Hà Nội: Chủ tịch thành phố cho rửa đường để giảm ô nhiễm không khí
Ngày 18/12 vừa qua, tại hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Ban lãnh đạo TP. Hà Nội. Nhiều lãnh đạo đã đề nghị cho phép rửa đường trở lại để giảm thiểu ô nhiễm môi trường sau 3 năm gián đoạn.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, ông Lê Tuấn Định cho biết, theo thống kê dữ liệu từ hệ thống 11 trạm quan trắc không khí do Sở TN&MT quản lý, vận hành, số ngày chất lượng không khí tốt đang có xu hướng giảm qua các năm 2017 – 2019, số ngày chất lượng không khí chạm mức kém, xấu, rất xấu có xu hướng tăng.
Theo ông Định, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài trung bình từ 5 đến 10 ngày, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12, từ ngày 8/12 đến 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu, nhiều ngày liền chỉ số chất lượng không khí AQI vượt ngưỡng 200. Mức AQI cao nhất là 266 (mức nguy hại đến sức khỏe con người).
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, tại hội nghị, lãnh đạo nhiều quận đã đề nghị thành phố cho xe phun nước, rửa đường tại những tuyến phố có lượng giao thông lớn nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, Nguyễn Thị Nắng Mai cho biết, trên địa bàn quận cũng đang có nhiều công trình xây dựng lớn như đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội, đường vành đai 3… phát sinh nhiều bụi. Bà Mai kiến nghị thành phố cho tưới nước, rửa đường ở 15 tuyến đường chính.
Cùng quan điểm với bà Mai, Chủ tịch UBND quận Long Biên, Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, việc rửa đường có thể là giải pháp cho việc giảm bụi và thành phố cần tăng tần suất vào mùa hanh khô, không khí ô nhiễm.
Là khu vực được thành phố cho thí điểm rửa đường trở lại, ông Đỗ Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, việc rửa đường một lần mỗi tuần với các tuyến đường Giải Phóng, Nghiêm Xuân Yêm đã giảm thiểu được ô nhiễm không khí.
Đến rạng sáng ngày 19/12, theo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco), việc rửa đường đã được tiến hành trên các tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Cổ tân, Lê Lai, Lê Thạch và một số tuyến mất vệ sinh.
Tại quận Hai Bà Trưng, xe rửa đường rửa ở các tuyến Đại Cồ Việt, Lê Đại Hành.
Tại quận Đống Đa, 3 xe rửa đường được huy động để rửa các tuyến Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Văn Miếu, Nguyễn Khuyến, Thái Hà, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Khâm Thiên; Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Láng, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh.
Trước đó, hoạt động rửa đường phố ở Hà Nội đã dừng từ tháng 2/2017. Lý giải về việc cắt, dừng này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, mỗi năm trung bình thành phố mất khoảng 70 tỷ đồng cho việc tưới nước rửa đường.
Để tiết kiệm số tiền này, Hà Nội đã nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác từ Đức. Theo đó, mỗi chiếc xe này có giá 1 tỷ đồng, hút được khoảng 1,5m3 bụi, rác mỗi ngày. Mỗi xe có công suất bằng 12 công nhân.
Lãnh đạo Urenco cho biết, sau khi thành phố mua xe hút bụi, rác của Đức, việc rửa đường chỉ diễn ra khi có các sự kiện lớn trên địa bàn thủ đô. Ngoài ra, công ty cũng tiến hành rửa đường tại các tuyến phố quanh hồ Gươm vào đêm trước và sau ngày tổ chức không gian đi bộ hồ Gươm.
Khi việc rửa đường trở lại, bên cạnh các ý kiến ủng hộ, nhiều người dân lại cho rằng việc này cũng không làm giảm ô nhiễm được bao nhiêu, bởi chỉ rửa được bụi trên mặt đường là bụi nặng, còn các loại bụi mịn và khí thải trong không khí thì vẫn không xử lý được.
Từ Nguyên (t/h)