Hiệp sĩ Dòng Đền (P2): Bước ra ánh sáng
Vào thế kỷ 18, khoảng 400 năm sau khi bị buộc phải rời khỏi ánh hào quang, cái tên Hiệp sĩ Dòng Đền lại được nhắc đến khi hệ tư tưởng của họ trở thành nền tảng trong đức tin của các thành viên Hội Tam Điểm và dòng tu Thập tự Hoa hồng.
Những người nổi dậy ủng hộ cựu vương James II tuyên bố rằng một hội quán của Hội Tam Điểm đã được thành lập vào năm 1700 ở Scotland, và các điều lệ của hội này được lấy ra từ một hiến chương lâu đời của Hiệp sĩ Dòng Đền, đã được thực thi từ khoảng 700 năm trước, ở thành phố Bristol, nước Anh.
Baron von Hund là người đã lập nghi thức gia nhập Hội Tam Điểm. Nghi thức này cũng bắt nguồn từ những nghi thức và luật lệ cổ xưa của Hiệp sĩ Dòng Đền. Trước đó tại buổi lễ kết nạp của mình, Von Hund tuyên bố đã gặp mặt hiệp sĩ Lông vũ đỏ, còn gọi là Hoàng tử Charles Stuart, đó là điều kiện để ông được lãnh chúa Kilmarnock chấp nhận gia nhập hội.
Sau đó, ông tiếp tục thành lập một hội quán Tam Điểm ở Đức mang tư tưởng Hiệp sĩ Dòng Đền hiện đại. Theo mô tả của Von Hund, các hiến chương của Hiệp sĩ Dòng Đền ở Scotland đã được 2 thành viên cấp cao người Anh tìm thấy. Họ đã khám phá ra thuật luyện đan, và tích cực thực hành thuật giả kim.
Một bí ẩn hoang đường được nhiều người biết đến ở thế kỷ 18 đó là cho rằng Hiệp sĩ Dòng Đền là những người khởi xướng thuyết Ngộ Đạo (Gnostic) được truyền xuống bởi các giáo phái Essenes. Những người theo tư tưởng Hiệp sĩ Dòng Đền hiện đại đã cố gắng kết hợp những ý tưởng dị giáo và triết lý trong Kitô giáo.
Tổ chức các Hiệp sĩ dòng Đền đi đến hồi kết vào giai đoạn đầu thế kỷ 14, với sự kiện hành quyết vị thủ lĩnh cuối cùng Jacques de Molay.
Trong khi đang bị giam trong nhà tù Bastille, Pháp chờ ngày hành quyết, Jacques de Molay đã vạch ra kế hoạch sống còn cho tổ chức. Vào tối ngày 17/3/1314, đêm trước khi bị đem đi thiêu sống vì tội hoạt động dị giáo, De Molay đã phái một phụ tá thân cận đến một hầm mộ bí mật của tổ chức ở Paris, đây là nơi chôn cất các thủ lĩnh đời trước và những Thánh vật được gom chọn từ nhiều dị giáo của tổ chức đã được đem giấu đi nơi khác.
Jacques de Molay tin tưởng người phụ tá của mình và tương lai của Hiệp sĩ Dòng Đền. Hai trụ cột đứng ở lối chính dẫn vào các ngôi mộ thực ra có thân rỗng và rất nhiều tiền bạc, hiện vật được giấu trong đó. De Molay mong rằng nó sẽ được đem đi trước khi rơi vào tay của chế độ quân chủ Pháp. Số tài sản và hiện vật này được dùng để phục hồi quyền lực và ngăn chặn những bí mật của họ bị thất truyền.
Johann Augustus Starck là một nhân vật quan trọng khác góp phần phục hưng tư tưởng Dòng Đền, ông đã gặp gỡ các thành viên Hội Tam Điểm mang cùng lý tưởng Dòng Đền khi đang giảng dạy tại St.Petersburg, nước Nga. Sau đó ông tiếp tục liên lạc với các hiệp sĩ Dòng Đền còn sống ở miền Nam nước Pháp, những người nổi tiếng tu theo phong cách Cathar, một dị giáo tu theo thuyết nhị nguyên. Stark tin rằng những người này đã thừa kế các bí thuật từ những người như Ba Tư, Seria, Ai Cập, và giáo phái Essenic, một giáo phái bí mật hoạt động ở Trung Đông trong cuộc Thập tự chinh.
