Gia Lai: Công trình trăm tỷ vừa xây đã hỏng, sửa xong lại hỏng
Dự án thuỷ lợi Plei Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai) có tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 119 tỷ đồng với công suất tưới 500 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, công trình xây xong chưa kịp bàn giao đã hư hỏng, sau khi sửa xong không lâu thì lại tiếp tục hỏng một lần nữa.
Trước đó báo chí đã phản ánh, vào giữa tháng 8 khi chưa kịp bàn giao, hệ thống kênh dẫn của công trình thuỷ lợi Plei Keo đã hư hỏng nghiêm trọng. Kênh chính dẫn nước xuất hiện nhiều vết nứt, nhiều tấm đan trên hệ thống kênh đã bị vỡ, có những điểm còn được kè bằng thanh gỗ, còn lại nhiều đoạn kênh để trống không nắp, trông rất nguy hiểm…
Thời điểm đó, ông Trần Minh Triều, Trưởng Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Chư Sê nói rằng việc khắc phục “đơn giản, làm một tuần là xong”. Quả thật, đến ngày 1/10 đại diện đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Sê đã có báo cáo khắc phục xong những hư hỏng của công trình thủy lợi Plei Keo. Thế nhưng ngay sau khi khắc phục xong, dự án này tiếp tục bị hư hỏng sau mưa lớn.
Ngày 21/10, PV báo Dân trí có mặt tại hiện trường đã chứng kiến cảnh đổ sập của một đường kênh lớn dài gần 40m.
Tại đây, phần kênh dẫn bằng bê tông bị vỡ vụn từng mảng lớn. Các thanh giằng bị đứt lộ rõ chỉ có 1 cây thép nhỏ. Bằng mắt thường có thể thấy kết cấu bê tông tại phần này khá rời rạc. Ngoài ra, trục quay cửa xả trên thân đập hiện cũng đã bị cong vênh. Đoạn kênh dẫn bị hỏng đã khiến kênh dẫn vô tác dụng, không thể dẫn nước tưới cho cánh đồng lúa.
Theo Người Lao Động thì trước đó, vào năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai đã ký phê duyệt đầu tư dự án Công trình thủy lợi Pleikeo tại xã Ayun, huyện Chư Sê (Gia Lai) với kinh phí hơn 41,5 tỷ đồng. Đến năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục phê duyệt dự án Hệ thống kênh dẫn của thủy lợi Pleikeo với tổng kinh phí 77,7 tỷ đồng. Theo đó, tổng cộng 2 giai đoạn, công trình này có tổng số vốn hơn 119 tỷ đồng, do UBND huyện Chư Sê làm chủ đầu tư. Dự kiến khi đi vào hoạt động, công trình có năng lực tưới khoảng 500 ha cây trồng; trong đó 400 ha lúa, còn lại là cây hoa màu của người dân 10 làng thuộc xã Ayun.
Từ Thức (t/h)