Hoạt động thu hoạch nội tạng của Trung Quốc có thể bị Mỹ điều tra
Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 13/3 đã nêu bật, Trung Quốc là một trong những nước đàn áp nhân quyền nhiều nhất thế giới và có thể sẽ điều tra trong tương lai về tình trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại nước này.
Khi trình bày báo cáo tại Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc “ở một đẳng cấp riêng khi nói về vi phạm nhân quyền”.
“Chỉ trong 2018, Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch bắt giam cộng đồng Hồi giáo thiểu số ở một mức độ lịch sử. Hôm nay, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhs và những tộc Hồi giáo khác đang bị giam trong những trại cải tạo giáo dục được thiết kế để xóa bỏ bản sắc tôn giáo và sắc tộc của họ”. ông Pompeo nói.
Báo cáo liệt kê hàng chục hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc, bao gồm “tự ý giết người hay giết người trái phép bởi chính phủ; mất tích do bị cưỡng ép bởi chính phủ; tra tấn bởi chính phủ; giam giữ tùy ý bởi chính phủ; điều kiện giam cầm và nhà tù độc hại, đe dọa tính mạng; tù chính trị”, và nhiều hình thức khác.
Đại sứ Michael Kozak của Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, nói tại một buổi họp báo hôm 13/3 tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia: “Từ Tân Cương, nơi có hàng trăm ngàn hay hàng triệu người trong trại, tới việc đối xử với Pháp Luân Công, tới các nhà thờ trong nhà, các bạn có thể kể mãi. Tình hình ở Trung Quốc không trở nên tốt hơn, nó đã xấu đi rất nhiều trong vòng vài năm qua”.
Kozak nói: “Chúng tôi có nêu những vấn đề này với nhà cầm quyền Trung Quốc khi chúng tôi thấy họ… điều chúng tôi đang cố gắng làm chỉ là nâng mức độ chú ý tới những vấn đề này”.
Ông Kozak tin rằng áp lực từ cộng đồng quốc tế “quả thực có một số hiệu quả”. Trong trường hợp Tân Cương, chính quyền Trung Quốc đã thay đổi vị thế của họ từ phủ nhận sự tồn tại của các “trại cải tạo” tới thừa nhận đó, mặc dù họ tuyên bố đây là những “trại dạy nghề”.
Vấn đề thu hoạch nội tạng được nhắc tới
Báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ cũng nhắc tới vấn đề thu hoạch nội tạng từ người sống ở Trung Quốc, như được nêu trong Nghị quyết 343 của Hạ viện. Nghị quyết 343 được Hạ viện Mỹ đồng nhất thông qua vào hồi tháng 6/2016, nhằm “bày tỏ quan ngại về các báo cáo liên tục, khả tín, về tình trạng thu hoạch nội tạng có hệ thống, được nhà nước phê chuẩn trái với ý nguyện của những tù nhân lương tâm tại CHDCND Trung Hoa, trong đó bao gồm một số lượng lớn học viên Pháp Luân Công và thành viên của các cộng đồng tín ngưỡng và sắc tộc thiểu số khác”.
Báo cáo năm nay ghi: “Một số nhà hoạt động và các tổ chức tiếp tục lên án chính quyền Trung Quốc về hành vi cưỡng ép thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt là thành viên của Pháp Luân Công”.
Ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế, tác giả của cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” trong đó điều tra hoạt động mổ cướp nội tạng tù nhân đáng báo động ở Trung Quốc nói với tờ Epoch Times rằng, việc chính quyền Mỹ nhắc đến vấn đề được nêu trong nghị quyết 343 là “một tiến triển đáng chú ý”.
“Việc Bộ ngoại giao đề cấp đến các báo cáo về thu hoạch nội tạng tù nhân lương tâm, trong đó chủ yếu là Pháp Luân Công, là một chỉ dấu cho thấy các báo này được nhìn nhận với mức độ nghiêm trọng”.
Ông Matas nói có “một mối liên hệ ẩn, mặc dù đến muộn, với nghị quyết của Hạ viện Mỹ hồi tháng 6/2016 kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ điều tra”.
Trong 6 đề mục tại Nghị quyết 343, mục thứ 6 trực tiếp nêu vấn đề với Bộ Ngoại giao:
“Hạ viện Mỹ kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiến hành một phân tích chi tiết hơn về vấn đề thu hoạch nội tạng được nhà nước phê chuẩn, trái với ý nguyện của tù nhân lương tâm trong Báo cáo nhân quyền hàng năm, và báo cáo lên Quốc hội về việc thực hiện khoản 232 Bộ luật Ủy quyền Bộ Ngoại giao, năm tài chính 2003, cấm cấp visa cho công dân Trung Quốc hoặc mang quốc tịch khác tham gia vào việc ghép tạng hoặc mô cơ thể cưỡng ép”.
Luật sư Matas nói: “Việc điều tra vẫn chưa xong. Nhưng khi chính từ Bộ Ngoại giao nói rằng có một vấn đề nghiêm trọng ở đây, họ khó có thể nói họ sẽ không điều tra. Báo cáo của Bộ Ngoại giao năm nay có thể là mở đầu cho một cuộc điều tra. Ít nhất, nó cũng tăng sức nặng cho yêu cầu điều tra của Quốc hội”.
David Kilgour, cựu Bộ trưởng ngoại giao Canada về Châu Á – Thái Bình Dương, đồng tác giả của Thu Hoạch Đẫm Máu nói rằng Hoa Kỳ nên thúc đẩy các quan ngại của họ về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ hơn trên khắp Trung Quốc ở mỗi cơ hội song phương và đa phương, như họ đã làm với Liên Xô vào những năm 1970 và 1980.
“Kết nối lại vấn đề nhân quyền với đàm phán thương mại, áp dụng Đạo luật Magnitsky với các bác sĩ phẫu thuật và bất kỳ ai vi phạm vấn đề nội tạng, và cảnh báo các trường đại học của Mỹ về rủi ro khi đưa bác sĩ đi đào tạo tại Trung Quốc, v.v, cũng đều có tác dụng”. Ông Kilgour nói.
Zhang Erping, phát ngôn viên về Pháp Luân Công nói: “Bắc Kinh đang hoàn thiện các biện pháp bức hại chống lại các học viên Pháp Luân Công qua nhiều năm để đàn áp các cộng đồng khác trong thời gian gần đây. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên trái đất chi tiền cho an ninh nội địa nhiều hơn quốc phòng”, và “Hoa Kỳ phải mạnh mẽ đứng trên nền tảng đạo đức của mình và bảo vệ nhân quyền trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc”.
Theo Trithucvn