Phiên bản hiệp sĩ Dòng Đền hiện đại của ông nhận được sự chấp thuận và bảo trợ của các quý tộc châu Âu là thành viên của các hội quán Tam Điểm. Vua Gustav III của Thụy Điển đã trở thành một người bảo trợ cho tân Hiệp sĩ Dòng Đền. Họ cũng nhận được sự ủng hộ vững chắc từ giới quý tộc Scotland và Hoàng thân Jame II của Anh.
Năm 1767, Frederick Đại đế, vua nước Phổ, thành lập hai hội quán của Hội Tam Điểm với tư tưởng mới mang tên: “Trật tự của các Kiến trúc sư Châu Phi” và “Hiệp sĩ Ánh sáng”. Cùng năm đó, Frederick Đại đế đã trở thành người ủng hộ tài chính của Hội Tam Điểm chính thống. Trong năm tiếp theo, Frederick ủy nhiệm xây dựng một đại hội quán cho người Phổ.
Đại hội của ban lãnh đạo Hội Tam Điểm vào năm 1771 đã công khai thừa nhận là thế hệ tiếp nối của các Hiệp sĩ Dòng Đền huyền thoại. Nhóm của Johann Augustus Stark sáp nhập với Baron von Hund.
Illuminati
Một vài năm sau, hội Illuminati ra đời và là một trong những hội bí mật của Hội Tam Điểm. Những nhà huyền thuật này trở thành một danh hiệu liên quan đến Dòng tu Thập tự Hoa Hồng và được biết đến như những nhân vật chủ chốt trong lịch sử chính trị bí mật.
Illuminati hay còn được gọi Chủ nghĩa khai sáng được thành lập vào năm 1776 bởi Adam Weishaupt, một giáo sư tại Đại học Bavarian, nước Đức, cùng năm với cuộc Cách mạng Mỹ. Ông là người gốc Do Thái, được dạy dỗ trong trường Dòng Tên về đức tin Công giáo.
Trong thời gian học đại học, Weishaupt đã nghiên cứu các dị giáo cổ xưa, những nghi thức bí truyền Eleusinian, các học thuyết thần bí và triết học Hy Lạp. Ông đã vạch ra kế hoạch để thành lập một hội kín khi còn là sinh viên, lấy tư tưởng dị giáo làm nòng cốt.
Năm 1774, ông đã liên lạc với một hội quán Tam Điểm ở Đức, và ông thất vọng khi phát hiện họ không biết gì về sự kết nối huyền bí và không có kiến thức về các biểu tượng dị giáo.
Vào ngày 1/5/1776, Adam Weishaupt đã công bố nền tảng của Trật tự những người theo chủ nghĩa hoàn hảo (Order of Perfectibilists), mà sau này được gọi là Illuminati. Đây cũng là ngày chính thức thành lập tổ chức.
Giáo sư Weishaupt có tầm nhìn chính trị về một nhà nước không tưởng, với việc bãi bỏ tài sản tư hữu, chính phủ và quốc gia. Ông tin rằng con người sẽ sống hòa hợp, trong tình bằng hữu, dựa trên tình yêu, hòa bình, trí tuệ và bình đẳng. Mục tiêu chính của ông là cải cách chế độ quân chủ, giáo hội và địa chủ.
Vào năm 1784, các thành viên của Illuminati đã cố gắng lật đổ chế độ quân chủ Hapsburg, thế nên chính phủ Bavaria ở Đức đã ra lệnh cấm tất cả các hội kín. Những người theo Weishaupt đã chuyển sang hoạt động ngầm.
Hầu tước Mirabeau là một thành viên nổi tiếng của Illuminati. Ông là một trong những người đứng đầu chịu trách nhiệm về cuộc cách mạng Pháp năm 1789, nhằm mục đích phá hủy chế độ quân chủ Pháp và Giáo hội Công giáo, để thay thế bằng tôn giáo của họ trên toàn nước Pháp.
Đầu năm 1791, đã phát sinh các cáo buộc về vai trò của Hội Tam Điểm và Illuminati trong cách mạng Pháp; một nguyên nhân là lời thú nhận của bá tước Cagliostro, người bị bắt năm 1789 vì tội hoạt động dị giáo.
Cagliostro kết hôn với Lorenza Felicioni và dùng thuật thôi miên để điều khiển bà, ông học thuật này từ TS. Mesmer, cũng là một đồng chí cùng Hội Tam Điểm. Lorenza đã tố cáo chồng mình trong “buổi thẩm phán hoạt động dị giáo”. Ông đã khai về một âm mưu toàn cầu của Illuminati, tân Hiệp sĩ Dòng Đền và Hội Tam Điểm, đang lan rộng trên khắp châu Âu. Ông tiết lộ mục tiêu cuối cùng của họ là hoàn thành sứ mệnh ban đầu của Hiệp sĩ Dòng Đền, lật đổ Giáo hoàng và thay thế bằng một thành viên của Illuminati.
