Hong Kong: Từ người dân đến chính phủ đều tin vào phong thủy
Mặc dù chính phủ Trung Quốc ngày nay đang cố gắng bài xích và xem phong thủy là mê tín thì ở Hong Kong, phong thủy vẫn tiếp tục đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống người dân.
Phong thủy được xem như đức tin truyền thống của người Trung Hoa về cách sắp xếp các cấu trúc nhà ở và bố trí đồ đạc, dựa trên quan niệm tự nhiên và vũ trụ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người.
Tác động của tục lệ cổ truyền
Hong Kong nổi tiếng là nơi có phong thủy lý tưởng. Đây là khu vực có địa thế nằm giữa sông và núi, các chuyên gia phong thủy tin rằng địa thế này tạo ra dòng dương khí cực thịnh. Kết quả là, nhiều tòa nhà xây các lỗ vuông bên trong để gió từ các ngọn núi thổi xuyên qua cảng Victoria. Theo niềm tin trong phong thủy, các lỗ vuông được tạo ra để những “con rồng” từ trên núi đổ xuống nước. Cho nên, các lỗ vuông còn được gọi là “cổng rồng”.
>>> Bí mật phong thủy “Cổng rồng” trong các cao ốc ở Hong Kong
Cho dù chính phủ Trung Quốc cố gắng ngăn chặn tục lệ phong thủy, nhưng niềm tin vào phong thủy vẫn còn khá mạnh mẽ ở Hong Kong. Tạp chí TimeOut dẫn lời bậc thầy phong thủy Thierry Chow: “Tôi nói rằng ít nhất một nửa dân số [Hong Kong] đều tin phong thủy, chỉ là ở các cấp độ khác nhau. Một số người chỉ tình cờ quan tâm đến việc tìm hiểu cung hoàng đạo, nhưng có lẽ tới 40% có hiểu biết sâu hơn”.
Phong thủy có thể hiểu đơn giản là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người. Đối với người Hong Kong, phong thủy không phải cái gì mê tín mà thể hiện sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên và vũ trụ.
Loại hình văn hóa này đã ăn sâu vào trong máu xương của người Hong Kong, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Từ việc chuyển nhà cho tới việc sắp xếp nội thất nơi làm việc…, người dân nơi đây đều lưu tâm tới phong thủy, không kể người giàu nghèo, giai tầng hay địa vị khác nhau.
Trong cửa hàng, phòng làm việc của các thương nhân tại Hong Kong thường thờ thần tài và treo 72 linh phù trấn trạch. Linh phù mô phỏng thiết kế truyền thống cổ đại Trung Quốc. Các ông chủ treo linh phù này để phòng tránh tai ương, cuộc sống bình an, làm ăn phát đạt. Những cửa hàng ở sát đường đặt điện thờ ở góc tường sát cửa ra vào. Ngày ngày chủ tiệm đều thắp hương cúng bái.
Các công ty thường sắp xếp lịch làm việc dựa vào lịch âm. Người làm ăn thường xem ngày giờ. Đặc biệt, ngày khai trương, họ rất chú trọng nghi lễ cúng bái Thần Phật. Công ty nước ngoài cũng phải “nhập gia tùy tục”, tính toán ngày giờ làm ăn rất kỹ càng. Ví dụ tập đoàn tư vấn thị trường châu Á – Thái Bình Dương (CLSA) tại Hong Kong từ năm 1990 trở lại đây hàng năm đều công bố “chỉ số phong thủy” để dự báo biến động của thị trường cổ phiếu và bất động sản.
Với những đại gia giàu có, câu chuyện về phong thủy lại càng quan trọng. Thậm chí, họ đều có những nhà phong thủy riêng để hàng tháng đưa ra những tư vấn cụ thể về cách bài trí, sắp xếp phòng ở, phòng làm việc… sao cho mọi việc thuận lợi nhất. Giới chức lại càng tin tưởng vào phong thủy.
Tại sao người dân Hong Kong lại tin vào phong thủy?
Thực tế này này liên quan nhiều tới lịch sử hình thành và văn hóa riêng của mảnh đất này.
Thứ nhất, văn hóa phong thủy của Hong Kong có thể coi là kết quả của trào lưu di dân từ Trung Quốc đại lục ở nhiều thời kỳ khác nhau. Theo ghi chép của lịch sử các dân tộc tại Trung Quốc, người đầu tiên đặt chân lên đảo là một người Hán thời Nam Tống có tên Bành Quế Công. Và từ thời Nam Tống cho tới nay, đã có 25 đời con cháu của Bành Quế Công sinh sống và phát triển tại Hong Kong.
Đến thời kỳ nhà Nguyên Minh, có thêm một số gia tộc lớn họ Đặng, Văn, Miêu, Hầu tới Hong Kong quần tụ, làm ăn sinh sống. Tới năm 1842, khi Hong Kong xây dựng hải cảng đầu tiên thì ngày càng có nhiều người di cư tới đây tìm kế sinh nhai và cùng xây dựng Hong Kong phát triển.
