Hơn 70% ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành y bị tố gian lận
“Thậm chí, có nhiều ứng viên còn không dịch nổi rõ nghĩa chính bài báo khoa học được cho là của mình đăng trên tạp chí nước ngoài.”
Sau khi vụ việc 16 ứng viên bị tố gian lận, đến ngày 24/10, giáo sư (GS) Nguyễn Ngọc Châu cho biết ông nhận thêm email tố 21 ứng viên GS, phó giáo sư (PGS) khác có hồ sơ không đủ tiêu chuẩn nhưng đã được Hội đồng GS ngành y học thông qua.
Như vậy có tổng cộng 37/50 ứng viên đã bị tố cáo trong lần xét duyệt học hàm năm nay, chiếm tỷ lệ hơn 70%. 16 trường hợp trước đó đã được GS. Châu thẩm định và khẳng định có dấu hiệu gian lận, 21 trường hợp tiếp theo được GS giao cho Hội đồng GS nhà nước vì không có thời gian để thẩm định.
“Năm nay là năm thứ hai yêu cầu các ứng viên PGS phải có ba bài báo khoa học, ứng viên GS phải có năm bài báo khoa học, được đăng trên các tạp chí nằm trong danh mục của ISI và Scopus. Tức là tiêu chuẩn cao hơn hẳn trước kia, dẫn đến các ứng viên sẽ phải tìm cách đạt được yêu cầu. Khi thẩm định tôi thấy có ứng viên nữ có tới 11 bài báo khoa học. Trong đó chỉ có 4 bài đạt yêu cầu, còn 7 bài không nằm trong danh mục của ISI hay Scopus”, GS Nguyễn Ngọc Châu cho biết thêm.
Giáo sư tiến sĩ Phạm Gia Khải, Chủ tịch hội tim mạch Việt Nam cũng góp thêm ý kiến về vụ việc. Vị GS cho hay, khi ông còn ngồi trong Hội đồng Giáo sư Nhà nước hiện tượng các ứng viên gian dối bài báo khoa học, thuê viết bài báo khoa học, thuê đăng bài vẫn thường xảy ra. Thậm chí, có nhiều ứng viên còn không dịch nổi rõ nghĩa chính bài báo khoa học được cho là của mình đăng trên tạp chí nước ngoài.
“Khi chúng tôi làm nghiêm ngặt thì còn được nhắc nhở là chặt chẽ vừa thôi”, GS Phạm Gia Khải chia sẻ.
Ngoài các yếu tố chủ quan, yếu tố khách quan cũng tồn tại. Chủ tịch Hội đồng GS ngành y học của năm 2020, GS.TS Đặng Vạn Phước cho biết:
“Hạng của các tạp chí khoa học cũng thăng giáng liên tục. Giai đoạn COVID-19 vừa qua, ngay cả những tạp chí nổi tiếng bên Mỹ cũng tùm lum hết. Năm ngoái có ứng viên đăng ký chức danh PGS gửi bài cho tạp chí nước ngoài từ năm 2018, đến năm 2019 tạp chí mới đăng. Nhưng cũng trong năm 2019 tạp chí này bị loại ra khỏi danh sách của ISI và Scopus, mà ứng viên không hề hay biết”.
Ngoài ra, vị GS này cũng đưa ra đề xuất cần tính thêm cả bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong nước, ông cho rằng “các tạp chí khoa học trong nước đã có truyền thống 40 – 50 năm” đang bị xem nhẹ, tự hạ thấp uy tín của mình.
Từ Thức (t/h)