Ông tiếp tục thú nhận rằng có những khoản tiền khổng lồ đã được gửi vào các ngân hàng ở Hà Lan, Ý, Pháp và Anh để tài trợ cho các cuộc cách mạng. Nguồn kinh phí tài trợ cho cuộc Cách mạng Pháp đến từ Gia tộc Rothschild.
Chủ nghĩa cấp tiến vẫn được các hội viên Tam Điểm thực thi trước cuộc cách mạng Pháp. Họ luôn xa lánh, căm ghét giới quý tộc giàu có ở Pháp và phải đối mặt với sự thù địch của chính phủ cách mạng.
Ngày 14/7/1789, ngục Bastille là nơi đầu tiên xảy ra xung đột và là tiền đề của cách mạng Pháp. Thủ lĩnh cuối cùng của Hiệp sĩ Dòng Đền là Jacques de Molay cũng từng bị giam tại ngục Bastille và bị hành quyết vào năm 1314. Cho nên đại đa số khẳng định Hội Tam Điểm và Hiệp sĩ Dòng Đền đã nhúng tay vào cuộc cách mạng Pháp năm 1789.
Công tước Orleans, thủ lĩnh của Hội Tam Điểm Pháp cũng là một thành viên Illuminati, âm mưu chống lại gia đình Hoàng gia Pháp. Người ta tin rằng ông đã thực hành một nghi lễ huyền bí, sử dụng di vật từ cổ xưa, vốn từng thuộc về De Molay. Đây có phải là những vật linh thiêng trong hầm mộ các thủ lĩnh Hiệp sĩ Dòng Đền ở Paris không?
Tác phẩm The Tomb of Jacques de Molay (Tạm dịch: Lăng mộ của Jacques de Molay) được xuất bản ở Pháp năm 1796, tuyên bố rằng những người vô chính phủ chính là thủ phạm gây ra cuộc Cách mạng Pháp, và nguồn gốc của họ cũng là từ Hiệp sĩ Dòng Đền và các dị giáo.
Cha xứ Bamuel, một linh mục Dòng Tên từng xuất bản cuốn sách Hồi ức lịch sử của chủ nghĩa Jacobinism (Memoires pour serir de I’histoire du Jacobinisme), đã chỉ ra sự tồn tại của dị giáo Do Thái và cách thức hoạt động của Dòng Đền truyền thống được Hội Tam Điểm sử dụng trong thời gian cách mạng Pháp xảy ra.
Các gia đình hoàng gia châu Âu đã bị sốc vì âm mưu của Illuminati về cuộc cải cách toàn cầu này, họ đã chứng kiến cuộc Cách mạng Pháp và lo sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo. Vậy nên vào năm 1790, chính phủ xứ Bavaria đã đưa ra một đạo luật rằng thành viên của Illuminati bị xếp vào loại tử tội.
Tháng 7/1830, người dân Paris nổi dậy chống lại vua Charles X, chấm dứt thời kỳ Bourbon phục hoàng. Louis-Philippe I, vốn là Công tước Orléans, thuộc nhánh thứ dòng họ Bourbon, lên ngôi. Không còn xưng Vua nước Pháp như các vị vua trước đó, Louis-Philippe I là vua của người Pháp với một nền quân chủ lập hiến.
Louis Philippe đã bảo hỗ cho Hội Tam Điểm, bổ nhiệm con trai là công tước Orleans làm thủ lĩnh tối cao của tổ chức này.
Đại Hội Tam Điểm được tổ chức tại Strasburg, Đức vào năm 1842 đã gieo hạt giống cho cuộc cách mạng năm 1848 trên khắp châu Âu bằng các nguyên lý cấp tiến của Hội Tam Điểm; họ rao giảng chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa xã hội.
Năm 1850, Napoléon III lên nắm quyền và đã ra một đạo luật, cấm các hội quán can thiệp vào chính trị, cho dù họ nhận được sự hỗ trợ của các chính trị gia.
Các thành viên Illuminati đã thất bại trong việc tạo ra trật tự xã hội trên khắp nước Pháp, nhưng họ đã ảnh hưởng đến một cuộc cách mạng khác đó là cách mạng Mỹ năm 1776…
Bảo Long, theo CH