ giảm so với đồng Euro hay Yên Nhật thì các nhà sản xuất tại Đức, Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm có giá thấp hơn của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Cùng chia sẽ lo lắng với Albert Edwrds, James Grant – Tổng biên tập của tờ tạp chí thị trường tài chính Grant’s Interest Rate cũng cho rằng, xét về khía cạnh tài chính, Trung Quốc là vấn đề lớn nhất của thế giới. Và sẽ không có gì là ngạc nhiên khi một ngày nào đó, nền kinh tế toàn cầu được nghe về sự sụp đổ của một sản phẩm trong hệ thống ngân hàng ngầm của Trung Quốc.
Emma Dinsmore – nhà đồng đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty R-squared Macro khi đề cập đến câu chuyện này cũng đưa quan điểm: Cách duy nhất để Trung Quốc giải quyết vấn đề dư thừa công suất là phát triển cơ sở khách hàng và chấp nhận việc tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Emma Dinsmore cũng cảnh báo, việc hạ thấp tăng trưởng sẽ là rất khó khăn đối với Trung Quốc và bất kể cách nào thì họ cũng sẽ xuất khẩu nhiều giảm phát hơn. Việc xuất khẩu nhiều giảm phát hơn nghĩa là có một đồng tiền tệ với giá trị thấp hơn và mua sự tăng trưởng từ phần còn lại của thế giới vốn đang vật lộn để thúc đẩy sự tăng trưởng.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu những tác động từ Brexit hiện vẫn mang nặng yếu tố tâm lý và nó có thể được giới chuyên gia, các nhà phân tích lường trước thông qua các kịch bản tăng trưởng. Nhưng rõ ràng, nếu những biến động “ngầm” trong nền kinh tế Trung Quốc diễn ra một cách âm thầm, khó đoán định thì khi xảy ra đổ vỡ, tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu sẽ rất lớn.
Và một điểm nữa, so với Anh thì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, hàng hóa của Trung Quốc cũng tràn khắp các thị trường thế giới nên chắc chắn, khi xảy ra vấn đề, sức “công phá” từ những biến động mà kinh tế Trung Quốc gây ra sẽ lớn hơn rất nhiều lần Brexit.
Theo PetroTimes