Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ trầm cảm và mắc bệnh tâm thần phân liệt
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá đang trở nên phổ biến với nhóm người mắc các bệnh tâm lý, đặc biệt là trầm cảm và tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu các bệnh tâm lý này là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ hút thuốc hay chính bản thân việc hút thuốc là nguyên nhân gây ra các căn bệnh tâm lý này?
Một nghiên cứu do Nhóm nghiên cứu về thuốc lá và rượu tại trường Đại học Bristol, cùng với sự hỗ trợ từ Đơn vị dịch tễ học tích hợp thuộc tổ chức MRC – một hội đồng nghiên cứu y tế chịu trách nhiệm điều phối và tài trợ cho nghiên cứu y tế tại Vương quốc Anh, đã phát hiện rằng hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm và tâm thần phân liệt.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Biobank (là một loại sinh học lưu trữ các mẫu sinh học để sử dụng trong nghiên cứu) Vương quốc Anh của 462.690 cá nhân có nguồn gốc tại châu Âu, bao gồm 8% người hiện đang hút thuốc và 22% người đã từng hút thuốc trước đây.
Những người tham gia được điều trị bằng một phương pháp phân tích được gọi là Ngẫu nhiên Mendel. Phương pháp này sử dụng các biến thể di truyền liên quan đến phơi nhiễm để giúp đưa ra các kết luận chặt chẽ hơn về mối quan hệ nguyên nhân và hậu quả.
Nghiên cứu phát hiện rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng hai căn bệnh rối loạn tâm lý này ngược lại cũng làm tăng cao khả năng hút thuốc ở người bệnh.
Rối loạn lưỡng cực
Tương tự trên Tạp chí Tâm lý học Anh hồi đầu năm từng chỉ ra bằng chứng cho thấy hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực.
Tiến sĩ Robyn Wootton, một nghiên cứu viên cấp cao của Trường Tâm lý học Thực nghiệm kiêm tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ:
“Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta cần nỗ lực hết sức để ngăn ngừa việc hút thuốc và khuyến khích cai thuốc lá vì những hậu quả khôn lường mà nó gây ra cho sức khỏe thể chất và tinh thần”.
Marcus Munafò, giáo sư tâm lý học sinh học tại Khoa học Tâm lý học của Đại học Bristol, kiêm tác giả cấp cao của nghiên cứu cho biết thêm:
“Việc gia tăng lượng dữ liệu di truyền thu thập trong các nghiên cứu lớn, cùng với việc xác định các biến thể di truyền liên quan đến một loạt các hành vi và hệ quả sức khỏe đã khiến chúng tôi quyết định vận dụng các phương pháp như Ngẫu nhiên Mendel để tìm ra nguyên nhân và kết quả của mối liên hệ giữa việc hút thuốc với các bệnh tâm lý. Kết quả thu lại cho thấy rằng các nghiên cứu di truyền có thể cho chúng ta biết nhiều về ảnh hưởng của môi trường, ảnh hưởng của việc hút thuốc đối với sức khỏe tâm lý trên phương diện sinh học cơ bản.”
Nghiên cứu mới này còn bổ sung bằng chứng để thúc đẩy việc thi hành các chính sách cấm hút thuốc ở nơi công cộng. Hút thuốc không chỉ được chứng minh là có hại cho sức khỏe tâm lý, mà các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong gắn với những căn bệnh tâm lý đang ngày một gia tăng cũng là do hút thuốc gây ra. Do đó việc bỏ thuốc sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển các căn bệnh liên quan đến hút thuốc.
Vì thế nếu bạn đang cần được giúp đỡ trong việc bỏ hút thuốc, hãy gặp một chuyên gia chăm sóc sức khỏe uy tín, đây là người có thể cung cấp nhiều phương pháp điều trị để hỗ trợ cần thiết cho việc bỏ thuốc giúp bạn.
(*) Bài viết này được xuất bản đầu tiên trên tạp chí Bel Marra Health. Được viết bởi nhà báo về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe – Mat Lecompte.
Thanh Thiên (theo The Epoch Times)