Khoai tây từng bị “ghẻ lạnh” đã đổi đời ngoạn mục nhờ cú lừa của nhà vua
Ngày nay, khoai tây có mặt trong hầu hết các bữa ăn tối ở khắp mọi nơi, nhưng bạn có biết vào khoảng 300 năm trước việc trồng và buôn bán khoai tây lại thật sự rất khó khăn.
Khi nhìn lại các nền văn minh thế giới, rõ ràng loài người đã biết về khoai tây từ năm 400 TCN. Trong các nền văn hóa cổ xưa như văn hóa của người Inca, họ cũng đã biết tận dụng những đặc tính đa dạng của loại thực phẩm có nguồn gốc từ vùng núi Andes này.
Tuy nhiên, khi những kẻ xâm lược Tây Ban Nha phát hiện ra giống cây trồng này vào năm 1537, thì việc thưởng thức nó lại là lựa chọn cuối cùng khi không còn gì để ăn.
Trong một bài viết về khoai tây, tờ History Magazine (Tạp chí lịch sử) đã vạch ra những vấn đề chính xoay quanh sự phát triển số lượng khoai tây ở châu Âu, loại thực phẩm từng được xem là món tầm thường.
“Ngay cả người nông dân cũng từ chối ăn một loại cây sản sinh ra loại củ mập lùn xấu xí, thứ đến từ một nền văn minh ngoại lai. Một số người thậm chí còn cảm thấy rằng việc trồng khoai tây trong gia đình cũng đồng nghĩa với việc tạo ra các phù thủy hay quỷ dữ”.
Và người ta càng tin khoai tây là đồ ăn thảm họa khi không hề được nhắc đến trong Kinh Thánh, mọi người thường nghĩ rằng nó không phải là thứ do Đức Chúa Trời tạo ra cho những tín đồ nghèo khổ của Ngài.
Người Nga thậm chí còn gọi nó là “quả táo của quỷ”, theo New World Encyclopedia (Bách khoa toàn thư tân thế giới).
Không có ghi chép rõ ràng về thời điểm chính xác khoai tây được phát hiện, thay vào đó, người ta chỉ biết rằng việc chế biến khoai tây theo kiểu “chuñu” của người Inca đã được thực hiện từ rất lâu. Đây là một cách thông minh để khử nước và nghiền khoai tây nhằm tạo ra món ăn dễ bảo quản.
Trong năm 2011, bài báo của Smithsonian đã khám phá ra sự hồi phục các kỹ thuật canh tác khoai tây do người Inca sáng tạo. Những kỹ thuật này có thể giúp bảo tồn cây trồng và gia tăng khả năng chống chịu của nó trước biến đổi khí hậu.
Trong số những giống khoai tây được trồng vì lợi ích của thế hệ tương lai, “huaña là một loại khoai tây đắng có khả năng chống chịu với mưa đá, sương giá, hạn hán và lượng nước mưa dư thừa. Sau khi được ngâm nhiều ngày và đông lạnh ngoài trời qua đêm để loại bỏ vị đắng, nó sẽ được sấy khô và bảo quản trong nhiều năm”.
Ngoài ra, người Inca cũng nhận thấy dược tính trong khoai tây, nên đã sử dụng nó để chữa trị các vết thương.
Người Inca còn tin rằng khoai tây còn có thể hỗ trợ khả năng sinh sản. Đó chính là sức mạnh của nó. Thật vậy, công dụng này đã được y học ghi nhận từ lâu, trước cả khi nó được xem như là một loại thực phẩm.
Và mặc dù khoai tây là loại siêu thực phẩm có thể ăn được ngay, nhưng những người châu Âu xưa đã dùng nó làm thức ăn cho động vật hoặc xử lý khoai tây như là sản phẩm kỳ dị của tự nhiên.
Tuy nhiên, nhận thức đó đã thay đổi khi nhân loại nổ ra các cuộc chiến tranh chỉ vì loại củ này. Nhất là khi nguồn cung cấp thực phẩm truyền thống cạn kiệt vì xung đột chủng tộc, các trận chiến vô vọng và quân đội bụng đói meo. Đây cũng chính là thời điểm mà châu Âu bắt đầu nhận ra khoai tây là cứu tinh của họ.
Giống như nhiều quốc gia khác, nước Anh cũng phải chống lại những người sống ở các vùng đất không thuộc Kito hữu.
Tờ History Magazine cho biết, “nước Anh rất ưa chuộng thịt”, “người nông dân và công dân đô thị nhìn nhận khoai tây với sự phân biệt cực độ”. Nhưng sau đó, việc Hiệp Hội Hoàng Gia uy tín xác nhận giá trị của khoai tây năm 1662 đã làm thông suốt những “đôi tai điếc”.
Đây được xem là cuộc cách mạng, làm thay đổi suy nghĩ của người ta.
Khi này khoai tây đã nhận được sự ủng hộ từ chính quyền và bắt đầu xuất hiện trong nhận thức của người dân nước Anh. Nhưng một số định kiến sâu sắc đối với việc trồng trọt khoai tây lại một lần nữa đặt ra thử thách mới và dường như không có cách nào để thay đổi cái nhìn này.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã cải biến cùng với Đức vua Frederick II của Phổ.
