Hơn 35.000 lao động Hà Tĩnh làm việc chui ở nước ngoài
Trả lời chất vấn về việc hơn 35.000 lao động của tỉnh Hà Tĩnh đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói ‘rất khó quản lý’ dù đã có quy định mức phạt được áp dụng hiện nay là từ 80 – 100 triệu.
Sáng 15/12, trong phiên chất vấn của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhận được nhiều câu hỏi về việc hàng chục nghìn người Hà Tĩnh cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
Hơn 35.000 người lao động bất hợp pháp tại nước ngoài
Theo báo cáo tại phiên họp, Hà Tĩnh có hơn 67.000 người đang làm việc ở nước tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Angola…Lượng ngoại tệ do người lao động gửi về nước là trên 4.500 tỷ đồng/năm.
Theo đó, toàn tỉnh có hơn 35.000 người đang làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài. Trong đó có khoảng 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, số còn lại là lao động di cư tự do ra nước ngoài và không có giấy phép lao động.
‘Có hay không đường dây ngầm đưa người ra nước ngoài?’
Đại biểu Trần Hậu Tám (huyện Hương Sơn) đã đề nghị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh trả lời câu hỏi “Có hay không đường dây ngầm đưa người ra nước ngoài trái phép trên địa bàn?”. Bởi ông nghĩ đây là vấn đề quan trọng, nhất là sau vụ 39 người Việt Nam tử vong trong xe container ở Anh hôm 23/10, trong đó có 10 lao động đến từ Hà Tĩnh.
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Trí Lạc cho biết, trong tỉnh chỉ có duy nhất một công ty xuất khẩu lao động đủ chức năng đưa người ra nước ngoài làm việc, còn các doanh nghiệp và điểm tư vấn khác (nếu có) đều hoạt động trái phép.
Vừa qua lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tổng kiểm tra toàn bộ công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn nhưng việc này cần thời gian “vì khi thanh tra, xử lý rất đụng chạm”.
Quản lý rất khó khăn, cần có sự phối hợp các ngành liên quan
Ngoài ra, ông Lạc cũng thừa nhận việc lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài là do công tác quản lý lao động chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý lúc xuất cảnh thì người lao động không vi phạm pháp luật Việt Nam vì họ sử dụng hộ chiếu, visa hợp pháp đi du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, du học.
Việc người ra nước ngoài bằng những con đường hợp pháp nhưng sau đó ở lại làm việc bất hợp pháp khiến việc quản lý rất khó khăn và cần có sự phối hợp các ngành liên quan.
“Tỉnh chỉ quản lý một doanh nghiệp, mỗi năm chỉ đưa 30-50% lao động đi làm việc nước ngoài. Số lao động còn lại do các doanh nghiệp ngoài tỉnh đưa đi, họ tiếp nhận hồ sơ chui trên cả nước để đưa lao động đi.
Theo quy định, lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn bị phạt 80 đến 100 triệu đồng. Nhưng họ đang ở nước ngoài, không về Việt Nam nên cơ quan chức năng không thể xử lý. Chỗ này luật pháp có kẽ hở.
Sắp tới tỉnh sẽ có đề án về hoạt động XKLĐ để thúc đẩy hoạt động được thuận lợi, hiệu quả, tăng cường quản lý, giám sát lao động được tốt hơn”, ông Lạc nói.
Kết thúc phiên chất vấn, ông Lê Đình Sơn – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, phần trả lời của ông Lạc còn “lòng vòng, chưa thỏa mãn yêu cầu của đại biểu”.
Cũng tại kỳ họp này, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có lượng người đi xuất khẩu đứng đầu cả nước. Xuất khẩu lao động góp phần nâng cao đời sống người dân và góp phần phát triển kinh tế tỉnh. Nhưng không ít trường hợp ra nước ngoài lao động để lại hậu quả hết sức đau lòng.
Theo đó, ông Sơn nhấn mạnh, đối với công tác xuất khẩu lao động cần tuyên truyền sâu rộng cho chính người dân hiểu và chuẩn bị đầy đủ sức khỏe, kiến thức để lao động có thể đứng vững trên đất nước họ đi xuất khẩu.
“Việc tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động trên 90% là ngoài tỉnh, vậy cần phải xem lại vấn đề quản lý nhà nước như thế nào sau những vụ việc đau lòng vừa qua. Đây là vấn đề rất lớn, hậu quả chính là người dân đang phải gánh chịu, nhưng suy cho cùng một phần trách nhiệm của chúng ta trong công tác quản lý”, ông Sơn nói.
Vũ Tuấn (t/h)