Hãng mỹ phẩm AVON bị phạt vì hối lộ quan chức Trung Quốc
Avon, hãng chuyên kinh doanh sản phẩm làm đẹp cho phái nữ có trụ sở tại Mỹ, đã bị Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) của nước này phạt 135 triệu USD.
Theo BBC, khoản tiền phạt trên dùng để trả cho việc Avon đã hối lộ và tặng quà các quan chức Trung Quốc.
SEC cho biết, chi nhánh Avon ở Trung Quốc đã chi 8 triệu USD trong khoảng thời gian từ năm 2004-2008 cho giới chức nước này để có được giấy phép bán hàng trực tiếp.
Khoản tiền trên được Avon dùng vào việc mua vé máy bay và những món quà đắt tiền từ các nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Tiffany… để tặng cho các quan chức.
Avon là tập đoàn bán hàng trực tiếp lớn nhất thế giới về các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Từ năm 1977, Đạo luật Chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) đã được áp dụng ở Mỹ. Đạo luật này trao cho SEC quyền điều tra hoạt động của những công ty bị nghi ngờ tham nhũng và trừng phạt nghiêm khắc nếu xác nhận có tội. FCPA được cho là khắc tinh của bất cứ doanh nghiệp nào của Mỹ có ý đồ hoặc đang thực hiện các phi vụ “đi đêm” với chính quyền nước sở tại để tranh thủ cơ hội làm ăn.
Avon đã tạo được doanh thu 10 tỷ USD hàng năm, nhưng hiện đang phải vật lộn với đà tăng trưởng chậm lại ở nhiều thị trường lớn.
Trung Quốc đã cấm bán hàng trực tiếp vào năm 1998, nhưng vài năm sau đó lại dỡ bỏ lệnh cấm này. Avon đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên có được giấy phép bán hàng trực tiếp vào năm 2006, chỉ sau hai tháng xin cấp phép.
Các khoản hối lộ này sau đó được Avon ghi vào chi phí kinh doanh phát sinh do nhân viên, hoặc tiền bồi hoàn cho bên nhà cung cấp thứ ba, hoặc “không có chi tiết cụ thể”.
Avon tuyên bố, khoản tiền phạt của SEC “phù hợp với các khoản mà công ty đã báo cáo trước đây” và hiện đang hợp tác điều tra.
Theo tuyên bố của SEC, mục đích cho các khoản chi này là “tránh bị phạt hoặc bị đưa tin tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín của AVON”, điều kiện cần để được cấp phép.
Tại Trung Quốc, các quan chức có thể tạo điều kiện cho bất cứ công ty nào tránh gặp phải các báo cáo tiêu cực, bởi truyền thông nước này bị kiểm duyệt gắt gao, và thường xuyên tiếp nhận chỉ thị từ các cấp cơ quan tuyên truyền cho đến Trung ương trong việc viết tin bài.
AVON là trường hợp gần đây nhất vi phạm quy định của FCPA.
Trước đó, vào năm 2008, Siemens đã phải chi 1 tỉ USD để nộp phạt cũng vì tội danh này.
Năm 2013, JPMorgan bị quản thúc vì vi phạm FCPA khi thuê con em của cán bộ cấp cao trong Đảng vào làm việc.
Năm 2014, hãng dược phẩm Glaxo Smith Kline bị phạt 492 tỉ USD vì hối lộ bác sĩ Trung Quốc.
Theo phunuonline, Epoch Times