“Hãy trả tự do cho cha tôi”: Lời kêu gọi của cô gái cứu cha bị giam giữ phi pháp suốt 15 năm trong tù
Ông Vương, 67 tuổi, một trong những điều phối viên đầu tiên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Trung Quốc thời kỳ đầu, đã bị bắt giữ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại pháp môn tu luyện tinh thần này vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Khi ấy, con gái ông, cô Danielle Vương (Vương Hiểu Đan) mới 19 tuổi.
Ông Vương Trị Văn đã bị giam giữ 15 năm, hầu hết ở Thiên Hà – một trại lao động khét tiếng thuộc Đông Bắc Trung Quốc. Trong suốt thời gian đó, ông bị tra tấn và bức hại bởi các cai tù ép buộc ông từ bỏ tu luyện.
Năm ngoái, ông Vương Trị Văn được trả tự do. Tuy đã trở về nhà ở Bắc Kinh nhưng ông vẫn bị đặc vụ theo dõi và quấy rối.
Trong những năm đầu tù giam, ông Vương bị đánh gãy răng; cả hai xương đòn của ông bị đánh vỡ và không trở về vị trí bình thường. Ông đã bị ép phải làm lao động khổ sai, xiềng xích của ông nặng hơn 20 kg. Có những lúc ông bị tra tấn bằng cách ngăn không cho ngủ, lúc khác ông bị chọc tăm vào các đầu ngón tay.
Dù vậy trong hoàn cảnh tù đày và tra tấn thường xuyên, ông Vương vẫn giữ thái độ hòa ái.
“Nếu thật sự không có cách nào để trở về với cuộc sống thường nhật, với lòng thiện tâm của một học viên Pháp Luân Đại Pháp, ông ấy cũng không hề oán hận những người đã đối xử tệ với mình”, Danielle Vương, con gái của ông Vương chia sẻ trong một hội nghị ở đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 8/12/2016.
Vui vẻ, bao dung, không mưu cầu danh lợi, trong sạch, bình thản, thong dong, bình tĩnh, sống tự tại,… là cội nguồn của hạnh phúc thực sự. Đây chính là trạng thái, cảnh giới mà cha muốn hướng tới, đồng thời xác lập nên thái độ sống hòa ái, phóng khoáng. – Ông Vương chia sẻ trong một lá thư gửi con gái.
“Bất chấp mọi sự bức hại của chính quyền lên tinh thần và thể xác, ông vẫn giữ vững tín tâm của mình đối với Đại Pháp. Ông luôn sống theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn”. Giống như cha, Vương Hiểu Đan cũng là một học viên Pháp Luân Công, luôn lấy 3 giá trị này làm cốt lõi trong mỗi hành động thường nhật.
Kể từ khi cha cô bị cầm tù, Danielle – một kỹ sư sống tại Texas, đã cùng với chồng mình kêu gọi chiến dịch “Trả tự do cho cha tôi, Vương Trị Văn” và chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra tại Trung Quốc từ năm 1999.
Video “Trả tự do cho cha tôi”
Một năm trước khi cuộc đàn áp bắt đầu, Danielle đã sang Mỹ du học theo chương trình nghiên cứu của mình. Cô bắt đầu thực hành tu luyện Pháp Luân Công cùng với cha từ năm 1992.
Trong những bằng chứng gần đây nhất, cô đã lập 4 bản gửi tới Ủy ban điều hành Quốc hội về Trung Quốc của Hoa Kỳ – Danielle tường thuật lại cô ấy và chồng đã cố gắng đưa cha cô ra khỏi Trung Quốc để có được tự do.
Đầu năm nay, cha của cô đã nhận được hộ chiếu và vào tháng 7, Danielle và Jeff chồng cô tới Trung Quốc giúp cha mình hoàn tất một vài giấy tờ nhập cư đưa ông qua Mỹ.
“Ông ấy có đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu và hộ chiếu mới đã sẵn sàng. Tất cả những điều cần thiết chuẩn bị cho chuyến đi đã trở thành cơn ác mộng của sự hăm dọa và quấy rối”, Danielle nói trong hội nghị dưới sự điều hành của Nghị sĩ Christopher H. Smith và Thượng nghị sĩ Marco Rubio.
“Cha tôi thậm chí phải trốn tránh sự theo dõi của 3 người mật vụ lãng vãng bên ngoài nhà của ông”, Danielle kể lại.
1/8/2016, gia đình Danielle đã bay đến thành phố cảng Quảng Châu để tiến hành thủ tục nhập cư tại lãnh sự quán Hoa kỳ. Tại đó, họ gặp phải sự đoe dọa của đặc vụ Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn không có chút lo lắng nào.
“Sau khi cuộc phỏng vấn thành công, chúng tôi bị theo dõi. Sau khi xuống taxi cách lãnh sự quán hơn 1,5 km, chúng tôi vẫn luôn bị đặc vụ theo dõi”, Danielle nói.
