Khổ nạn không phải sự trừng phạt, mà là sự ‘ưu ái’ ông trời dành cho bạn
Trong tôn giáo thường giảng: “Làm người là khổ”, dường như cái khổ là điều khó tránh khỏi trên bước đường đời của mỗi người. Vậy bạn sẽ lựa chọn gì: âm thầm khổ não hay vui vẻ đón nhận? Tâm thái sẽ quyết định số mệnh của chính bạn!
Có một chàng trai trẻ không may mất đi cả đôi chân của mình trong một tai nạn giao thông. Nỗi đau quá lớn, tính tình của anh kể từ đó cũng đổi khác, cáu bẳn nhiều hơn, từ chối trị liệu phục hồi, lại nhốt mình trong nhà, thường quát nạt mẹ cha và vùi đầu trong khổ não triền miên.
Một hôm, anh nổi cơn tam bành, hai tay hất đổ cả mâm cơm trưa mà mẹ anh vất vả chuẩn bị xuống sàn nhà. Nhưng mẹ anh vẫn nhẫn nại, không một lời oán trách, bà chỉ thở dài lặng lẽ thu dọn thức ăn.
Hôm sau, mẹ anh đến bên giường, chỉ về phía cánh cửa sổ ở khu nhà trọ đối diện và nói: “Con có nhìn thấy cánh cửa sổ kia không? Có một cô gái sống ở đó. Cô ấy cũng bị tai nạn mất đi hai chân giống như con vậy. Nhưng cô ấy vẫn rất lạc quan, lại có tài, mỗi ngày đều ở nhà chuyên tâm vẽ tranh đến tận đêm khuya. Không phải con cũng rất thích vẽ tranh đó sao? Có lẽ con nên thử làm theo cô ấy“.
Chàng trai trẻ nghe xong, trên mặt lộ vẻ tức giận và phản bác. Nhưng cũng từ hôm ấy, anh bắt đầu chú ý đến cửa sổ khu xóm trọ đó. Quả nhiên giống như những gì mẹ anh đã nói. Căn phòng đó tối nào cũng rực rỡ ánh đèn mãi đến tận đêm khuya mới tắt. Hẳn là cô gái đó đang miệt mài vẽ tranh.
Chàng trai cụt chân cảm thấy vô cùng hiếu kỳ. Cô ta trông ra sao, tính cách như thế nào, ngoài vẽ tranh ra còn sở thích nào khác nữa không? Biết bao câu hỏi cứ triền miên hiện lên trong đầu anh.
Rồi một hôm, anh cũng mang ra bộ đồ vẽ vốn đã xếp xó từ lâu và bắt đầu đưa những nét cọ đầu tiên. Trái tim vốn phong bế, cằn cỗi của anh cũng dần cởi mở hơn. Anh chấp nhận đến bệnh viện tập phục hồi vận động định kỳ, cũng không còn quát mắng người nhà nữa. Những nụ cười đã xuất hiện nhiều hơn trên gương mặt rạng rỡ của anh.
Trong khoảng thời gian dưỡng bệnh, anh đã vẽ ra rất nhiều tác phẩm. Một hôm, sau khi đắn đo suy nghĩ thật lâu, anh dốc hết dũng khí, mang theo bức tranh của mình sang nhà đối diện tìm cô gái. Nhưng anh đã bấm chuông một hồi lâu mà không có người ra mở cửa. Cuối cùng, một ông lão ở khu nhà trọ bên cạnh bước ra, hỏi: “Xin hỏi, cậu có chuyện gì chăng?“.
Chàng trai trẻ đáp: “Dạ, cháu muốn tìm cô gái sống ở khu nhà này ạ!“.
“Nhà trọ này trước nay đều để không, vốn không có người ở!“, ông lão nói. “Nhưng cách đây ít lâu một phụ nữ trung niên đã trả cho lão một khoản tiền, yêu cầu lão đây cứ chập tối mỗi ngày thắp đèn lên, đợi đến tận đêm khuya mới tắt đi. Người phụ nữ đó nói rằng bà ấy sống ở nhà đối diện bên kia“.
Chàng trai trẻ đứng lặng ở đó hồi lâu. Thì ra, chuyện về cô gái cụt chân vẽ tranh ấy vốn là mẹ anh cố tình bịa ra để mở ra cho anh một tia hy vọng. Anh không nói cho mẹ biết là mình đã biết hết sự thật mà từ đó càng hiếu thuận với mẹ hơn. Anh cũng cố gắng vẽ nhiều tranh hơn, về sau đã trở thành một họa sĩ xuất sắc.
