Hết Brexit đến Italy sẽ đảo lộn trật tự thế giới?
Người dân Italy vừa đi bỏ phiếu để quyết định xem có nên cải cách hiến pháp năm 1948 hay không, và kết quả cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ có thể dẫn đến thảm họa với nước Ý mà còn với cả thế giới.
Kết quả trưng cầu dân ý ban đầu cho thấy tỷ lệ bỏ phiếu “Không” (không đồng ý sửa hiến pháp) đang ở mức 59% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Như vậy, chiến dịch kêu gọi cải cách của Thủ tướng Matteo Renzi đã phá sản.
Ngay sau khi biết kết quả, ông Mateeo Renzi đã tuyên bố từ chức thủ tướng, tạo ra một cơn địa chấn cho Châu Âu.
Tại sao phiếu “Không” có thể gây thảm họa?
Ông Matteo Renzi đã khởi xướng cuộc trưng cầu dân ý nhằm cắt giảm số ghế tại Thượng viện Italy từ 315 xuống còn 100 ghế nhằm làm giảm quyền lực của Thượng viện xuống mức ngang với một hội đồng tư vấn, mang lại hiệu quả cho hoạt động điều hành đất nước. Việc đưa ra chính sách sẽ nhanh hơn, năng suất hơn và bớt quan liêu.
Bộ máy chính trị của Italy nổi tiếng hỗn loạn, ồn ào và trì trệ. Các chính trị gia tranh luận dai dẳng mà không đưa ra được những chính sách thực sự hiệu quả giúp Italy thoát khỏi tình trạng bế tắc. Điều này biểu hiện rõ ở nền kinh tế “ốm yếu” của đất nước hình chiếc ủng hiện nay. Thu nhập của 97% người dân Italy đã không tăng trong 10 năm qua, GDP hầu như không tăng trưởng kể từ cuối những năm 1990.
Những người phản đối cuộc cải tổ này cho rằng các đề xuất về cải cách không đủ mạnh, trong khi một số khác lo sợ khi quyền lực của Thượng viện suy yếu sẽ làm mất đi chức năng quan trọng của Nghị viện là giám sát đất nước.
Theo một phân tích của CNN, việc cử tri không đồng ý sửa hiến pháp có thể phát đi tín hiệu xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường tài chính.
Thứ nhất, Italy không muốn cải cách và phá bỏ rào cản lớn của hệ thống chính trị hiện nay.
Thứ hai, Thủ tướng Renzi từ chức vì chương trình cải cách không được chấp thuận. Như vậy, Italy có thể sẽ rơi vào một thời kỳ bất ổn chính trị.
Nhiều ngân hàng Italy đang đứng trên bờ vực phá sản sẽ sụp đổ, dẫn đến hiệu ứng domino lan sang phần còn lại của châu Âu.
Kết thúc giấc mơ châu Âu?
Khi Thủ tướng Renzi từ chức, những người khác có thể lên nắm quyền thông qua bầu cử sớm, ví dụ như ứng cử viên sáng giá Beppe Grillo – một diễn viên hài kịch chuyển sang làm chính trị.
Có thể coi ông Grillo là “Donald Trump” phiên bản Italy, không chỉ bởi những phát ngôn gây sốc, mà ông còn giành được ủng hộ ngày càng lớn của cử tri bởi sự bất mãn của người dân Italy về tình trạng đất nước đang lan rộng.
Nếu ông Grillo lên nắm quyền, ông sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để loại bỏ đồng Euro, quay trở lại đồng Lira, và thậm chí theo chân nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Italy là một trong những nước đầu tiên tham gia thành lập liên minh châu Âu, nên sự ra đi của nước này có thể làm tan vỡ khối liên minh Châu Âu.
Theo daikynguyenvn