Bộ trưởng TNMT mời nhà báo rời phòng họp bàn về ô nhiễm không khí
Ngay sau khi phát biểu mở đầu cuộc họp bàn về giải pháp cấp bách kiểm soát ô nhiễm không khí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường đã mời hàng chục phóng viên báo chí rời cuộc họp vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý người phát biểu.
Chiều 19/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí.
Mời phóng viên rời cuộc họp vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý người phát biểu
Cho rằng sự có mặt của phóng viên các cơ quan báo chí có thể ảnh hưởng đến tâm lý những người phát biểu nên Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã đề nghị phóng viên rời khỏi phòng họp sau 15 phút mở đầu dù trước đó đã có lời mời qua hòm thư điện tử.
“Tinh thần anh chị em dự phần đầu cuộc họp, trao đổi chung. Còn ngay sau cuộc họp, sẽ có ngay thông cáo báo chí về kết quả cuộc họp”, Bộ trưởng Hà nói.
Theo đó, trong phần kết luận của cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí được thông báo sau đó, Bộ trưởng cho rằng sự lo lắng của người dân là hoàn toàn chính xác vì nồng độ bụi mịn tại Hà Nội có những điểm, thời điểm vượt quy chuẩn cho phép từ 3 – 4 lần; tần suất cũng nhiều hơn hẳn năm 2018.
Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu ‘từ chính chúng ta’
Đồng thời, khẳng định nguyên nhân số 1 của tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí là do phương tiện giao thông. “Hà Nội 2017 tăng 5,3%; 2018 tăng 4,2% và năm 2019 đột ngột tăng tới 15%.
Hiện, số lượng ô tô và xe máy lưu thông tại Hà Nội là 7,65 triệu, trong đó ô tô khoảng gần 8000.000 chiếc; chưa kể các xe tăng cơ học lưu thông qua Hà Nội”, Bộ trưởng Hà nói.
Nguyên nhân thứ 2 là do Hà Nội và TP.HCM đang trở thành một “đại công trường”, mật độ xây dựng lớn, chất thải, khí thải từ các công trình phát tán ra môi trường lớn. Nguyên nhân thứ 3 là do tại 2 TP lớn số lượng các nhà máy ven đô tăng nhanh.
Riêng tại Hà Nội, còn có thêm nguyên nhân là do tình trạng đốt rơm rạ từ ngoại thành và các tỉnh lân cận và đốt chất thải nguy hại, phát tán ra môi trường. Bộ TN&MT đang yêu cầu các địa phương kiểm tra và gấp rút xử lý tình trạng đốt chất thải nguy hại tại các địa phương.
“Dù còn một số nguyên nhân nữa như khí hậu, có nguyên nhân ô nhiễm xuyên biên giới không ngoại trừ, như ảnh hưởng từ cháy rừng ở nước láng giềng, tuy nhiên, việc này phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, không nên đưa vào trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay”, Bộ trưởng Hà nói.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu “từ chính chúng ta”.
Giải pháp trước mắt là các cơ quan chức năng có nhiệm vụ tập trung nguồn lực, bằng mọi phương án, huy động mọi lực lượng để duy trì các trạm quan trắc tự động, cung cấp hàng ngày số liệu chính xác về chất lượng không khí cho người dân.
Hà Nội cũng cần có ngay kế hoạch tiến hành phun nước định kỳ hàng ngày, xem xét điều tiết các luồng giao thông ở những khu vực vượt ngưỡng ô nhiễm không khí. Mặt khác, khuyến cáo người dân chuyển sử dụng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác…
Về các biện pháp lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các Bộ, ngành sẽ phối hợp để hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy nhanh hơn lộ trình xử lý ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM, nghiên cứu chính sách để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tuyên truyền để người dân chuyển sang dùng các phương tiện chạy bằng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường…
Hiện tại, Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện với môi trường; vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác, dự kiến đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong.
Được biết, đây là cuộc họp bàn giữa Bộ TN-MT với các Bộ: Công thương, Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông – Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục – Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Nội vụ, Thông tin – Truyền thông, Y tế và UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM cùng Sở Tài nguyên – Môi trường của 2 thành phố này.
Vũ Tuấn (t/h)