“Cha tôi là người đầu tiên phát hiện nhóm mật vụ chụp ảnh ông ấy, tôi buộc phải đối chất trực tiếp với họ để cha và chồng tôi có thể rời đi mà không bị theo dõi”, Danielle kể lại.
“Chúng tôi tưởng mình không bị theo dõi nữa, những vẫn có 1 người đàn ông khả nghi lãng vãng ngoài hành lang nơi chúng tôi đang tạm trú”, Danielle nói thêm.
Khi visa của họ được xét duyệt vào sáng hôm sau, tình hình trở nên căng thẳng hơn khi có đến 10 cảnh sát và mật vụ đang cố gắng theo sát gia đình Danielle trong khách sạn.
“Dường như có nhiều hơn 20 người mật vụ ở bên ngoài”.
“Cảnh sát cố gắng đưa ra những lý do tại sao họ có mặt ở đây, nhưng rõ ràng mục đích của họ là bắt giữ cha tôi và chồng tôi đã gọi điện thoại nhờ đến sự giúp đỡ của lãnh sự quán Mỹ”,
“Cuối cùng, cảnh sát và mật vụ đã rời đi”, Danielle cho biết.
Trong ngày tiếp theo, họ mất 3 giờ đồng hồ để đi đến thành phố Quảng Đông, họ dự định đi phà qua Hồng Kông. Trong suốt chuyến đi, họ vẫn bị theo dõi, và khi vừa đến cảng, nhóm mật vụ đã đợi họ sẵn ở đó.
Cô Vương nói: “Lúc đầu tôi rất đỗi vui mừng và lạc quan, vì cha tôi đã được cấp hộ chiếu và visa xuất cảnh rất thuận lợi. Tôi nghĩ chắc chắn chúng tôi sẽ có thể đưa ông ra khỏi Trung Quốc”.
Giấc mơ của cô đã tan vỡ khi nhân viên hải quan ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông hủy hộ chiếu của cha cô hôm 6/8/2016. Cô kể lại với phóng viên: “Họ cắt góc hộ chiếu của cha tôi mà không hề giải thích lý do. Họ nói với tôi rằng Bộ Công an có lệnh hủy bỏ hộ chiếu.”
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn và sự cản trở, nhưng cha tôi luôn nhắc nhở rằng không được trách họ, phải luôn cư xử như một học viên Pháp Luân Đại Pháp”.
Ông Vương Trị Văn trở về Bắc Kinh – Nơi mà nhóm mật vụ đã “cắm chốt” theo dõi ông 24/24.
Danielle và chồng cô vẫn đang tiếp tục vận động giúp cha mình rời khỏi Trung Quốc. Cô Vương Hiểu Đan đã gửi một bức thư đến Tổng thống Mỹ Barack Obama để xin giúp đỡ về trưởng hợp của cha mình.
Sau đây là bản dịch bức thư của cô Vương Hiểu Đan:
“Kính thưa Tổng thống,
Tôi và chồng tôi gần đây đã quay lại Mỹ sau khi đến Trung Quốc. Ở Trung Quốc, chúng tôi và cha mình là Vương Trị Văn đã bị rất nhiều đặc vụ, cảnh sát và cảnh sát thường phục Trung Quốc khủng bố và uy hiếp.
Chúng tôi chỉ có một mục đích rất giản đơn khi đến Trung Quốc: hoàn thành thủ tục xuất cảnh cho cha tôi, an toàn đưa cha đến với nước Mỹ. Điều đáng buồn là, bên cạnh sự sách nhiễu nghiêm trọng, hộ chiếu của cha tôi ngay tại điểm xuất cảnh đã bị tiêu hủy, mặc dù chúng tôi đã tuân thủ đầy đủ các quy định về pháp luật Trung Quốc hiện hành.
Cha tôi là một tù nhân lương tâm, bị bỏ tù đã 15 năm chỉ vì ông tu luyện Pháp Luân Công và tuân thủ theo niềm tin “Chân-Thiện-Nhẫn”.
Năm 1999, chính quyền Trung Quốc tiến hành đàn áp Pháp Luân Công và bắt giam cha tôi. Lúc đó, tôi đang ở Hoa Kỳ. Trong suốt thời gian cha bị giam giữ, tôi đã không thể nói chuyện với cha dù chỉ một lời. Trong thời gian này, ông đã bị bức cưỡng chế lao động, bị cưỡng ép không cho ngủ, và bị tra tấn.
Tháng 10 năm 2014, ông được thả ra. Đáng nhẽ ông phải được hoàn toàn tự do, thì ông lại tiếp tục bị giám sát trong thời gian dài. Mặc dù vậy, vào tháng 1 năm 2016, ông đã nhận được hộ chiếu. Chúng tôi cũng nỗ lực chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ xin cho cha tôi nhập cảnh sang Hoa Kỳ.
