Khép lại vụ án mạng ở Bình Dương, người tập Pháp Luân Công nghĩ gì?
Sau khi vụ án ở Bình Dương xảy ra vào 1 năm trước, báo chí trong nước nhấn mạnh chi tiết “Pháp Luân Công” với tần suất dày đặc, gây ra nhiều hiểu lầm trong dư luận. Hiện nay, khi trong lời khai và kết luận điều tra xác nhận chính thức rằng các bị cáo này không phải tu luyện Pháp Luân Công, mà “tu luyện” theo cách họ tự chế ra, thì ảnh hưởng đối với dư luận trong một thời gian dài không thể ngay lập tức vãn hồi. Trí thức VN đã liên hệ với một số người tập Pháp Luân Công tại Việt Nam để tìm hiểu về những thay đổi đối với cộng đồng này trong 1 năm vừa qua.
Trong khoảng thời gian đầu tiên, khi xảy ra sự việc, rất nhiều người tập Pháp Luân Công cảm thấy lúng túng.
Anh Phan Anh, một luật sư tại Hà Nội chia sẻ:
“Gia đình ủng hộ tôi tu luyện Pháp Luân Công. Bản thân mẹ và vợ tôi cũng là người tu luyện Pháp Luân Công. Các thành viên khác trong gia đình không thay đổi cách nhìn nhận về con người tôi, nhưng lại tỏ thái độ hoài nghi về Pháp Luân Công khi đọc được trên báo những thông tin như vậy.”
Chị Hương, Quản lý kinh doanh cho một công ty trong ngành thép nói:
“Ngày diễn ra sự việc ở Bình Dương và khi có các bài báo được đăng tải, các bạn thân của tôi có gọi điện cho tôi và hỏi. Lúc đầu tôi hơi lo lắng, nhưng sau đó tôi cũng không nghĩ nhiều nữa. Ai hỏi thì tôi giải thích về các nguyên lý của Pháp Luân Công. Các bạn tôi cũng là người có tri thức, nên họ cũng rất biết chuyện.”
Chị P.H.T.A, dược sĩ tại công ty FrieslandCampina Vietnam, thì gặp phải hoàn cảnh khó khăn hơn:
“Lúc trước chồng tôi không quan tâm đến việc tôi tập Pháp Luân Công vì thấy tôi tập có được sức khỏe tốt và hòa nhã hơn. Nhưng sau khi biết thông tin về vụ Bình Dương, chồng tôi đã rất quyết liệt, nói với mẹ và với các con phải ngăn không cho tôi tập luyện, thậm chí ép tôi phải chọn một trong hai, hoặc chồng hoặc luyện tập. Tôi phải mất một thời gian dài kiên trì giải thích. Đến nay chồng tôi đã để tôi tập Pháp Luân Công mà không phản đối nữa.”
Anh T., một người tập Pháp Luân Công tại miền Bắc cho rằng bản thân những người tập Pháp Luân Công một thời gian lâu thì không bị ảnh hưởng bởi các thông tin trên báo chí, gia đình họ nếu đã có cái nhìn ổn định thì cũng không bị ảnh hưởng, nhưng “nếu nói về ảnh hưởng ở xã hội, thì tôi cho rằng có ảnh hưởng không tốt. Theo cách nói của phương Tây, thì đó là ‘misleading’: Thông tin không đủ sâu của các phương tiện truyền thông có thể dẫn đến hiểu sai theo hướng tiêu cực.”
Anh Lê Trung Dũng (TP Hạ Long, Quảng Ninh), một người hoàn lương sau khi tập Pháp Luân Công chia sẻ:
“Chị dâu tôi thấy những thay đổi của tôi sau khi tập thì cho rằng môn Pháp Luân Công này tốt, nhưng sau đó bị ‘ngấm’ nhiều thông tin tiêu cực mà báo chí hay đưa, tới vụ Bình Dương thì như ‘giọt nước tràn ly’. Chị không đồng tình với môn Pháp Luân Công mà tôi và mẹ tôi đang theo tập. Sau khi xảy ra vụ Bình Dương, báo chí đưa tin toàn ‘Pháp Luân Công’ này nọ, mẹ tôi cũng nói như mấy vụ việc trong Phật giáo gần đây, xảy ra như thế thì đâu có thể nói là Phật xấu, Phật không tốt, không tốt là cá nhân thôi.