Cuộc đời đúng là có nhiều bước ngoặt không ngờ, nhưng đến tận giây phút sau cùng bạn sẽ phát hiện ra rằng tất cả những khổ đau, trắc trở, buồn phiền mà ông trời mang đến cho mình lại chính là món quà quý giá nhất.
Có một người ngay từ nhỏ đã không nhìn thấy ánh sáng, sau khi lớn lên, người đó vô cùng chán nản, luôn nghĩ rằng ông trời đã trừng phạt mình. Cảm thấy bản thân mình chẳng có tiền đồ gì nữa. Bạn bè chăm sóc, quan tâm tới cậu thế nhưng cậu không muốn sống cuộc sống như thế nữa.
Sau đó, có một thầy giáo nói với cậu ấy: “Trên đời này mỗi người đều là quả táo bị Thượng đế cắn một miếng, đều có khuyết điểm. Có người có nhiều khuyết điểm là do Thượng đế thích mùi vị của anh ta”.
Cậu ấy nghe xong như được tiếp thêm sức mạnh, từ đó coi việc bị mù là sự yêu mến của Thượng đế giành cho mình và bắt đầu nỗ lực. Nhiều năm sau, người ta vẫn còn truyền tụng câu chuyện về người massage mù danh tiếng.
Diễn viên Hollywood tên là Sylvester Stallone, trước khi thành danh đã từng bị 500 công ty điện ảnh từ chối tới 1.855 lần. Hơn nữa mỗi công ty anh đều kiên nhẫn đến thử việc 3 lần. Khi Stallone đến đó lần thứ 4, người của công ty điện ảnh nói: “Cậu muốn làm diễn viên? Cậu hãy học cách ăn nói trước đã. Cậu trông cũng xấu quá, hãy đi chỉnh hình trước“.
Stallone đã vất vả ngược xuôi xin việc 1.855 lần. Vậy hãy dán con số 1.855 này trên tường nhà. Trước khi bạn chưa bị từ chối tới 1.855 lần như vậy, mong bạn chớ nên từ bỏ.
Nếu vượt quá 1.855 lần rồi mà vẫn còn chưa thành công, thế thì bạn hãy chọn con số 10.000 xem sao. Đây là số lần thất bại mà Edison trải qua trong suốt quá trình phát minh dây tóc bóng đèn điện.
Bạn nghĩ đi, 10.000 lần! Đối với bất cứ chuyện gì, chỉ cần bạn có cảm hứng, thì hãy cố gắng đến cùng với toàn bộ khả năng của mình. Nếu như chưa đến 10.000 lần, tuyệt đối đừng nghĩ đến 2 từ “bỏ cuộc”.
Trên đời này, kỳ tích nào cũng đều có thể xảy ra, chỉ cần ta vẫn còn sống, vẫn nỗ lực hành động, chỉ cần ta có tín tâm. Đây chính là tài phú quý báu nhất của đời người.
Không ai có thể tránh khỏi nghịch cảnh của đời người. Vậy vào những lúc ấy, ta cần phải đối đãi ra sao? Nghịch cảnh là cái bẫy, nhưng nó không phải là cái bẫy đáng sợ nhất. Những người có thể đứng dậy trong nghịch cảnh mới là vĩ đại thật sự. Nghị lực phát xuất ra trong tình cảnh tuyệt vọng mới phát huy được sức mạnh nội tại tiềm ẩn trong con người.
Nếu không có loại nỗ lực này, người ta sẽ không bao giờ phát hiện được năng lực tiềm ẩn thật sự của mình. Con người nếu không gặp phải nghịch cảnh, sống vô cùng thoải mái, vô ưu vô lo thì cũng chẳng bao giờ phát hiện ra khả năng tiềm ẩn thật sự bên trong của mình. Nếu muốn kiểm nghiệm phẩm cách của một người, cách tốt nhất là xem thái độ hành xử của anh ta trong nghịch cảnh ra sao.
Thất bại, cũng chính là cơ hội để ta bước đến một vị trí cao hơn. Điều mà bất cứ người thành công nào nhớ đến đầu tiên không phải là thành tựu mà là thất bại của họ. Những trải nghiệm đau khổ trong nghịch cảnh khiến họ tạc dạ, ghi lòng. Sở dĩ họ thành công được chính là bởi biết đối mặt và chinh phục nghịch cảnh.
Thất bại vốn không đáng sợ, điều đáng sợ là bạn xem nó là kết cục chứ không phải là quá trình! Hãy luôn nhớ rằng, thất bại vốn không phải là kết quả mà chỉ là quá trình. Đời người ta không phải kết thúc ở những thất bại.
Tuệ Tâm (s/t)