Giếng cổ ở Thanh Hóa bị phá, UBND tỉnh nói gì?
Nhiều người dân địa phương, giới nghiên cứu bày tỏ bức xúc, cho rằng chủ đầu tư không tôn trọng yếu tố lịch sử, tâm linh khi chủ trương cho phá bỏ Giếng Ngọc bằng cách thu hẹp đường kính giếng; thậm chí còn làm một con đường bê tông đi ngang qua…
Theo báo Tiền Phong, Giếng Ngọc tại di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu được cho là giếng cổ có từ hàng trăm năm nay, nằm tại thôn 3, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 5293/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng.
Dự án được chia làm 3 giai đoạn và việc tu bổ giếng là một trong 12 hạng mục tu bổ, tôn tạo thuộc giai đoạn 3 của dự án.
Quá trình triển khai thi công, tu bổ hạng mục giếng, nhiều người dân địa phương, giới nghiên cứu và những người quan tâm đến di sản này bày tỏ bức xúc, cho rằng chủ đầu tư đã chủ trương phá bỏ giếng cổ bằng cách thu hẹp đường kính giếng, thậm chí còn làm một con đường bê tông đi ngang qua…
Cụ thể, người dân địa phương cho biết, Giếng Ngọc có ở khu vực này từ nhiều đời nay. Khoảng năm 2003, giếng này từng được xây kè, đắp rồng chầu xung quanh trên mặt thành giếng cũ. Dựa vào vị trí hiện có nguyên vẹn của giếng này, thiết kế giếng mới mà cơ quan chức năng thi công có đường kính lòng giếng nhỏ lại từ hơn 10m chỉ còn 6m.
Về phần TS. Lê Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa, ông nhận định rằng chủ đầu tư đã không nghiên cứu thấu đáo hồ sơ dự án và các văn bản liên quan của Bộ VHTTDL, vì thế đã tỏ ra lúng túng, ứng xử thiếu khoa học trong quá trình tu bổ di tích dẫn đến phá vỡ yếu tố gốc của giếng cổ.
Cũng nhận định về vụ việc trên, nguyên Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa – ông Phạm Văn Tuấn cho biết, việc bảo tồn và giữ gìn giếng cổ là việc làm hết sức quan trọng, trong quá trình tu bổ, tôn tạo phải bảo tồn được yếu tố gốc, vì nó không chỉ có giá trị về mặt phong thủy mà còn quan trọng trên phương diện niên đại của di sản.
Theo tư liệu, trong bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu năm 1990, Giếng Ngọc được thể hiện là thuộc khu vực I của di tích. Trong sách Kẻ Rỵ Kẻ Chè, khảo cứu làng xã văn hóa ở Thiệu Trung, Thiệu Hóa (1987) có ghi: “Trước nhà thờ Lê Văn Hưu có một cái giếng đất khá to, nay đã lấp gần cạn. Nhân dân kể, cái giếng này có từ thời ông Bộc Xạ Tướng quân Lê Lương…”.
Tại Mục 5 khảo tả di tích trong bản lý lịch của di tích này (1990) cũng nêu: “Trước kia, đền thờ Lê Văn Hưu hay còn được gọi là chùa Ông Hưu có quy mô rộng lớn, có cây cối um tùm, có hồ, có giếng, có gác treo chuông, mặt trước hướng về Núi Nưa, Nông Cống, sát cạnh là sông Nhà Lê…”.
Theo nguồn tin mới nhất từ phóng viên, sau khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân và các nhà nghiên cứu, am hiểu lịch sử văn hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã cho tạm dừng thi công để xác minh và xử lý vụ việc.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, huyện này đã cho tạm dừng thi công (từ ngày 18/3) hạng mục Giếng Ngọc để chờ Sở VHTTDL Thanh Hóa kiểm tra, chỉ đạo.
Xuân Hạ (t/h)