Hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm mình quyết định
Con người trên thế gian có người cảm thấy cuộc đời rất hạnh phúc, lại cũng có người cảm thấy đời mình sao quá bất hạnh. Thế nhưng, cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh chẳng phải đều do tâm của bản thân chúng ta tự mình quyết định sao?
Thật ra một người có hạnh phúc hay không nếu dùng tiền tài và những thứ vật chất nơi thế gian đặt định thì cũng không thể nói rõ được. Bởi vì trên thực tế có nhiều người rất giàu có nhưng nội tâm của họ lại luôn luôn cảm thấy buồn khổ.
Vậy mới nói một người mà trong tâm luôn ngập tràn hạnh phúc ắt phải là người biết xem nhẹ các loại truy cầu cùng dục vọng của bản thân, không quá so đo vấn đề được mất cá nhân, từ đó mà đạt đến cảnh giới lấy khổ làm vui. Đó mới thực sự là niềm hạnh phúc chân chính.
Một người nếu luôn mang trong mình sự hạnh phúc thì đối với họ, tất cả những đau khổ mà họ đang phải nếm trải chính là một thứ tài sản về tinh thần.
Họ nhìn nhận rằng trong đau khổ có thể tự mình rèn luyện ý chí của bản thân, đồng thời cũng giúp nâng cao cảnh giới về tinh thần. Ngược lại, những người luôn cảm thấy bất hạnh thường có những ham muốn rất mạnh mẽ. Trong tâm họ luôn lo lắng về các vấn đề được mất cá nhân. Và khi những truy cầu và dục vọng của họ không được thỏa mãn, họ cảm thấy cuộc sống này sao mà quá khổ sở, từ đó mà họ cũng đánh mất luôn cả những niềm vui thú của riêng mình.
Vậy đứng trước những đau khổ và hiểm họa trong cuộc sống, chúng ta làm thế nào để đối đãi với chúng một cách đúng đắn?
Rất đơn giản, chỉ cần chúng ta có thể tự nhìn vào nội tâm mình, thay đổi những suy nghĩ tiêu cực và chuyển nó thành những suy nghĩ tích cực thì chắc chắn hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười. Do đó mới nói, hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm thái khác nhau của bản thân chúng ta mà quyết định.
Từ một cảnh giới cao hơn mà xét thì thiên tai và những đau khổ mà con người đang gánh chịu là do nghiệp lực đã tích tụ từ đời trước, ngoài ra nó còn là một lời nhắc nhở con người phải biết chú ý đến hành động của bản thân, không nên làm những điều sai trái. Vì một khi đã làm điều xấu thì phải hoàn trả nghiệp, từ đó mới gặp phải các loại tai họa và những thống khổ trong cuộc đời.
Tuy nhiên, khi quay lại nhìn một chút về những đau khổ mà bạn đang phải gánh chịu, nó cũng chưa hẳn lại là một việc xấu. Có thể khi bạn vượt qua được chút thống khổ này thì cũng là lúc đã tránh được một tai họa lớn hơn đang phát sinh. Đó chẳng phải là một điều quá tốt hay sao?
Chẳng hạn khi một người bị bệnh, họ sẽ cảm thấy cực kỳ thống khổ. Nhưng nếu người đó có thể quay trở lại nhìn bản thân, suy xét xem liệu mình đã phạm phải những lỗi lầm gì trong quá khứ, từ đó mà thành tâm sửa đổi. Đó chính là bạn đang tạo một nền tảng tốt đẹp cho tương lai của chính mình.
Danh y Tôn Tư Mạc thời nhà Đường trong cuốn « Bị Thiên Kim Yếu Phương » của mình có viết: “Thánh nhân vì muốn cứu người nên mới nếm thuốc, còn những kẻ ngu muội bị bệnh tật thì chẳng bao giờ chịu tu sửa chính mình.”
Như vậy xem ra, người có đạo đức hư hỏng thì không có thuốc chữa, còn thuốc thang trị bệnh chẳng qua là lưu lại một cơ hội cho những người biết thành tâm hối cải mà thôi. Đối với những người có đạo đức cao thượng, tâm tính ngay thẳng thì đến cả ma quỷ cũng không thể xâm hại được.
Những người tu luyện hoặc các cao tăng đạo sĩ từ xưa đến nay đều có sức khỏe vô cùng tốt và sống thọ. Đối với những người này, không cần một phương thuốc hay cách điều trị nào cả, họ chỉ cần thành tâm dưỡng tính, tu sửa đức hạnh thì đã có thể lánh xa bệnh tật rồi.
Khi đối diện với sự đau khổ và phiền não, mọi người thường chỉ nhìn vào bề mặt của vấn đề chứ không nhìn thấy được bản chất thực sự của nó. Nào là con trai mình thi rớt trong kì thi tuyển sinh đại học, con gái mình cãi nhau chia tay với bạn trai, nào là vợ mình bị thua lỗ nặng khi chơi chứng khoán hoặc là chồng mình bị bệnh.v.v, tất cả những điều đó đều khiến cho họ cảm thấy rất đau khổ và chán nản, đến mức ủ rủ mặt mày mà tự cảm thấy vô cùng bi thương.
Tuy nhiên, nếu bạn có thể nhìn nhận mọi thứ ở góc độ khác, những chuyện phát sinh tưởng chừng như là điều bất hạnh nhưng khi suy nghĩ kỹ lại thì nó không hoàn toàn là một điều bất hạnh nữa.
Người xưa có câu “Trong họa có phúc, trong phúc có họa”, chính là nói một sự việc thấy thì dường như rất xấu nhưng có khi lại mang đến một kết quả rất tốt đẹp hoặc cũng có thể nó là một lối thoát giúp bạn tránh những khổ nạn tiếp theo sau này.
Nói tóm lại, đời người cũng giống như câu chuyện “Tái ông thất mã” làm sao biết được họa phúc đây?
Nếu đã là như vậy, chi bằng luôn sử dụng thái độ lạc quan để nhìn nhận mọi thống khổ trong cuộc đời thì chắc chắn bạn sẽ có thể vượt qua được mọi nghịch cảnh.
Chúng ta chỉ có thể đường đường chính chính làm người mới tránh xa được những điều tai tiếng. Dẫu đó là hạnh phúc hay thống khổ thì chẳng phải đều là kết quả từ những hành động của chính mình hay sao?
Thảo Nguyên (Theo kannewyork)