Nhưng vụ bê tông này có sức ảnh hưởng quá kinh khủng, đối với dư luận xung quanh về môn tu luyện Pháp Luân Công.”
Anh Dũng cho hay mình từng nghiện cần sa, ma túy tổng hợp, cỏ, ke, lắc, đá…, tham gia vào băng đảng khét tiếng, bảo kê, đâm chém tranh cướp địa bàn… Anh nói vào thời điểm bế tắc nhất, muốn thoát khỏi cuộc sống giang hồ thì những điều viết trong sách của Pháp Luân Công đã làm thay đổi toàn bộ thế giới quan của anh. Anh Dũng nói:
“Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi bắt đầu biết quan tâm đến người khác, sống hòa ái và coi mọi người như người thân của mình vậy. Tôi cũng giúp mẹ các công việc nhà và biết trước đây mình thật có lỗi với mẹ. Tôi bỏ cuộc sống giang hồ, bỏ thuốc lá, thuốc lào, cả rượu bia tôi cũng không uống. Từ bỏ ma túy thì khó khăn hơn, nhưng Pháp Luân Công đã giúp tôi có đủ ý chí khống chế bản thân mình.
Các anh em giang hồ của tôi khi biết tôi tu luyện Pháp Luân Công hành xử theo Chân Thiện Nhẫn, không ai còn rủ tôi tham gia giải quyết các mâu thuẫn của giới này nữa. Tôi đã hoàn toàn từ bỏ cuộc sống của kẻ du đãng, lưu manh. Một người anh em giang hồ rất thân thiết với tôi cũng bước vào tu luyện. Anh ấy cũng cảm thấy mình vô cùng may mắn vì tìm được ý nghĩa cuộc đời.”
Tất cả những người tập Pháp Luân Công mà Trí Thức VN liên lạc đều cho biết vụ án tại Bình Dương không có ảnh hưởng gì tới tín ngưỡng của họ, bản thân họ vẫn kiên trì luyện tập môn này.
Chị Miên Nhã, Trợ lý chương trình, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, nói:
“Sau khi học Pháp Luân Công, sức khỏe tôi đã có nhiều cải biến, không còn bị đau nửa đầu và đau lưng. Quan trọng nhất là sau khi học Pháp Luân Công, thế giới quan của tôi đã thay đổi hoàn toàn, từ một người luôn luôn đau buồn vì những mất mát lớn đã xảy ra trong quá khứ, tôi trở nên lạc quan hơn. Gia đình và đồng nghiệp biết tôi học Pháp Luân Công và đều rất vui cho tôi vì tôi đã tìm được một con đường, một lối sống khiến tôi vui vẻ hơn lên, không cau có và khó chịu như trước.
Pháp Luân Công là môn học không ghi danh, không thu phí, không có tổ chức, ai muốn học thì học, ai không muốn học thì không học nữa. Mỗi người đều tự đối chiếu với những chuẩn tắc đạo đức mà môn học chỉ dạy để hành xử. Những ai nhận là học Pháp Luân Công rồi đi làm chuyện xấu thì bản thân họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vụ án Bình Dương không ảnh hưởng tới suy nghĩ của tôi hay đức tin của tôi.”
