Giá heo hơi ngày 14/4: Tăng phi mã ở cả 3 miền, tiến gần mức 90.000 đồng/kg
Bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong bình ổn giá, kiềm giá heo hơi xuống thấp hơn mức 70.000 đồng/kg từ quý 2, giá heo hơi vẫn tiếp tục xu hướng tăng phi mã ở cả 3 miền, tại nhiều địa phương miền Bắc giá heo hơi sáng 14/4 đã tiến sát mốc 90.000 đồng/kg…
Theo khảo sát của phóng viên, giá heo hơi tại miền Bắc sáng 14/4 đã bất ngờ tăng mạnh ở tất cả các địa phương với mức tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg, theo đó mức giá thấp nhất là 83.000/kg, mức cao nhất tiến sát 90.000 đồng/kg, cụ thể:
- Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), thương lái báo giá heo hơi ở mức 89.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất nước tính đến thời điểm hiện tại;
- Tại Thái Bình giá heo hơi cũng lên 88.000 đồng/kg;
- Tại Hưng Yên, Tuyên Quang giá heo hơi đồng loạt tăng 7.000 đồng/kg, giá bán chính thức ra thị trường là 86.000 đồng/kg;
- Tại Lào Cai, Yên Bái và Vĩnh Phúc tăng từ 5.000 – 6.000 đồng/kg, giá bán đạt 84.000 đồng/kg;
- Tại Thái Nguyên, Phú Thọ và Bắc Giang giá heo hơi lên đến 83.000 đồng/kg (tăng từ 4.000 – 5.000 đồng/kg)…
Tại miền Trung và Tây Nguyên, heo hơi đã tăng 1-5 giá sau gần nửa tháng đi ngang, dao động từ 75.000 – 83.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo hơi tăng cao nhất là tại Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp và Bà Rịa – Vũng Tàu, dao động từ 79.000 – 83.000 đồng/kg (trong đó mức tăng phổ biến là 83.000 đồng/kg).
Các tỉnh còn lại khu vực miền Đông Nam bộ từ 80.000 – 82.000 đồng/kg, tại miền Tây Nam bộ từ 72.000 – 83.000 đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh thịt heo nhận định, việc giá heo hơi đột nhiên tăng mạnh như trên là do lượng heo hơi với giá 70.000 đồng/kg được các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cung ứng ra thị trường còn hạn chế, không đủ sức kéo giảm mặt bằng giá heo hơi trên thị trường.
Riêng miền Nam thì việc giá heo hơi tăng một phần còn do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi khiến hơn nửa số heo nơi đây bị tiêu hủy dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung…
Được biết, việc giá heo hơi đứng ở mức cao trong thời gian dài đã giúp tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn khá khả quan.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa được công bố mới đây thì mặc cho tình hình dịch bệnh Vũ Hán (Covid-19) lan rộng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh điêu đứng, lãi của tập đoàn này vẫn tăng kỷ lục, lên 340 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với quý 1/2019. Doanh thu của Dabaco cũng tăng trưởng hơn 90% lên gần 3.250 tỷ đồng…
Vũ Tuấn (t/h)