Hà Lan công bố bản đồ kho báu của Đức quốc xã
Chính phủ Hà Lan vừa công bố hàng trăm tài liệu bí mật về Thế chiến II, trong đó có bản đồ kho báu của Đức quốc xã. Bản đồ có thể chứa manh mối về kho báu bị lính Đức chôn vùi.
Các tài liệu được công bố lần này bao gồm một bản đồ kho báu chứa manh mối về kho báu chưa được khám phá của Đức Quốc xã. Kho báu được cho là trị giá hàng triệu euro. Có tin đồn rằng nó đã bị lính Đức chôn cất gần làng Ommeren ở tỉnh Gelderland của Hà Lan.
Annet Waalkens – nhân viên Cục Lưu trữ Quốc gia trước đây đã nói rằng trong Trận chiến Arnhem năm 1944, một chi nhánh địa phương của Ngân hàng Rotterdamsche đã bị nổ tung và lính Đức bỏ tài sản cướp được vào áo khoác.
Lính Đức được cho là đã cướp đồng hồ, đồ trang sức, kim cương và các tài sản khác. Theo tin đồn, số chiến lợi phẩm này được cho vào hòm đạn và chôn ở Ommeren.
Người ta đã nhiều lần cố gắng tìm kiếm kho báu này ở Ommeren nhưng không thành công. Chính quyền Hà Lan thậm chí đã đưa một sĩ quan Đức quốc xã về nước để cố gắng tìm kiếm kho báu nhưng cũng không tìm thấy gì.
Trang web DutchNews đưa tin rằng câu chuyện được đưa ra ánh sáng vì ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, người lính Đức – Helmut Sonder đã gửi một tuyên bố cho các nhà điều tra nói rằng, anh ta đã nhìn thấy 3 người lính chôn 4 chiếc hộp chứa đầy đồ trang sức và đồ đạc khác.
Sonder nói với các quan chức Hà Lan rằng những người lính đã cướp tài sản trước khi gặp anh ta. “Họ nói rằng khi một chiếc két sắt ngân hàng bị trúng (đạn pháo) trực tiếp, đồ trang sức rơi vãi và họ đã lấy những thứ đó.”
Tuyên bố này đã khiến các nhà chức trách Hà Lan tiến hành một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn vào tháng 6/1947, nhưng không thành công. Sonder đã tham gia vào hoạt động này và cung cấp thông tin như chỉ đường, sau đó được vẽ thành bản đồ, bản đồ này hiện đã được công khai. Bản đồ cho thấy những chiếc hộp được chôn bên cạnh một cây bạch dương.
Thời báo Hà Lan lưu ý rằng kho báu có thể đã được tìm thấy bởi những người săn kho báu hoặc tìm thấy một cách tình cờ, nhưng nó đã không được công khai. Cũng có thể chúng được lính Đức đào lên vài ngày sau khi chôn cất.
Tử Vi (Theo The Epoch Times)