Khí amoniac độc hại đến mức nào và sơ cứu ra sao?
Những người hít phải amoniac (NH3) nồng độ cao có nguy cơ bị bỏng niêm mạc mũi, cổ họng, suy hô hấp, thậm chí tử vong chỉ sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sự cố rò rỉ khí amoniac tại một cơ sở trên đường An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. HCM hôm 10/10 vừa qua đã khiến 4 người bị ngạt, gần 1.300 học sinh và người dân gần khu vực bị rò rỉ phải sơ tán để tránh thương vong.
Trước đó, trong quá trình sang chiết khí amoniac từ xe bồn, nhân viên đã làm khí này bị rò rỉ. Mặc dù không gây thiệt hại nặng về người, nhưng sự cố rò rỉ khí amoniac khiến vật nuôi của nhà dân (như chó, gà) gần đó chết la liệt. Cây xanh trong khu vực rò rỉ cũng bị chết, héo lá.
Theo PGS. Trần Hồng Côn, thuộc khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, amoniac (công thức hóa học: NH3) là một trong những loại chất độc rất nguy hiểm. Khi một người bị nhiễm độc amoniac nặng, nếu không được cấp cứu và chữa trị kịp thời, người đó có thể tử vong sau vài phút.
Vậy, chất độc amoniac xâm nhập vào cơ thể người bằng cách nào? Và nó khiến cơ thể chúng ta “biến dạng” ra sao?
Amoniac – “Sát thủ thầm lặng”
Theo nhận định của các nhà khoa học, amoniac là một loại rất độc và nguy hiểm nếu tiếp xúc với một liều lượng lớn và trong một khoảng thời gian dài. NH3 có thể phân hủy, rất dễ cháy ở nhiệt độ cao tạo ra hydro và nitơ dioxide (NO2) độc hại.
Amoniac thường bị nén dưới dạng lỏng nhưng khi tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi và trở nên rất độc hại. Do đó, khí NH3 có thể gây tử vong khi hít phải vì tốc độ lan rộng của hơi nhanh.
Những vụ tai nạn rò rỉ amoniac vì vậy cũng rất nguy hiểm, có thể khiến cho nạn nhân rơi vào tình trạng hôn mê và tổn thương phổi, tế bào, đường hồ hấp, ăn mòn mắt và da. Một số trường hợp có thể gây tử vong.
Khi amoniac xâm nhập vào cơ thể người, nó sẽ kết hợp với nước trong cơ thể chúng ta để tạo thành hóa chất amoni hydroxit, có khả năng ăn mòn tế bào, gây bỏng cơ quan bên trong cơ thể (như da, mắt, đường hô hấp, hệ tiêu hóa…)
Những trường hợp bị nhiễm độc amoniac
Mức độ nhiễm độc amoniac có nghiêm trọng hay không phụ thuộc rất nhiều vào đường tiếp xúc, liều lượng hít phải và trong thời gian bao lâu.
Những đường nhiễm độc amoniac, bao gồm:
– Hít phải khí độc amoniac: Do đặc tính ăn mòn cao, khi xâm nhập vào cơ thể qua đường thở, amoniac sau khi kết hợp với nước trong cơ thể người sẽ biến thành hợp chất độc hại, có khả năng ăn mòn tế bào. Gây hàng loạt các tổn thương như: Bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, nó có thể khiến suy hô hấp.
– Tiếp xúc qua da, niêm mạc: Nếu chúng ta vô tình tiếp xúc trực tiếp với amoniac đậm đặc, thì các vùng tiếp xúc như da, mắt, họng, phổi bị bỏng rất nặng. Vết bỏng có thể khiến nạn nhân mù vĩnh viễn, thậm chí tử vong sau vài phút nếu không được y tế can thiệp kịp thời.
– Nuốt phải amoniac: Biểu hiện ban đầu là bỏng ngay lập tức miệng, cổ họng rồi đến dạ dày nạn nhân, khiến nạn nhân đau dạ dày dữ dội.
Các mức độ nhiễm độc amoniac (theo nồng độ và thời gian)
Biểu hiện của người bị nhiễm độc amoniac
Khi nhiễm độc amoniac, tất cả các cơ quan bên trong cơ thể người như hệ hô hấp, tim, hệ thần kinh, nội tạng… đều bị ảnh hưởng nặng nề, cụ thể:
Khi hít/nuốt/tiếp xúc phải một lượng amoniac nhất định, ngay lập tức mắt, miệng, cổ họng bị bỏng, khiến nạn nhân bị chảy nước mắt (nặng thì mù mắt), đau họng và miệng dữ dội.
Tiếp theo, hệ hô hấp, tim và dạ dày sẽ bị tác động với các biểu hiện: Đau ngực, khó thở, đau dạ dày dữ dội. Lúc này, mạch yếu đi, nạn nhân chóng mặt, lịm dần và có thể tử vong nếu nhiễm độc nặng và không được can thiệp y tế.
Làm gì khi sơ cứu người bị nhiễm độc amoniac?
Khi người thân hoặc người xung quanh bị nhiễm độc amoniac, hãy nhanh chóng thực hiện các việc sau:
– Tránh xa khu vực nhiễm amoniac: Bản thân bạn và người xung quanh nên lập tức di chuyển khỏi khu vực nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhằm tránh bị nhiễm độc nặng hơn.
– Sau đó, thay toàn bộ quần áo mới. Tất cả quần áo cũ dính amoniac nên cho vào túi nhựa và đóng kín để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc amoniac nặng hơn. Lưu ý, với loại áo chui đầu, nên cắt bỏ càng nhanh càng tốt thay vì chui qua đầu để cởi áo.
– Rửa càng nhanh càng tốt các khu vực nghi tiếp xúc với amoniac. Dùng xà phòng để rửa sạch tay, chân. Dùng nước sạch để rửa mắt nhiều lần.
– Trường hợp nuốt phải amoniac, cần xúc miệng thật nhiều với nước sạch.
– Sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị.
Theo SH