Hai tuần trước, chúng tôi đến Trung Quốc để đón cha tôi. Chúng tôi nhanh chóng bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi. Cảnh sát cũng đã hủy vé của cha tôi để đến Quảng Châu. Ở Quảng Châu, ông muốn được làm thủ tục phỏng vấn di dân, nhưng cảnh sát cũng ngăn chặn và nói với ông rằng việc đó không được phép. Theo pháp luật Trung Quốc, là một công dân tự do, ông có đầy đủ tất cả quyền lợi. Sau đó, cha tôi mua được vé và chúng tôi rời đi.
Sau khi chúng tôi rời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Quảng Châu, chúng tôi nhanh chóng bị 5, 6 cảnh sát thường phục theo dõi. Lúc chúng tôi đang ở trên đường cách lãnh sự quán khoảng 1 dặm, chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy những đặc vụ mà chúng tôi phát hiện ra khi ở lãnh sự quán. Chúng tôi vô cùng lo lắng. Ở Trung Quốc, các cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn đang hoành hành, học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, nội tạng của họ cũng bị mổ cướp. Tôi không hiểu họ định làm gì cha tôi.
Đến ngày thứ 2 ở Quảng Châu, 30 cảnh sát và đặc vụ thường phục định xông vào nơi chúng tôi ở. Họ lúc đó lấy lý do là “đăng ký người nước ngoài” nhưng mà chúng tôi biết, họ đang theo dõi cha tôi. Chúng tôi cự tuyệt cho phép họ vào nhà, hai giờ sau họ mới chịu bỏ đi.
Ngày sau đó, chúng tôi đi đến nơi xuất cảnh. Nhưng vào đúng lúc chúng tôi định rời đi, nhân viên hải quan nói rằng, hộ chiếu của cha tôi phải bị tiêu hủy và cắt một góc hộ chiếu của ông. Nhiều năm nỗ lực, đi hàng ngàn dặm, tốn kém hàng ngàn đô-la chỉ vì như vậy mà trong thoáng chốc đã bị hủy.
Tôi hoàn toàn sụp đổ. Đầu tôi sưng lên, cổ khô ráo, toàn thân đau nhức. Sau đó, tôi nhìn thấy cha tôi đả tọa, bình tĩnh, ôn hòa và thiện lương. Tôi hiểu rằng vì cha, tôi càng phải kiên cường hơn. Cha tôi nói với chúng tôi rằng cần phải thiện lương, không cần phải chỉ trích người khác. Bất chấp việc bị hành hạ suốt 17 năm qua, ông vẫn có thể duy trì thiện niệm như vậy.
Điều làm người ta đau đớn nhất chính là cha con chúng tôi phải phân chia một lần nữa. Ông sẽ phải tiếp tục đối mặt với các nguy hiểm chưa thể biết trước do chính quyền bức hại, còn chúng tôi an toàn đi về Mỹ.
Là một công dân Mỹ, chồng tôi và tôi đã vô cùng kinh hãi khi đối mặt với mạng lưới đặc vụ khổng lồ khắp nơi tại Trung Quốc. Chỉ trong 3 ngày ở Quảng Châu, chúng tôi đã bị gần 50 người đặc vụ và 30 người cảnh sát đồng phục cũng như cảnh sát mặc thường phục theo dõi. Chúng tôi đã gọi điện thoại cho lãnh sự quán Mỹ, yêu cầu họ hỗ trợ vì chúng tôi cảm thấy vô cùng bất an. Nhưng sau đó, họ không phái người đến, họ cũng không thể đưa chúng tôi đến lãnh sự quán. Cảnh sát Trung Quốc thậm chí đã hét vào mặt chúng tôi, chúng tôi cảm thấy vô cùng kinh sợ. Tôi hy vọng sau này sẽ có một cơ chế để có thể giúp đỡ những người trong tình cảnh như chúng tôi.
Hiện giờ, chúng tôi khẩn cấp khẩn cầu ngài tác động đến chính quyền Trung Quốc để họ gửi trả lại hộ chiếu cho ông Vương Trị Văn, bảo đảm an toàn cho ông đến được Hoa Kỳ. Visa của ông đã được phê duyệt, thẻ xanh đang được xử lý. Vì vậy chỉ cần hộ chiếu của cha tôi được phê chuẩn, thì những điều sau đó cũng sẽ dễ dàng.
Chúng tôi chỉ mong ngài có thể giúp đỡ nói rõ với họ rằng – đây là một việc phải làm, là một quyết định giản đơn để kết thúc nỗi đau đớn của một gia đình bị chia ly gần 20 năm và giúp gia đình này đoàn tụ.
Suốt từ lúc lo lắng cho an nguy của cha mình, tôi về Mỹ đã không thể ngủ được. Tôi không thể nào để cha đơn độc ở lại Trung Quốc. Xin hãy giúp chúng tôi, xin hãy giúp cha tôi về nhà.“
Uyển Thiên, dịch từ Vision Times