Không có 3 người đàn ông này, hàng triệu sinh mạng sẽ chết trong thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử
Ba vị ‘anh hùng thầm lặng’ này đã tình nguyện nhận lấy nhiệm vụ có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc đời họ. Nếu không có sự quả cảm của họ, hàng triệu sinh mạng sẽ chết vì thảm họa hạt nhân Chernobyl, không chỉ ở vùng lân cận, mà còn trên khắp trời Âu.
Anh hùng chân chính là những người thực hiện những công việc khó khăn hiếm người làm được, nhưng không phô trương ầm ĩ và thậm chí là nhận được rất ít phần thưởng cá nhân, cho dù công việc ấy có thể khiến họ mất đi sinh mạng.
Lính cứu hoả, cảnh sát và các chức nghiệp tương tự, những người đặt mạng sống của mình vào ranh giới sinh tử mỗi ngày xứng đáng được chào đón như những anh hùng, ngay cả nếu bản thân họ không gặp nguy hiểm, họ đã hứa sẽ xả thân nếu tình huống xấu xảy ra.
Họ bảo vệ xã hội – đó là lời hứa cơ bản mà mỗi người đều đã hứa khi khoác lên mình bộ đồng phục phục vụ nhân dân.
Không thể có một ví dụ nào tốt hơn về những anh hùng như vậy hơn những người đã lội qua bóng đêm tăm tối trong một căn hầm ở Chernobyl, Liên Xô cũ sau khi xảy ra thảm hoạ hạt nhân được xem là tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Người ta gọi ba người ấy là “biệt đội cảm tử“, vì điều họ nghĩ đến đầu tiên là an toàn quốc gia mà không quản ngại đặt thân mình vào hiểm nguy để sự tình không tồi tệ hơn.
Sự tình xảy ra vào tháng 4 năm 1986 khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) bị nổ. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ tung lên từ nhà máy lan rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông và Tây Âu, Scandinavie, Anh quốc, và miền đông Hoa Kỳ.
Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima. Nếu không có sự xả thân của 3 vị anh hùng kia, Chernobyl đã có thể phát tán phóng xạ ra khắp châu Âu và biến một vùng đất rộng lớn thành vô sinh chi địa.
Khi một lò phản ứng phát nổ, người ta cho rằng nguyên nhân là do sai lầm của những người điều hành và các vấn đề trong thiết kế. Nhưng nhờ có ba tình nguyện viên, một tình huống tưởng chừng như không thể cứu vãn được đã không xảy ra.
Có một hồ nước mặn nằm bên dưới lò phản ứng thứ hai, và một dòng kim loại nóng chảy nhiễm xạ đang nhanh chóng chảy tới đó. Nếu cả hai gặp nhau, một vụ nổ lớn sẽ xảy ra, và một số người cho rằng nó có thể sẽ thổi bay một nửa châu Âu.
Video: Thảm họa Chernobyl đã xảy ra như thế nào? (Nguồn: Hằng Võ Thị Bích)
Andrew Leatherbarrow, tác giả cuốn sách “1:23:40: Sự thật phi thường về thảm hoạ hạt nhân Chernobyl” gần đây đã kể lại rằng: “Nếu sự tiếp xúc xảy ra, nó sẽ kích hoạt một vụ nổ hơi thứ hai có thể gây ra sự phá hoại không thể tưởng tượng nổi và phá huỷ hoàn toàn nhà máy điện, bao gồm ba lò phản ứng hạt nhân còn lại“. Để ngăn chặn điều đó xảy ra, các công nhân phải xả nước khỏi hồ chứa dưới lò phản ứng.
Nhưng cả tầng hầm đã bị ngập, và việc tiếp cận các đường ống và khóa van là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Cần phải có một “biệt đội cảm tử” để làm việc ấy, và như trong truyền thuyết, những dũng sĩ đã dũng cảm bước ra chấp nhận nguy hiểm. Người ta nói với họ rằng, nếu điều gì đó không may xảy ra với họ, chính phủ sẽ chăm sóc gia đình họ để tỏ lòng biết ơn. Và họ đã hành động quên mình, con đường họ đi thực sự khiến người khác phải bội phục.
Vì căn hầm đã bị nhiễm xạ nặng nề, ba người phải mặc đồ lặn, và theo sự tích được kể lại, cả ba đã chết không lâu sau đó vì Triệu chứng Phóng xạ Cấp tính (ARS). Theo Leatherbarrow, sự thực không bi thương đến vậy. Không ai chết vì ARS, thực tế là một người trong số họ vẫn tiếp tục làm việc trong ngành.
Các lính cứu hoả đã xả được một chút nước ở bên dưới lò phản ứng xuống mức ngang đầu gối, vậy nên ít nhất là đội cảm tử vẫn có thể định hướng được trong hành lang. Một người trong số họ, kỹ sư Alexei Ananenko, nói với Leatherbarrow rằng họ sử dụng đèn pin để tìm đường đóng van. “Khi ánh sáng rọi tới một đường ống, chúng tôi mừng quá, vì đường ống dẫn tới hệ thống van“.
Trong cuốn sách mà Leatherbarrow đã dành 5 năm để nghiên cứu và biên soạn, ông thừa nhận rằng lối vào hầm mặc dù nguy hiểm, nhưng không bi kịch như những câu chuyện được kể. Tuy nhiên ông quả quyết, điều này không cách nào phủ nhận hành động anh hùng của đội. “Họ vẫn xuống dưới căn hầm tối đen, nguy hiểm ở dưới một lò phản ứng nóng chảy đang dần tiến tới chỗ họ“.
Alexei Ananenko, Valeri Bezpalov và Boris Baranov, 3 người họ đã tình nguyện nhận lấy nhiệm vụ có thể đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình. Nếu không có sự quả cảm của họ, hàng triệu sinh mạng sẽ chết vì Chernobyl, không chỉ ở vùng lân cận, mà còn trên khắp trời Âu.
Ba vị “anh hùng thầm lặng” này, họ chỉ làm công việc của họ, mà không hề nghĩ đến lợi ích gì cho bản thân. Họ chính là những anh hùng thật sự.
Hạ Chi (Theo The Vintage News)