Hà Nội lắp thêm hàng rào trên vỉa hè để ngăn xe máy
Mới đây, thêm một số tuyến đường ở Hà Nội được lắp hàng rào trên vỉa hè để ngăn xe máy, đảm bảo an toàn và tạo không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên vẫn còn một số ý trái chiều.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây, có đại biểu cho hay ông nhiều lần “giật mình” khi đi bộ trên vỉa hè, vì xe máy “tràn lên như nước vỡ bờ”. Đại biểu này đề nghị thành phố xem xét việc lắp đặt barie trên vỉa hè để ngăn xe máy, đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ.
Trên thực tế, một số tuyến phố ở Hà Nội đã lắp barie được hơn một năm nay, điển hình như phố Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, Lê Duẩn…
Barie được thiết kế bằng cọc sắt đầu tròn, cao từ 50 – 100cm và được sơn màu đỏ, trắng, vàng giống biển báo đường.
Chị Nghiêm Ngọc Trâm, người dân sinh sống trên địa bàn phường Văn Miếu cho biết từ khoảng hơn một năm nay vỉa hè xung quanh Văn Miếu Quốc Tử Giám đã giảm hẳn tình trạng ô tô, xe máy lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ.
“Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất lắp barie trên vỉa hè. Từ ngày có rào chắn barie, đưa trẻ con và người già đi bộ trên vỉa hè cũng cảm thấy an tâm hơn trước do không lo sợ xe máy hay ô tô đột nhiên lao lên nữa” chị Trâm chia sẻ.
Tuy nhiên, trước đề xuất lắp đặt nhân rộng rào chắn barie trên địa bàn Hà Nội, nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo ngại.
Anh Thắng Lợi, người dân sinh sống trên phố Tôn Đức Thắng chia sẻ: “Nhà tôi cũng như đa số các hộ dân trên phố Tôn Đức Thắng đều là cửa hàng. Lắp đặt barie trên vỉa hè sẽ làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của chúng tôi do khách không biết gửi xe ở đâu để vào cửa hàng”.
Anh Hiếu, một người dân khác sinh sống trên phố Tôn Đức Thắng cũng bày tỏ lo ngại vì barie sẽ gây khó khăn cho người khuyết tật. Một số người cho rằng việc lắp đặt barie gây ra mất mỹ quan cho thành phố.
Rào chắn vỉa hè trên phố Đại Cồ Việt (từ số 87 đến số 115) bị mất thanh chắn ngang, hư hỏng nặng. Người dân cho rằng việc làm rào chắn trước cửa nhà họ gây mất mỹ quan và gây ảnh hưởng đến việc buôn bán. (Ảnh: Zing)
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, giải pháp này được nhiều người dân ủng hộ. Tuy nhiên các cơ quan chức năng cần phải khảo sát, đánh giá kỹ địa hình lắp đặt (góc lắp có đủ rộng, có ảnh hưởng đến người qua đường, hộ kinh doanh ven đường, có phù hợp với đối tượng người khuyết tật…) trước khi áp dụng đại trà, tránh việc phải làm lại, gấy tốn kém kinh phí lớn.
Chúc Di (t/h)