Anh Lê Anh Dũng, quản lý trong một công ty viễn thông và công nghệ thông tin, nói rằng mặc dù còn phải cố gắng rất nhiều mới đạt được tiêu chuẩn của người tập Pháp Luân Công, nhưng anh luôn mong muốn cải thiện và kiên trì tập luyện:
“Ban đầu nhiều người không lý giải được vì sao tôi tập Pháp Luân Công. Nhưng qua thời gian, nhiều người đã nhận ra sự thay đổi về sức khỏe, tính cách và nếp sống của tôi. Họ nhìn nhận và tôn trọng rằng tu luyện, tín ngưỡng là quyền và lựa chọn riêng của mỗi người.”
Chị Hương cho biết thêm:
“Từ khi tôi tu luyện, gia đình tôi luôn ủng hộ và cũng có một vài thành viên trong gia đình cùng tu luyện, 2 con nhỏ của tôi cũng tu luyện theo mẹ và các cháu rất ngoan. Thực sự là sự việc ở Bình Dương tôi không để ý lắm, nó cũng không làm ảnh hưởng đến tôi và gia đình.”
Bình luận về việc xuất hiện rất trễ thông tin các bị cáo trong vụ án Bình Dương không tu luyện Pháp Luân Công nữa mà tự nghĩ ra phương pháp riêng của họ, anh T., người tập Pháp Luân Công tại miền Bắc chia sẻ:
“Ngày nay ai đó tuyên bố ‘tôi là học viên Pháp Luân Công’, thì điều đó không có nghĩa rằng hành vi của người ấy có thể đại diện cho Pháp Luân Đại Pháp theo luật pháp. Tôi đã đọc một số bài trên các phương tiện truyền thông tường trình về phần xử án hôm 25/6/2020. Tôi cho rằng tường trình lần này nói chung là minh bạch và tình hình cũng vì thế mà rõ ràng hơn. Chỉ cần các phương tiện truyền thông truyền đạt chính xác và minh bạch, thì vấn đề tự nhiên sẽ không bị hiểu sai nữa.”
Tại phiên tòa sơ thẩm (diễn ra vào ngày 25-26/6/2020), cả 4 bị cáo Hà, Huyên, Thảo, Hoa đều khai nhận không tu Pháp Luân Công mà tu theo phương pháp mới do Hà tự nghĩ ra. Thiên Hà đặt tên cho phương pháp này là “Khảo nghiệm đức tin”. Điều này cho thấy việc nhóm Pháp Luân Công liên tục phủ nhận liên hệ với nhóm của Hà dựa trên hành vi uống rượu, hút thuốc, sát sinh là hoàn toàn có cơ sở.
Bình luận về việc này, anh T. cũng nhấn mạnh rằng có rất nhiều hiểu lầm đã bị xây dựng xung quanh phương pháp tập luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam. Chẳng hạn các thông tin liên quan đến việc người tập Pháp Luân Công không trị bệnh, không thờ cúng, không kết hôn, và bỏ việc làm, đây đều là các thông tin sai lệch. Anh T. giải thích cặn kẽ hơn:
“Không dùng thuốc chữa bệnh không có nghĩa là liều lĩnh mê tín phản khoa học. Người ta xưa nay vẫn nhìn nhận rằng khí công là một loại phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, đây cũng không phải là phương pháp duy nhất không dùng thuốc. Nên nói rằng: Tập Pháp Luân Công thì ‘có thể có’ hiệu quả chữa bệnh không dùng thuốc. Cách nói ‘người tập Pháp Luân Công không trị bệnh’ là sai lệch.”
“Pháp Luân Đại Pháp là môn tập luyện truyền ra toàn cầu. Những vấn đề mang tính địa phương, tập tục tập quán, thì hiển nhiên là không thuộc phạm trù quy định phải theo. Nhưng có nhiều người theo quán tính đã cho rằng có quy định này hay quy định khác. Việc có những diễn giải khác nhau cũng xảy ra trong cộng đồng tu luyện Phật giáo tại Việt Nam. Ví dụ, có điều khoản là người đã quy y thì là tín Phật, chỉ thờ Phật chứ không được thờ bất kể thần linh nào khác. Thế thì trong những người tu theo Phật giáo, là có cách hiểu rằng tu theo Phật giáo là sẽ không thờ cúng gia tiên nữa. Điều này thấy khá rõ trong cộng đồng những hòa thượng và ni cô. Nhưng cũng có diễn giải khác đi, và có người lên chùa thỉnh bát hương về nhà để thờ. Tuy Pháp Luân Công không có quy định là phải thờ cúng như thế nào. Nhưng mà thuận theo lối tư duy của người Việt Nam, thì có những người tự diễn giải theo cách của họ, và những người khác nhau là có cách diễn giải khác nhau. Tôi mong rằng qua thời gian, mọi người sẽ thoát khỏi lối tư duy quán tính này.”
