Học giả Trung Quốc: Ba vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc
Giới chuyên gia kinh tế Trung Quốc đại lục cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc trong năm 2017 là làm thế nào chuyển đổi mô hình kinh tế đang bị “bất động sản hóa”.
Gần đây có chuyên gia kinh tế chia sẻ bài viết cho rằng, năm 2017 Trung Quốc đứng trước 3 khó khăn lớn về kinh tế, nếu không giải quyết tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế Trung Quốc, trong đó vấn đề lớn nhất là làm thế nào chuyển đổi mô hình kinh tế đang bị “bất động sản hóa”.
Khó khăn trong chuyển đổi mô hình kinh tế bị “bất động sản hóa”
Ngày 4/1, Giáo sư Dị Hiến Dung (Yi Xianrong) thuộc Học viện Kinh tế Đại học Thanh Đảo có bài viết đăng trên trang BWCHINESE, theo đó tác giả đưa ra những vấn đề: nền kinh tế bị “bất động sản hóa” phải chuyển hóa như thế nào, đồng nhân dân tệ mất giá phải xử lý như thế nào, và cuối cùng là làm sao để đưa kinh tế Trung Quốc “từ ảo sang thực”. Nếu 3 vấn đề này không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế Trung Quốc năm 2017.
Giáo sư Dị Hiến Dung cho rằng, thực tế thị trường bất động sản Trung Quốc bị giới đầu cơ thao túng đã kéo dài hơn chục năm qua. Điều này đã phá hoại nghiêm trọng cơ cấu kinh tế Trung Quốc, bẻ cong quan hệ phân phối tài nguyên kinh tế, làm tăng thêm bất công trong chia sẻ của cải xã hội, là hiểm họa lớn đối với hệ thống tài chính Trung Quốc, nghiêm trọng hơn là thay đổi toàn bộ quan niệm về sự giàu có xã hội cùng cơ chế sáng tạo và tích lũy của cải.
Theo giáo sư Dị Hiến Dung, từ khi điều chỉnh chính sách quản lý bất động sản từ ngày 30/9/2016 đến nay (Trung Quốc ban hành một loạt các biện pháp kiểm soát đầu cơ bất động sản nhằm ngăn chặn nguy cơ bong bóng và ổn định thị trường.
Trong đó, yêu cầu hơn 20 thành phố sửa đổi các quy định liên quan thị trường bất động sản, đặc biệt là quy định về khoản tiền đặt cọc cao hơn và những quy định chặt chẽ hơn trước về giao dịch), chính quyền các địa phương vì chịu áp lực lớn của trung ương nên mới cho công khai chính sách điều tiết thị trường bất động sản, tuy nhiên nhiều nơi nhìn bề ngoài tưởng đang kiên quyết chấp hành tinh thần của trung ương nhưng thực tế không sẵn lòng làm theo.
Giáo sư Dị Hiến Dung nhận định, chuyển hóa mô hình thị trường bất động sản hiện nay, trên thực tế chính là điều chỉnh quan hệ lợi ích, là chuyển lợi ích mà một thiểu số người đắc lợi cho đại đa số mọi người để giảm thiểu tình trạng bất công, vì thế mà kế hoạch này đang gặp nhiều trở ngại vì nhóm lợi ích.
Theo ông, nếu không thể dùng đòn bẩy kinh tế để điều tiết thị trường bất động sản thì cũng sẽ rất khó khăn trong việc đưa giá trị bất động sản trở về giá trị thực và không thể giải quyết được vấn đề bong bóng bất động sản. Đây là vấn đề trọng tâm của kinh tế Trung Quốc trong năm 2017.
Đồng Nhân dân tệ (NDT) sụt giá
Vấn đề thứ hai là tỉ giá đồng nhân dân tệ. Theo giáo sư Dị Hiến Dung, việc đồng NDT sụt giá đang là rủi ro lớn, vì không chỉ liên quan đến dòng chảy tài chính trong nước mà còn liên quan đến niềm tin của thị trường đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ông còn cho rằng, việc kiểm soát ngày một chặt chẽ việc mua bán ngoại hối sẽ khiến niềm tin của thị trường đối với đồng nhân dân tệ suy giảm mạnh hơn. Thực tế, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang giảm liên tục cũng cho thấy cầu NDT trên thị trường nước ngoài đang giảm mạnh; rõ ràng việc quốc tế hóa đồng NDT đang gặp trở ngại nghiêm trọng. Ví dụ như lượng NDT trên thị trường Hồng Kông hiện còn còn chưa đến 600 tỷ, giảm một nửa trong vòng chưa đầy một năm. Đây là áp lực khủng khiếp đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2017.
Nền kinh tế thực quá yếu
Cũng giống nhiều nền kinh tế khác, Trung Quốc gặp vấn đề với “cỗ máy đầu tư cấu trúc” (SIV – Structured investment vehicles) – hoạt động theo hình thức huy động vốn ngắn hạn bằng việc phát hành thương phiếu (commercial paper) với lãi suất thấp, đầu tư vào các loại chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản (asset-backed securities) với lãi suất cao – SIV chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây năm 2007-2008.
Không chỉ vậy, nền kinh tế thực của Trung Quốc quá yếu, khu vực sản xuất vô cùng khó khăn, lợi nhuận kiếm được rất hạn chế. Nền kinh tế bị “bất động sản hóa” khiến toàn dân đua nhau lao vào làm bất động sản, đa số tiền của ở Trung Quốc chảy vào thị trường bất động sản, gây khó khăn cho phát triển nền kinh tế thực. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016 có hàng trăm công ty phải bán bất động sản để bù lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giáo sư Dị Hiến Dung nhận định, vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Trung Quốc năm 2017 là làm thế nào giải quyết thực trạng nền kinh tế bị “bất động sản hóa”, vấn đề xử lý chính sách tiền tệ và chính sách tài chính năm 2017 đều xoay quanh trọng tâm này để triển khai.
Theo trithucvn.net