Hồng Nhị Đại TQ trả giá cho những bê bối bằng kết cục “tử hình, tù tội, đào tẩu và tàn phế”
Một số kênh truyền thông Hoa Kỳ nhận định rằng, nhóm lợi ích đặc biệt “Thái tử Đảng” đang vướng phải một loạt các vụ bê bối, một số đã bị xử tử, một số thì đào tẩu, số khác thì phạm tội giết người, tham nhũng, và cũng có một số đã tàn phế.
Cụm từ “Thái tử Đảng” là chỉ con cái của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngoài ra họ còn được gọi là “Hồng Nhị Đại”.
Reuters đã đăng một bài báo “điểm mặt” nhiều thành viên của Thái tử Đảng, đồng thời liệt kê một số vụ bê bối của nhóm người này trong suốt 30 năm qua, bao gồm tử hình bằng súng, đào tẩu, giết người và tham nhũng…vv.
Bài báo nói rằng vào những năm 1980, một thế hệ Thái tử Đảng mới đã bị mắng nhiếc vì dựa vào các đặc quyền, và sử dụng các chính sách cải cách mở cửa để kiếm tiền làm giàu. Trong những năm gần đây, rất nhiều Thái tử Đảng lên nắm quyền, họ đã cố gắng thay đổi hình ảnh và hô vang khẩu hiệu chống tham nhũng, nhưng trên thực tế chính họ là những người càng âm thầm vơ vét tài sản của dân nhiều hơn bất kỳ ai.
Đầu tiên là Chu Quốc Hoa, 25 tuổi – cháu trai của nguyên soái ĐCSTQ Chu Đức, bị xử tử tại Thiên Tân, thành phố cảng phía Bắc năm 1983 vì “tội côn đồ”.
Một số nguồn tin cho biết, vụ hành quyết Chu Quốc Hoa là một trong những lý do khiến tổng bí thư của ĐCSTQ Hồ Diệu Bang “rớt đài”. Mặc dù lúc đó nhiều nguyên lão công thần của ĐCSTQ đứng ra can ngăn, nhưng Hồ Diệu Bang từ chối ân xá cho Chu Quốc Hoa. Các khiếu nại của quan chức ĐCSTQ không thể trở thành rào cản khó vượt qua đối với một người thấu tình đạt lý như Hồ Diệu Bang.
Sau đại cách mạng văn hóa, nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc bị phá hoại nghiêm trọng, đạo đức người đan trở nên suy đồi, và ĐCSTQ cũng đã đào tạo ra vô số “côn đồ” từ trên xuống dưới. Vì vậy, năm 1997 ĐCSTQ đã bãi bỏ tội côn đồ trong luật hình sự.
Trong số những Thái tử Đảng cũng đã có người trốn thoát thành công khỏi ĐCSTQ
Du Cường Thanh là một điệp viên cấp cao của ĐCSTQ, và là con trai của cựu bí thư Đảng ủy thành phố Thiên Tân. Du Cường Thanh đào thoát sang Hoa Kỳ vào giữa những năm 1980. Vụ đào tẩu đã dẫn đến việc một trong những điệp viên hàng đầu của ĐCSTQ trong CIA là Kim Vô Đãi bị bắt, Du Cường Thanh cũng bặt vô âm tín kể từ đó.
Gia cảnh của Du lại vô cùng đặc biệt, sau khi ông ta bỏ trốn, anh trai là Du Chính Thanh không hề bị ảnh hưởng. Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ, Du Chính Thanh còn được đề bạt vào Ủy ban Thường vụ của Bộ Chính trị.
Và cũng có những Thái tử Đảng bị bức hại đến mức tàn tật
Đặng Phác Phương là con trai cả của cố lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình. Khi Đặng Tiểu Bình bị thanh trừng sau Cách mạng Văn hóa, con trai trưởng của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương vì bị phê phán mà nhảy lầu, tàn phế suốt đời.
Đặng Phác Phương là Phó chủ tịch của Hội nghị Hiệp thương Chính trị khóa 11, chủ tịch danh dự của đoàn chủ tịch Liên đoàn người khuyết tật Trung Quốc lần thứ 5, và là chủ tịch của tổng công ty phát triển Khang Hoa Trung Quốc. Khi ông dính vào vụ bê bối tài chính cuối những năm 1980, đế chế kinh doanh “Khang Hoa” do ông sáng lập bị cáo buộc, lạm dụng đặc quyền miễn thuế được cấp cho quỹ phúc lợi cho người khuyết tật. Sau đó Đặng Tiểu Bình phải ra lệnh đóng cửa Khang Hoa.
Thái tử Đảng thứ tư là Lưu Nguyên, ông vốn là một ủy viên chính trị của Tổng cục Hậu cần, và là con trai của cố chủ tịch ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ – người đã bị giết trong Cách mạng Văn hóa.