“Về vấn đề kết hôn, Pháp Luân Công không hề cấm kết hôn mà hoàn toàn trái lại, yêu cầu người học Pháp Luân Công thuận theo tự nhiên. Vấn đề công tác và công danh sự nghiệp, người học Pháp Luân Công vẫn duy trì công tác như bình thường.”
Theo quan sát của Trí Thức VN, những người trong cộng đồng Pháp Luân Công vẫn duy trì công việc, các hoạt động xã hội và lập gia đình, nuôi dạy con cái như bình thường, chỉ không hút thuốc, uống rượu, và thường xuyên ra các địa điểm công cộng để tập luyện vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều. Ngoài ra, họ cho biết hàng tuần họ đều cố gắng sắp xếp một buổi gặp gỡ nhỏ, cùng nhau đọc các sách của môn này và trao đổi về những điều còn chưa hiểu rõ. Một số người tập Pháp Luân Công cũng cho biết họ chỉ tự luyện tập tại nhà mà không thường xuyên tham gia cùng những người khác.
Khi được hỏi về việc cộng đồng Pháp Luân Công tại Việt Nam nhìn nhận thế nào về cách báo chí trong nước đưa tin về vụ án Bình Dương, chị Miên Nhã bình luận:
“Cách đưa tin này có thể ảnh hưởng tới công chúng, trong môi trường xã hội này họ có thể nghĩ sai lệch về Pháp Luân Công. Điều này rất đáng suy ngẫm.
19 năm trước, chính quyền Trung Quốc dàn dựng Vụ tự thiêu giả ở Thiên An Môn và đưa tin rằng những người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công. Vụ việc này sau đó được truyền thông nhà nước đưa tin rầm rộ, khiến cho người dân Trung Quốc từ việc ủng hộ Pháp Luân Công, đã trở nên hồ nghi và sau đó quay lưng lại với Pháp Luân Công, nhắm mắt làm ngơ để cho học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc bị đàn áp cho tới tận hôm nay. Những nỗ lực của học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới trong hơn hai thập kỷ qua đã phần nào giúp người dân Trung Quốc và người dân thế giới minh bạch vở kịch tự thiêu dối trá của chính quyền Trung Quốc.
Tôi cho rằng, những người làm truyền thông có trách nhiệm trong việc đưa tin, và cũng có sứ mệnh truyền tải thông tin thận trọng và minh bạch trong khả năng của họ. Con người không ai là không có sai lầm, không ai là không có những ràng buộc khó nói ra ở đằng sau, cả các cơ quan truyền thông Việt Nam cũng là như thế. Nhưng dẫu vậy, tôi hy vọng sau sự việc này, những cá nhân có liên quan, những hãng tin từng đưa tin về Pháp Luân Công gắn với vụ giết người ở Bình Dương, sẽ có thể suy ngẫm lại. Học viên Pháp Luân Công được dạy là không nên nuôi dưỡng lòng oán trách đối với bất kỳ ai, vì bất kể nguyên cớ gì, vì thế tôi chỉ mong rằng những cá nhân vì những tin tức trên mà hiểu sai về Pháp Luân Công sẽ có cơ hội biết được sự thật về Pháp Luân Đại Pháp và giải khai những nghi vấn của mình.”
Theo Trithucvn.org