Hồng vệ binh trúng tà mất hết nhân tính: Ép con đánh chết cha mẹ
Ông Trần Kim Quý, 71 tuổi, là một công nhân nghỉ hưu rất có trách nhiệm. Mấy năm nay, ông Trần đã nhiều lần kể lại trải nghiệm của chính mình trong thời kỳ đầu của Đại Cách mạng Văn hóa cách đây hơn 50 năm. Ký ức về những năm tháng ấy, cho đến nay, vẫn khiến người ta phải rùng mình kinh hãi.
Ông kể lại rằng…
Lúc đó tôi đang làm cho một nhà máy nước nóng trên phố Hạnh Phúc ở Bắc Kinh, trong tổ thợ cắt chúng tôi có một nhà tư bản tên là Dương Xuân Quang.
Xí nghiệp công tư hợp doanh của Dương Xuân Quang khi ấy đã được định rằng nếu cổ phần từ 900 tệ trở lên sẽ xếp thành tư sản. Thông thường người ta chỉ vì cổ phần trị giá vài ngàn tệ, thậm chí chỉ vài trăm tệ mà trở thành nhà tư bản, mục đích là để bản thân và con cái được phân thành giai cấp khác [có nhiều quyền lợi hơn] vào thời ấy.
Lão Dương thường tự hối tiếc về bản thân mình. Lão nghĩ nếu hồi đó lão không ôm giấc mộng phát tài vào năm 1954, thì lão vẫn là một công nhân thuần túy, con cái lão cũng không phải là “cẩu tể tử” (đồ chó con), mà được xếp vào hồng ngũ loại, tức là năm hạng đỏ (“năm hạng đỏ” trong Cách mạng văn hóa Trung Quốc là các tầng lớp xã hội được Đảng Cộng sản Trung Quốc ưa chuộng, trái ngược với “năm hạng đen” được phân loại là mối đe dọa hoặc kẻ thù tiềm năng.
Vào đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh chỉ được phép đến từ “năm hạng đỏ”). Lão Dương ngày thường hay nhẫn nhịn trong việc đối xử với người khác. Lão làm trong tổ thợ cắt, mỗi ngày 8 tiếng làm công nhân mài dao trong các quy trình khác nhau, thường xuyên bận bịu đến mức phải nhịn tiểu trong 4 tiếng, đi vệ sinh thì lại không đi được. Sau 8 tiếng tan ca lão thường tăng ca thêm 3, 4 tiếng nữa. Tính lão trước giờ chưa từng nói hay hành động vô lý, không nói chuyện ngoài lề, cũng chẳng dám đắc tội với bất kỳ ai.
Trong thời gian xảy ra phong trào “phá tứ cựu”, lão Dương về nhà chịu tang cha nên không có mặt ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong nhóm thợ cắt có một kẻ du thủ du thực tên là Hồ Hán Mẫn, bình thường cảm thấy rất đố kỵ với kỹ thuật tinh thông của lão Dương, đặc biệt là những lúc khen thưởng cuối tháng hoặc cuối năm, hắn đều thua lão.
Để hả cơn hậm hực bấy lâu, Hồ Hán Mẫn đã đăng tin về lão Dương trên một tờ báo lớn: “Nhà tư bản Dương Xuân Quang muốn chạy trốn khỏi cuộc vận động”.
Con trai và con gái của lão Dương thấy tin trên báo liền lập tức gọi điện cho lão, bảo lão mau chóng trở về tiếp nhận cải cách. Những kẻ tâm địa xấu xa như Hồ Hán Mẫn ở đơn vị nào cũng có. Hắn đã tập hợp được một đám Hồng vệ binh trong xã hội (vì những người trong nhà máy chúng tôi vốn không xuống tay đánh người quá tàn nhẫn), mở cuộc họp phê bình.
