Không khí đón chào năm mới 2017 ở các nước trên thế giới
Năm 2016 vừa kết thúc, mỗi quốc gia đều để lại những dấu ấn khác nhau và ở đâu đó người dân vẫn bộn bề những lo toan đan xen với kỳ vọng khi bước vào năm 2017.
Năm mới 2017 đã gõ cửa hầu hết tất cả các nước trên thế giới trong bầu không khí rộn ràng của những bữa tiệc âm nhạc và ánh sáng lung linh, những màn pháo hoa rực rỡ. Với mỗi nước, năm 2016 để lại những dấu ấn khác nhau và ở đâu đó người dân vẫn bộn bề những lo toan đan xen với kỳ vọng khi bước vào năm 2017.
Vũ điệu ánh sáng uyển chuyển với những màu sắc tươi tắn thắp sáng cả vùng trời thành phố Sydney của Australia có lẽ đã phần nào nói lên tâm trạng vui tươi, phấn khởi của người dân nước này khi tạm biệt một năm 2016 khá yên bình và đón một năm mới 2017 với nhiều kỳ vọng.
Với hơn một triệu khán giả trực tiếp có mặt tại bến cảng, màn pháo hoa ở Sydney vẫn luôn là tâm điểm trong số những nước đón giao thừa sớm. Nhưng màn bắn pháo hoa ở tòa tháp chọc trời 328 mét ở Auckland, New Zealand cũng không chịu kém cạnh với hàng nghìn khán giả trực tiếp và hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình.
Trong khi đó tại Thái Lan, năm 2016 khép lại với một mất mát to lớn. Đó là sự ra đi của Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Màn trình diễn pháo hoa mừng năm mới ở thủ đô Bangkok đã bị hủy để tưởng nhớ vị quốc vương quá cố. Năm mới 2017 mở ra với thông điệp kêu gọi đoàn kết dân tộc của tân Quốc vương Maha Vajiralongkorn đã sưởi ấm trái tim người dân Thái. Trong bài phát biểu thứ hai trước toàn thể quốc dân kể từ khi kế vị hôm 1/12 vừa qua, tân Quốc vương Vajiralongkorn tin tưởng rằng dù Thái Lan có phải đối mặt với vấn đề nào thì bằng sự đoàn kết, đất nước này sẽ vượt qua tất cả.
Người dân Hàn Quốc thì lại đón năm mới trong tâm trạng bộn bề những thất vọng vì bê bối chính trị của năm cũ và lo lắng cho tương lai đất nước trong năm mới. Đêm giao thừa, khoảng 900.000 người vẫn thắp nến biểu tình đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức ngay lập tức sau khi bà bị Quốc hội luận tội.
Còn tại châu Âu, người dân có phần dè chừng hơn với những lễ hội hay sự kiện tụ tập đông người sau một năm 2016 với nhiều vụ khủng bố tàn khốc. Đường phố thủ đô Paris của Pháp thấp thoáng bóng dáng binh sỹ tuần tra vì lo ngại nguy cơ tấn công khủng bố. Trong bài phát biểu đón năm mới 2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là thử thách lớn nhất mà nước này đang phải đối mặt.
“Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã rình rập nước Đức nhiều năm qua. Trong năm 2016, nó đã nhiều lần tấn công vào giữa đất nước chúng ta. Nhiều người cũng coi 2016 là một năm mà thế giới đã đảo lộn, hay có thể nói là những gì lâu nay được coi là thành tựu thì giờ đang bị nghi hoặc, ví dụ như Liên minh châu Âu”, bà Angela Merkel nhấn mạnh.
Đúng như Thủ tướng Đức đã nói, 2016 là một năm đầy bất ngờ với thế giới, từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đến kết quả khó lường trước của cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Vì thế trong bài phát biểu đón năm mới cuối cùng với tư cách là Tổng thống Mỹ, cùng với việc lược lại những thách thức đã vượt qua và thành tựu đạt được, ông Barack Obama kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết sau những chia rẽ vì kết quả bầu cử, trong đó tỷ phú Donald Trump thắng bằng phiếu đại cử tri của các bang, dù ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton nhiều hơn về số phiếu phổ thông.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc trong 8 năm qua nhờ những sự lựa chọn hết sức khó khăn, nhờ sự chăm chỉ và bền bỉ của chúng ta. Để nước Mỹ tiếp tục tiến lên là nhiệm vụ của tất cả chúng ta”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đánh giá 2016 là một năm nhiều thách thức nhưng chính điều đó đã khiến nước Nga đoàn kết hơn. Theo ông, những khó khăn đã đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn và thúc đẩy chúng ta mở những khả năng tiềm tàng lớn để có thể tiến lên phía trước. Điều quan trọng nhất là chúng ta tin vào bản thân, vào sức mạnh của mình và vào đất nước của chúng ta.
Trong khi đó, trong bài phát biểu đón năm mới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ lược lại những thành tựu của đất nước và kêu gọi người dân tiếp tục đoàn kết thúc đẩy phát triển mà còn bày tỏ mong muốn chia sẻ với những khu vực còn nhiều khó khăn, chiến tranh, xung đột trên thế giới: “Trung Quốc tin rằng mọi người đều thuộc một gia đình thế giới lớn. Người dân Trung Quốc không chỉ mong một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân mà cầu chúc cuộc sống tốt đẹp cho người dân những nước khác. Tôi thực sự mong rằng cộng đồng quốc tế có thể chung tay vì một hành tinh hòa bình và thịnh vượng hơn”.
Dường như năm 2016 trôi qua với càng nhiều biến động thì thế giới lại chào đón năm 2017 với càng nhiều quyết tâm và hy vọng với vô vàn những điều tốt đẹp có thể đến nếu cộng đồng quốc tế cùng nhìn về một hướng.
Theo VOV