Lý thuyết về phong thủy của Trung Quốc được hình thành từ thời Đường – Tống với nhiều trường phái, như phái Hình thế ở Giang Tây, phái Lý pháp ở Phúc Kiến. Phái Lý pháp lấy âm dương, quẻ lý để luận cát hung, truyền bá tới một số khu vực như Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tây…
Vì thế mà một số dòng họ như Cám, Mẫn, Việt ở những khu vực này sau khi tới Hong Kong đã mang theo và lưu giữ những tập quán phong thủy và văn hóa tín ngưỡng. Đây chính là nguyên nhân cơ bản tạo nên sự thịnh hành của phong thủy tại Hong Kong ngày nay.
Thứ hai, sự tuyên truyền tích cực của các cơ quan truyền thông đại chúng tại Hong Kong về phong thủy đã phần nào thúc đẩy xu hướng yêu thích và tin vào phong thủy của xã hội phát triển. Một số đài truyền hình, đài phát thanh thường mời những chuyên gia về tướng số tới nói chuyện về vận mệnh, tướng mạo hay những chòm sao số mệnh. Những chuyên mục này rất được người dân Hong Kong quan tâm.
Nhiều tờ báo, tạp chí cũng dành riêng chuyên mục cho việc dự đoán vận mệnh, xem tử vi … Theo Tengxun, Hong Kong hàng năm xuất bản hơn 50 đầu sách khác nhau liên quan tới tử vi, tướng số. Lượng tiêu thụ của người dân lên tới 400.000 cuốn mỗi năm.
Ngoài sự tuyên truyền tích cực của các cơ quan truyền thông, một số tổ chức đoàn thể cũng tận dụng ngày cuối tuần, dịp lễ tết để mời những chuyên gia phong thủy, tướng số tới các công viên phụ vụ nhu cầu xem tướng số cho bà con.
Thứ ba, văn hóa phong thủy thịnh hành tại Hong Kong còn liên quan tới chính sách quản lý của chính quyền thời kỳ thực dân thống trị. Thời đó, chính phủ Anh thực hiện chính sách không can thiệp vào văn hóa của người dân, tạo nên sự bao dung và đa sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây. Trong điều kiện đó, tập tục phong thủy mới có cơ hội phát triển và đến nay đã trở thành một phần không thể thiếu.
Những tòa nhà phong thủy nổi tiếng ở Hồng Kông
Các tập đoàn đa quốc gia dành rất nhiều tiền của để đảm bảo tòa nhà của họ được xây phù hợp với phong thủy. Họ muốn làm vậy để công ty được người dân tin tưởng khi tôn vinh các giá trị truyền thống của địa phương.
Tòa nhà chính HSBC
Phía trước tòa nhà chính của HSBC, mọi người sẽ phát hiện 2 bức tượng sư tử được đặt ngay trung tâm. Hai bức tượng này được cho là “bảo vệ” tài phú của ngân hàng, đồng thời cũng đảm bảo cho việc kinh doanh được phát đạt. HSBC cũng bố trí hai khẩu pháo hướng về tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc gần đó để chống lại “năng lượng tiêu cực” từ đó.
Ngân hàng Trung Quốc
Đây là tòa nhà khét tiếng nhất ở Hong Kong, vì các chuyên gia phong thủy nói rằng thiết kế của nó tỏa ra năng lượng tiêu cực cho các tòa nhà gần đó. Tòa nhà của Ngân hàng Trung Quốc trông giống như chiếc tuốc nơ vít (tô vít) khoan vào thịnh vượng và phồn vinh của Hong Kong. Hình dáng của tòa nhà này hoàn toàn không đúng với truyền thống và không hề có “Cổng rồng”, khác hoàn toàn với phong cách xây dựng theo đường lối phong thủy ở Hong Kong, đem lại “sát khí” cho những tòa nhà và các công ty xung quanh bởi thiết kế nhọn hoắt và kém may mắn của mình.
Và đúng vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp liền kề đã đóng cửa, nguyên nhân được nhìn nhận là do “âm khí” do tòa nhà đó phát ra. Một số tầng của tòa tháp Ngân hàng Trung Quốc đến nay vẫn còn để trống, vì không ai muốn mạo hiểm đặt cửa hàng của mình trong tòa nhà có phong thủy xấu.
Disneyland
Khi Disney quyết định mở công viên giải trí ở Hong Kong, họ đã tham khảo ý kiến các bậc thầy phong thủy. Và theo hướng dẫn của các thầy, thiết kế của Disneyland có một khúc cua trên con đường từ cổng chính đến ga xe lửa. Làm như vậy để đảm bảo năng lượng tích cực sẽ không trượt ra biển. Thêm vào đó, góc của cổng trước được dịch chuyển 12 độ để mang lại thịnh vượng hơn cho công viên.
Trung tâm Hopewell
Tòa nhà này được xây giống cây nến. Thật không may, điều này mang ý nghĩa chết chóc. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia phong thủy khuyên nên xây một hồ bơi ở phía trên nhằm dập tắt “ngọn lửa” trên đỉnh tòa nhà có hình nến.
Hồng Liên (t/h)