Khi những người vô thần che dấu niềm tin vào Thần Thánh
Trong cuộc sống tồn tại nhiều nghịch lý và trong mỗi bản thân chúng ta cũng tồn tại những “nghịch lý” khác nhau. Ước muốn không theo đuổi, yêu đương chẳng dám tỏ bày… và đáng thương hơn nữa là tin vào Thần Thánh mà chẳng dám nói ra.
Dưới đây là câu chuyện của Tiến sĩ Alan Phan trong một chuyến làm ăn ở Trung Quốc.
Những năm đầu 1980, khi còn chạy quanh Trung Quốc làm việc cho hãng Eisenberg, phái đoàn đầu tư của chúng tôi được mọi tỉnh thành khắp Hoa Lục mừng đón nhiệt liệt, vì các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ Âu Mỹ, hiếm hoi như một ly cà phê cappuccino trong lòng Thượng Hải.
Mặc cho những nghi lễ nồng hậu, khi bắt đầu họp hành đàm phán, gần như tất cả mọi nơi đều bắt chúng tôi đứng dậy chào cờ, tiếp theo là một bài diễn văn của chủ toạ, lặp lại những lời châu ngọc của Mao Chủ tịch, kèm theo câu kết luận là chủ nghĩa vô sản của chúng tôi sẽ “chôn vùi” chế độ tư bản bóc lột của các ông trong vài năm nữa.
Với các anh chị vừa từ Âu Mỹ đến, họ luôn bị sốc và hỏi chúng tôi: “Ủa, mình đem tiền đầu tư cho họ hay mình đang đi xin?” Chúng tôi lưu lại khá lâu tại Trung Quốc nên đã thuộc lòng “kịch bản” và nói họ hãy coi đây là cơ hội tốt để ngồi “thiền”. Sau đó, tất cả mọi người đều cười vui vẻ và không ai nhớ gì đến chuyện đó nữa.
Trong các hợp đồng thương mại, khi liệt kê những vụ việc bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát của hai bên mà chúng tôi gọi là Acts of God (thiên tai từ Thượng Đế), họ bắt phải xoá đi chữ “God” vì đụng chạm đến niềm tin vô thần của họ.
Nhưng có một nghịch lý là khi được mời về ăn uống tiệc tùng tại tư dinh của các Bí thư tỉnh, thành… chúng tôi được chứng kiến cảnh các quan chức uy lực ngất trời, những người vừa phê phán sự mê tín của chúng tôi cách đây vài giờ, lại khúm núm ở một góc, thắp nhang và vái lạy tượng Thần Tài, Quan Vân Trường, tượng Phật Di Lặc, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, v.v… Và hiện tượng kỳ lạ này là một bí mật mà người dân Trung Quốc nào cũng biết.
Dĩ nhiên, những doanh nhân hay khoa học gia tại các quốc gia tự do cũng có thói quen tương tự. Mặc dù đi ngược lại với những định luật khoa học về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, nhưng họ vẫn có một niềm tin mạnh mẽ vào những yếu tố siêu hình không thể phân tích. Dường như niềm tin “phi lý” này càng mạnh thì sự thành công của các doanh nhân cỡ lớn như Carnegie, Rockfeller, JP Morgan, Buffet…càng vĩ đại. Chỉ khác là những doanh nhân Âu Mỹ không cần phải che dấu niềm tin của họ như tại Trung Quốc.
Theo Gocnhinalan