Lưu Nguyên không được đề bạt vào Quân ủy Trung ương ĐCSTQ tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 18. Theo các nguồn tin trong nội bộ Đảng, đó là do Lưu Nguyên và Bạc Hy Lai đã quá thân thiết. Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, các quan chức của ĐCSTQ tuyên bố rằng, Lưu Nguyên đã giúp Tập Cận Bình đánh bại Trung tướng Cốc Tuấn Sơn và Từ Tài Hậu. Sau đó, Lưu Nguyên thôi phục vụ quân ngũ năm 2015, và đảm nhiệm một chức vụ “nhàn rỗi” trong Đại hội Đại biểu Nhân dân năm 2016.
Người cuối cùng là Bạc Hy Lai, người đã bị đánh bại trong cuộc đấu tranh quyền lực với Tập Cận Bình. Ông là con trai của nguyên lão công thần Bạc Nhất Ba, từng là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Tháng 3/2012 Bạc Hy Lai mất chức, tháng 4 ông mất vị trí thành viên trong Bộ Chính trị và cuối cùng bị trục xuất khỏi Đảng vào tháng 9/2012. Vụ việc của Bạc Hy Lai đã trở thành vụ bê bối chính trị nghiêm trọng nhất ở Bắc Kinh trong hơn 30 năm.
Bạc Hy Lai bị buộc tội hối lộ và lạm quyền. Ông ta bị buộc tội cản trở cảnh sát điều tra vụ án, doanh nhân người Anh Heywood bị đầu độc ở Trùng Khánh vào tháng 11/2011. Năm 2013, Bạc Hy Lai bị kết án tù chung thân, sau đó bị giam tại nhà tù Tần Thành. Vợ ông – Cốc Khai Lai là con gái của tướng Cốc Cảnh Sinh cũng bị kết án tù vì tội mưu sát.
5 thế hệ Thái tử Đảng của ĐCSTQ đã tích lũy của cải như thế nào
Dịch vụ truyền thông đối ngoại của Hoa Kỳ – VOA báo cáo, các Thái tử Đảng của ĐCSTQ đã không ngừng tích lũy của cải, tiền bạc. Cho đến nay, gia tộc “màu đỏ” đã trở thành chủ thể của các gia đình giàu có mới nổi của Trung Quốc. Các gia tộc “màu đỏ” của Trung Quốc, đặc biệt là Thái tử Đảng đều sử dụng quyền thế và các mối quan hệ của họ để tiến hành vơ vét của cải.
Báo cáo cho biết từ giữa những năm 1990, sự giàu có của Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực bất động sản, năng lượng khoáng sản, tài chính và lĩnh vực độc quyền đòi hỏi chính phủ phải cấp nhượng quyền thương mại. Những lĩnh vực này hiện đang được độc quyền bởi các gia tộc “màu đỏ”.
Điển hình nhất là ngành công nghiệp viễn thông của gia đình Giang Trạch Dân, ngành công nghiệp điện lực của gia đình Lý Bằng, và sự độc quyền của gia đình Đặng Tiểu Bình về bất động sản, kim loại màu, thậm chí cả ngành công nghiệp vũ khí.
Gia đình Đặng Tiểu Bình: Bất động sản, kim loại màu và vũ khí
Đặng Chất Phương – con trai thứ hai của Đặng Tiểu Bình thành lập Công ty Bất động sản Tứ Phương, sở hữu những lô đất tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân, Đại Liên, Quảng Châu, Thâm Quyến và Chu Hải, và được mệnh danh là “vua bất động sản”.
Ngô Kiến Thường là con rể cả của Đặng Tiểu Bình thành lập công ty Đông Phương Hâm Nguyên và các công ty khác, độc quyền tài nguyên kim loại màu.
Hạ Bình là con rể thứ của Đặng Tiểu Bình thành lập tập đoàn Bảo Lợi, và trở thành người ông trùm vũ khí.
Gia đình Giang Trạch Dân: Viễn thông
Con trai trưởng của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng, ông ta kinh doanh các lĩnh vực bao gồm viễn thông, chất bán dẫn, xây dựng kỹ thuật và nhiều lĩnh vực khác.
Giang Chí Thành là Con trai của Giang Miên Hằng, từng làm việc tại Goldman Sachs, sau đó thành lập Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Bác Dụ – quy mô của các quỹ đầu tư tư nhân đạt 1 tỷ đô la Mỹ.
Gia đình Giang Trạch Dân bị buộc tội là thiên hạ đệ nhất tham nhũng. Trước đây đã có bài báo đưa tin rằng, tiền mặt và tài sản của gia đình Giang Trạch Dân trong và ngoài nước lên tới hơn 500 tỷ USD.
Gia đình Lý Bằng: Hệ thống điện lực
Lý Tiểu Bằng – con trai cả của Lý Bằng là cựu chủ tịch của Tập đoàn quốc tế Hoa Năng và phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Trung Quốc.
Lý Tiểu Lâm – con gái của Lý Bằng là cựu tổng giám đốc của Tập đoàn Điện lực Quốc tế Trung Quốc.
Chu Lâm – vợ Lý Bằng, bà được cho rằng từng là chủ tịch của tập đoàn Quốc tế Hoa Năng.
Việt Anh (theo NTDTV)