Hồ Hán Mẫn vì tham nghiện cái vị trí “người chủ trì” nên đã nhảy lên khán đài chỉ huy nhóm người đánh Dương Xuân Quang. Một nhóm Hồng vệ binh đã dùng roi thay phiên nhau đánh vợ chồng Dương Xuân Quang, đánh đến mức cả hai người phải nằm lăn lộn ra đất. Khi đám Hồng vệ binh cảm thấy mệt, có một tên đầu sỏ nói: “Chúng ta hãy hát bài hát cách mạng để cổ vũ, một bên đánh một bên hát”.
Đám hồng vệ binh theo nhịp của bài hát vừa đánh vừa hát: “Nói đánh thì đánh… tập cho tay bắn trúng…”, “Mặt trời lặn phía Tây áng mây chiều đỏ bay, chiến sĩ tập bắn bia đưa doanh trại trở về… mi so la mi so, la so mi do re”, vợ chồng Dương Xuân Quang chỉ còn thở thoi thóp.
Hồ Hán Mẫn bước xuống khán đài nói với con gái của Dương Xuân Quang rằng: “Ngươi muốn làm cẩu tể tử hay muốn phân rõ ranh giới?”.
Anh em nhà họ Dương bèn nói: “Phân rõ ranh giới”.
Hồ Hán Mẫn nói: “Vậy thì các ngươi hãy đánh bọn cha mẹ phản động này của các ngươi đi”.
Anh em nhà họ Dương sợ bọn Hồng vệ binh nhìn ra rằng chúng không dám xuống tay nên đã rút roi đánh cha mẹ mình. Bọn Hồng vệ binh hét lớn: “Nếu không phân rõ ranh giới thì các ngươi chính là lũ cẩu tể tử”.
Anh em nhà họ Dương thật sự đã rút roi đánh, đôi vợ chồng Dương Xuân Quang chỉ còn chút hơi thở mong manh.
Ông trời dường như cũng muốn cứu lão Dương, đột nhiên xả cơn mưa xuống. Đám Hồng vệ binh vốn định nghỉ ngơi, không ngờ có một tên nói: “Chủ tịch Mao đã dạy chúng ta, rằng chủ động khôi phục và tình thế có lợi đều bắt nguồn từ một chút nỗ lực kiên trì”.
Đám Hồng vệ binh vẫn tiếp tục rút roi ra đánh người trong cơn mưa, mệt rồi thì hát to “Nói đánh thì đánh, tập cho cây súng, lưỡi lê, lựu đạn trong tay”.
Anh em nhà họ Dương cũng theo đó mà đánh. Vợ chồng Dương Xuân Quang cuối cùng đã chết trong mưa, hai anh em không hề rơi một giọt nước mắt, còn hô lớn rằng: “Đả đảo phe phản động”.
Mấy tháng sau đó, anh em hai người họ cuối cùng đã vô cùng hối hận về hành động của mình. Buổi tối cô em đã định dùng dòng điện để tự sát, nhưng bị điện giật ngã từ trên bàn xuống và vẫn còn sống. Người anh đỡ cô em lên rồi ôm đầu khóc lóc.
Thời gian 50 năm đã trôi qua, hai người bọn họ vẫn luôn nhớ về cái đêm không lạnh mà rét đó. Cô em đã nhiều lần nói với anh mình rằng: “Nếu không phải vì con cái, em đã muốn uống thuốc ngủ đi tìm cha mẹ đáng thương của chúng ta rồi”.
Cuối cùng Trần Kim Quý nói: “Những trung học sinh Hồng vệ binh năm đó giờ chắc đã hơn 60, không biết bọn họ già rồi liệu có thấy hối hận trong lòng hay không. Còn về tên Hồ Hán Mẫn đã hại chết Dương Xuân Quang, năm trước đã mắc ung thư mà chết, khi đến âm phủ Dương Xuân Quang sẽ khởi tố hắn. Nơi này vô pháp vô thiên, dưới đó hắn sẽ phải chịu pháp chế”.
Thiên Hoa (Theo NTDTV)