Giá dầu lao dốc trong cuộc đua giành thị phần của Ả-Rập Xê-Út
Trong cuộc đua tranh giành thị phần với các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, Ả-Rập Xê-Út đang đẩy các quốc gia sản xuất dầu mỏ sản lượng thấp hơn vào nguy hiểm.
Giá dầu đã giảm hơn 30% kể từ Tháng 7 và đang tiếp tục giảm. Thứ Năm (27/11), giá dầu Brent rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, từ 115 USD/thùng vào Tháng 6 xuống chỉ còn hơn 76 USD/thùng, bên cạnh đó dầu thô WTI của Mỹ cũng giảm còn 72 USD/thùng.
Sự sụt giá đã gây thiệt hại nặng nề cho các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu mặt hàng này.
Dưới đây là biểu đồ thể hiện mức giá dầu hòa vốn của một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài OPEC.
Điều đáng chú ý là mặc dù điểm hòa vốn của Ả-Rập Xê-Út đang dịch chuyển lên cao hơn nhưng vẫn thấp đáng kể so với một số nước khác.
Không may cho hầu hết các nước trong danh sách trên, theo dự đoán, giá dầu 100 USD/thùng trong những ngày này đang tiếp tục giảm – ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Một báo cáo gần đây của Goldman Sachs ước tính, dầu thô Brent sẽ trở lại mức 90 USD và dầu thô WTI của Mỹ cũng quay về mức 80 USD/thùng vào năm 2016
Dự báo này phần lớn phản ánh sự phát triển vượt bậc của đá phiến sét đang diễn ra tại Mỹ. Hoa Kỳ đã gia tăng sản xuất đáng kể trong vài năm qua, nhằm dễ dàng ứng phó sự cắt giảm sản lượng của các thành viên OPEC trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-Rập Xê-Út là Ali al-Naimi, OPEC có thể không đồng ý cắt giảm sản xuất.
Đúng như mong đợi của ông Ali al-Naimi, phát biểu sau hội nghị của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại thủ đô Vienna (Áo) hôm Thứ Năm (27/11), Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Ali al-Omair cho biết, trần sản lượng của OPEC sẽ được giữ nguyên ở mức 30 triệu thùng/ngày, bất chấp sự dư thừa nguồn cung toàn cầu khiến giá dầu lao dốc trong vài tháng qua.
Việc giữ nguyên sản lượng cung cấp dầu mang lại lợi thế cho Ả-Rập Xê-Út trong cuộc cạnh tranh thị phần dầu mỏ với Mỹ nhưng hệ lụy giá giảm lại tác động không nhỏ đến các quốc gia sản xuất trong và ngoài OPEC khác.
Trong những năm gần đây, Venezuela, Nigeria và Nga đã mất hàng tỷ đô để nỗ lực vực dậy sự suy sụp của thị trường tiền tệ và kinh tế suy giảm.
Dự trữ quốc tế của Nga giảm mạnh 90 tỷ USD kể từ đầu năm. Bất chấp những cam kết đa dạng hóa nền kinh tế, dầu vẫn chiếm 10% GDP và khoảng 50% nguồn thu ngân sách liên bang của quốc gia này. Morgan Stanley ước tính, “mỗi lần giá dầu giảm 10 USD đồng nghĩa với giá trị kim ngạch xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga giảm 32,4 tỷ USD, tương đương 1,6% GDP” và nguồn thu của ngân sách chính phủ giảm khoảng 19 tỷ USD.
Trong khi đó, Nigeria đã thất bại trong việc bảo vệ đồng tiền của quốc gia mình khi ngân hàng trung ương hạ giá đồng naira 8% và tăng mạnh lãi suất vào hôm Thứ Tư (25/11). Đầu tư vào tiền tệ nước này giảm khi Nigeria nhập khẩu khoảng 80% hàng tiêu dùng bằng 95% số ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Giá dầu giảm nghĩa là chi phí hàng nhập khẩu trở nên lớn hơn nhiều.
Venezuela cũng đang trong tình trạng rất khó khăn. Theo tập đoàn dầu khí quốc gia Petroleos de Venezuela, nước này mất 700 triệu USD khi mỗi thùng dầu giảm giá 1 USD, khoảng mất mát khá lớn đối với một quốc gia đang suy yếu.
Iraq và Iran cũng dễ lâm nguy khi giá giảm dầu giảm mạnh. Việc sản xuất tại Iraq gặp rủi ro bởi mối đe dọa từ các chiến binh ISIS đang chiếm giữ lãnh thổ cũng như cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng, do đó chi phí khai thác và tinh chế cũng cao hơn.
Những lệnh trừng phạt quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp dầu mỏ của nước này. Tháng trước, Tổng thống Hassan Rouhani thông báo, doanh thu dầu mỏ Iran giảm 30% do cầu tại những thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc đã chậm lại. Ông Rouhani nói, Iran sẽ phải đối phó với những vấn đề kinh tế toàn cầu mới”.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Business Insider