Iran phản đối Anh, Pháp, Đức kích hoạt Cơ chế giải quyết tranh chấp hạt nhân
Hãng thông tấn Fars cho biết, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 14/1 đã lên tiếng phản đối việc Anh, Pháp và Đức quyết định triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp hạt nhân nhắm vào Tehran theo thỏa thuận ký kết năm 2015.
“Việc triển khai cơ chế tranh chấp là hoàn toàn vô căn cứ và là một sai lầm chiến lược từ quan điểm chính trị,” ông Zarif tuyên bố ngày 14/1, đồng thời bác bỏ quyết định của các quốc gia châu Âu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ: Nếu các nước châu Âu tìm cách lạm dụng triển khai cơ chế trên thì phải sẵn sàng chấp nhận hậu quả.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi lên án “hành động hoàn toàn tiêu cực” của 3 nước châu Âu, đặc biệt sau nhiều lần Iran cáo buộc 3 nước này thất hứa trong việc bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Mousavi khẳng định Iran sẵn sàng xem xét mọi nỗ lực thiện chí và mang tính xây dựng để cứu vãn thỏa thuận nhưng sẽ đưa ra phản ứng cứng rắn đối với bất kỳ biện pháp mang tính phá hoại nào.
Trong khi đó, đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook cho hay, Washington khuyến khích động thái của Anh, Pháp, Đức và mong muốn các quốc gia này tham gia vào các nỗ lực cô lập ngoại giao nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Moscow không thấy lý do nào để kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp hạt nhân. Nga cho rằng quyết định của 3 nước thành viên lớn trong Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến việc quay lại thỏa thuận trở thành bất khả thi.
Trước đó cùng ngày, 3 nước châu Âu tuyên bố triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp theo Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), ký kết năm 2015 giữa nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) và Iran vì phát hiện Tehran liên tục vi phạm thỏa thuận JCPOA. .
Việc kích hoạt cơ chế có thể sẽ dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với Iran. Tuy nhiên, 3 quốc gia này khẳng định vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, đồng thời bày tỏ quyết tâm làm việc với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận.
Theo JCPOA, Iran chấp thuận hạn chế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tuy nhiên vào năm 2018, Mỹ đã quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau khi chính quyền Tehran liên tục vi phạm thỏa thuận. Tháng 5/2019, Tehran tuyên bố sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn đang thuyết phục Iran tuân thủ cam kết để tránh nguy cơ thỏa thuận đổ vỡ.
Thiện Thành (t/h)