Cũng giống như các tầng lớp thượng lưu ở Anh và nhiều nơi khác đánh giá cao giá trị của khoai tây, Frederick II đã cổ vũ nhiệt tình cho khoai tây. Bởi ông thấy được rằng đó chính là loại thực phẩm có thể nuôi sống một quốc gia đang đói khát.
Do đó, nhà vua đã cố gắng mang khoai tây đến với người dân, nhưng kết quả ông chỉ nhận được những phản ứng tiêu cực. Tờ History Magazine đề cập chi tiết sự việc này như sau:
“Khi nhà vua ban hành lệnh trồng khoai tây vào năm 1774 cho các thần dân như là một cách bảo vệ con người chống lại nạn đói, thị trấn Kolberg trả lời rằng: “Những thứ không có mùi vị, chỉ có những con chó mới muốn ăn chúng. Vậy thì chúng thần sẽ sử dụng chúng để làm ra cái gì?”.
Đây cũng là lý do mà Frederick bị xem là vị vua không bình thường.
Trang web H2g2 cũng đã đặt ra câu hỏi về lý do vì sao phương pháp tiếp cận của ông lại không bình thường như những cách tiếp cận khác:
“Tại sao vua Frederick lại quan tâm đến chế độ ăn uống của người nông dân? Trong khi lúc bấy giờ tại châu Âu có nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn cần giải quyết như: Những người nông dân bị bỏ đói do thiếu ngũ cốc và thảo mộc, các cận thần Hoàng Gia phàn nàn về căn bệnh khó chữa do ăn gan ngỗng quá nhiều. Cũng như họ thường phàn nàn về nguồn ngân sách eo hẹp và sự nghiêm khắc thực thi kỷ luật tự giác của đức vua”.
Và dù cho khi này mọi người trên trái đất đều từ chối ăn loại Táo Của Quỷ Dữ, thì nhà vua Friedrich vẫn lập ra một kế hoạch có thể khiến người ta suy nghĩ khác đi.
Theo đó, ông đã chơi trò chơi với người dân bằng cách cho trồng một loại cây bí mật trong khu đất của hoàng gia. Sau đó, ông ra lệnh cho các vệ binh canh gác xung quanh, nhằm khiến mọi người nghĩ rằng: Có một điều gì đó đang được phát triển trong khu đất này. Đó là thứ rất đáng đồng tiền để họ có thể lấy trộm!
Lẽ dĩ nhiên đã có những kẻ cơ hội vơ vét và lục lọi trong đám đất bẩn. Nhưng khi đó đức vua chỉ mỉm cười với sự khôn khéo của mình.
Đương nhiên lúc họ phát hiện ra rằng thứ mà mình đã trộm được chính là khoai tây, họ có thể sẽ ngạc nhiên. Nhưng rồi cuối cùng những con người này nhận ra rằng đây là thứ tốt hơn cục bướu bẩn thỉu mà những người vô thần bên kia thế giới đang thèm muốn.
Đó cũng là lúc họ nhận ra được: Tính linh hoạt toàn diện của khoai tây và sự kỳ diệu của nó.
Tờ History Magazine đã nói đến vấn đề này như sau:
“Bên cạnh việc cung cấp tinh bột -thành phần thiết yếu cần có trong chế độ ăn uống, khoai tây còn rất giàu Vitamin C, Kali và là một nguồn chất xơ tuyệt vời.
Trong thực tế, khoai tây cung cấp tất cả các dưỡng chất quan trọng ngoại trừ: Canxi, vitamin A, vitamin D.
Loại cây trồng này cũng cho thời gian thu hoạch nhanh hơn bất kỳ loại cây lương thực nào khác và nó có thể sinh trưởng tốt trong hầu hết các môi trường sống khác nhau”.
Do đó, nếu khoai tây có mặt trong kinh thánh, thì có lẽ nó đã dễ dàng được chấp nhận hơn. Thậm chí nó có thể trở thành món ăn của giới quý tộc.
Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra, loại củ mũm mĩm này đã chứng minh được sự say mê của người dân châu Âu dành cho nó.
Một số người tin rằng sự phát triển nhanh chóng số lượng khoai tây là do nó đã được đưa vào chuỗi thức ăn dành cho mọi tầng lớp. Đồng thời, những gì mà đức vua Frederick làm được đã giúp nâng cao vị thế khoai tây ở Phổ, từ “quả táo của quỷ” không ai muốn ăn thành thực phẩm ngon miệng.
Sau đó, trên khắp các khu vực của Châu Âu khoai tây bắt đầu trở thành bản sắc ẩm thực của người dân nơi đây. Đặc biệt là ở Ireland, đất nước sử dụng khoai tây làm món ăn truyền thống của dân tộc. Mặc dù sự phát triển này đã dẫn đến nạn đói bi thảm trong lịch sử Ireland vào giữa thế kỷ 19, khi một căn bệnh bí ẩn đã biến tất cả khoai tây thành… bột đen.
Nhìn chung, câu chuyện về khoai tây ở châu Âu thưở xưa đã gặt hái được thành công, thật sự đã giúp khoai tây có được sự khởi đầu mạnh mẽ. Quá trình đó cho thấy “sự kiên trì và bền bỉ” của khoai tây trước sự thờ ơ của con người, cho đến khi nó trở thành nhu yếu phẩm cần thiết trong danh sách mua sắm của người dân châu Âu.
>>> Sự tích các vì sao của Philippines
Tú Văn, theo TVN