Gốm Xanh – Nghệ thuật làm gốm cổ truyền nổi tiếng ở Ấn Độ
Khi vừa bước chân đến thành phố lâu đời Jaipur, Ấn Độ bạn sẽ thấy nơi đây được bao quanh bởi rất nhiều loại hàng thủ công như gốm sứ, hàng dệt may,… tạo nên một mảng bất tận của màu sắc và họa tiết. Gốm Xanh thanh nhã được biết đến là một nghề thủ công nổi tiếng ở thành phố này.
Tên “Gốm Xanh” đến từ chất nhuộm màu xanh bắt mắt được sử dụng để tạo màu cho đồ gốm. Hầu hết đồ gốm đều được trang trí với các họa tiết như động vật và chim.
Gốm Xanh có điểm đặc biệt là được làm bằng một loại bột và nước men của Ai Cập. Đây là một loại hình nghệ thuật khác biệt với tất cả các hình thức làm gốm khác do sử dụng loại bột đặc biệt từ hỗ hợp bột đá thạch anh, bột thủy tinh, Multani Mitti , borax, keo dính và nước.
Đây là loại đồ gốm duy nhất trên thế giới không sử dụng đất sét. Kỹ thuật này dùng để sản xuất các mặt hàng gốm trang trí như gạch, tay nắm cửa, chậu, lọ hoa và dĩa.
Lịch sử của nghệ thuật làm gốm lâu đời tương đương với lịch sử của con người. Kỹ thuật làm gốm du nhập vào Ấn Độ từ Trung Á và Trung Đông thông qua những cuộc xâm lược của người Hồi giáo, bên cạnh đó đồ sứ Trung Quốc cũng được nhập khẩu vào các cung điện Ấn Độ xưa.
Được tìm thấy vào năm 1727 bởi Sawai Jai Singh I, thành phố Jaipur lịch sử đã được xây dựng như một trung tâm nghệ thuật hưng thịnh. Con đường mà Gốm Xanh tìm đến ngôi nhà Jaipur cũng khá thú vị. Một lần, Hoàng tử Ram Singh II tham dự buổi thả diều và xem hai anh em từ Achnera mang những con diều lộng lẫy đến chơi.
Vì tò mò, ông đã phát hiện ra họ là những người thợ làm gốm. Họ đã nhuộm những dải dây cùng màu xanh mà họ sử dụng cho chiếc bình của mình. Sawai Ram Singh II đã rất ấn tượng, ông bèn mời 2 anh em ở lại trong thành Jaipur và hướng dẫn lại kỹ thuật gốm tráng men độc đáo này tại trường nghệ thuật mới của mình.
Màu xanh dương bắt nguồn từ oxit coban, màu xanh lá cây có nguồn gốc từ oxit đồng, những màu sắc khác như màu vàng và màu nâu là để tô điểm cho loại gốm này. Những hình dáng và họa tiết truyền thống của Gốm Xanh đều có nguồn gốc từ Ba Tư.
Các nghệ nhân cũng đã phát triển những mẫu gốm hiện đại gồm các họa tiết như hoa, họa tiết hình học, động vật, chim và các vị thần.
Quá trình làm gốm xanh khá tốn thời gian. Bột để đúc được chuẩn bị bằng cách trộn 5 thành phần chính được đề cập ở trên, sau đó được cán phẳng thành một lớp mỏng khoảng 4-5 milimet rồi đưa vào khuôn cùng với hỗn hợp Bajri và Raakh.
Sản phẩm sau đó được làm sạch và tạo hình, rồi đem chà xát với Regmaa để đánh bóng bề mặt. Tiếp theo nó được nhúng vào dung dịch bột thạch anh, bột thủy tinh, keo dính và nước rồi phơi khô.
Sản phẩm được đốt trong lò con thoi với dung dịch oxit coban và keo dính. Tiếp theo là giai đoạn tạo màu được thực hiện bằng cách sử dụng các oxit kim loại khác nhau. Những oxit này được trộn lẫn với keo dính và quét lên sản phẩm bằng một bàn chải.
Bước cuối cùng là phủ men sản phẩm gốm bằng cách trộn hỗn hợp bột thủy tinh, hàn the, oxit kẽm, kali nitrat và axit boric.
Hỗn hợp này được nấu chảy và làm lạnh thành dạng viên nhỏ, được sử dụng sấy khô và làm bột rồi phủ lên sản phẩm sau quá trình trộn nước và bột mì. Cuối cùng, các sản phẩm được nung nóng trong lò kín với nguyên liệu là than củi ở nhiệt độ 800 – 850 độ C.
Những món đồ thủ công tuyệt đẹp là kết quả của sự sáng tạo và kỹ năng của những người thợ gốm. Trong những năm qua nghề thủ công này đã được duy trì phát triển nhờ Hoàng thân Gayatri Devi, người đã quảng bá Gốm Xanh rộng rãi ra thị trường.
Theo Gaatha