Gameshow Việt: Thí sinh bị chính HLV loại vì quá tài năng
Đêm qua, liveshow 4 Giọng hát Việt nhí 2016 đã diễn ra tại nhà thi đấu Tân Bình với 9 giọng ca nhí đến từ 3 đội. Mỗi đội sẽ có 2 thí sinh đi tiếp, trong đó 1 thí sinh do khán giả bình chọn và 1 thí sinh do HLV chọn.
Chiara Falcone là một trong 3 thí sinh phải rời cuộc thi. Cô bé mang hai dòng máu Việt và Italia phải rời cuộc thi với một lí do rất kỳ lạ: vì quá giỏi, quá xuất sắc.
Người quyết định loại cô bé không ai xa chính là HLV Vũ Cát Tường bởi “tài năng của con đã vượt xa so với khuôn khổ trong cuộc thi này và đã đến lúc chúng ta dừng lại với việc thi thố và sẵn sàng trở thành một nghệ sỹ thực thụ”.
Có thể chỉ là một cách nói của HLV này để xoa dịu đứa trẻ bị đánh trượt, nhưng cô ấy đã nói trước hàng triệu khán giả trong một chương trình truyền hình.
Phần dự thi của Chiara Falcone đêm qua thực sự thú vị và sáng tạo. Cô bé dự thi với ca khúc hit Vết mưa của HLV Vũ Cát Tường bằng tiếng Anh – My Story với phần lời ca khúc được cô bé tự viết lại dựa trên câu chuyện của chính bản thân. Cô bé tự đệm đàn guitar và hát rất chuyên nghiệp.
Với chất giọng nội lực, trong trẻo, đầy cảm xúc, Chiara đã mang đến một màu sắc mới mẻ cho bản hit nổi tiếng nhất của chính HLV Vũ Cát Tường.
Vì tất cả những điều tuyệt vời đó, một cô bé đã bị loại khỏi cuộc thi.
Nếu vì lí do quá xuất sắc, có lẽ quán quân chương trình “Nhân tố bí ẩn” và giải vàng “The Remix” – ca sĩ Giang Hồng Ngọc nên bị loại ngay từ đầu khỏi các chương trình trên. Và giờ hẳn cô vẫn mờ nhạt và âm thầm đi hát phòng trà dù cho tài năng có thừa. “Nhờ chương trình thực tế, tôi mới được mọi người biết đến dù đã hoạt động âm nhạc gần 10 năm. Có khá nhiều người không may mắn như tôi. Họ vẫn âm thầm đi hát phòng trà hàng đêm mà tên tuổi hầu như chưa bao giờ được nhắc đến” – Giang Hồng Ngọc từng chia sẻ.
Tài năng luôn cần có sự nâng đỡ để tỏa sáng. Những cuộc thi là nơi phát hiện và nâng đỡ, bồi dưỡng tài năng. Nhưng với những đứa trẻ đi thi, chúng cần nhiều hơn thế.
Trong các gameshow truyền hình, ai cũng biết vai trò của giám khảo rất quan trọng. Thông qua những lời nhận xét, giám khảo có thể mang đến cho người xem và cả thí sinh những kiến thức chuyên môn bổ ích, đồng thời có thể tạo nên không khí cạnh tranh văn hóa lành mạnh, động viên tinh thần thí sinh, cho khán giả được hòa mình trong không gian giải trí có văn hóa và nhân văn, tạo cho chương trình “thương hiệu” sáng giá, chất lượng cao.
Dẫu biết sự lựa chọn của HLV trong một gameshow thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sức ép, từ Ban tổ chức, từ câu rating đến bình chọn tin nhắn, dẫn đến những kết quả bị hoài nghi về sự dàn xếp nào đó. Bởi vậy đã có một số nghệ sĩ nổi tiếng từ chối vai trò HLV trong một gameshow để không phải làm một “quân cờ”.
Gameshow truyền hình giải trí mà thí sinh là trẻ em là điều mà trước nay tôi vẫn luôn phản đối. Có nước thậm chí dừng sản xuất các chương trình gameshow nhí này vì cho rằng đó là một hình thức lạm dụng trẻ em.
Và khi một cô bé bị loại trực tiếp bởi chính HLV của mình với lý do vì quá xuất sắc, tôi thực sự phải đặt một câu hỏi: vậy cuộc thi này tổ chức ra để làm gì? Sự công bằng với tài năng và niềm tin của một đứa trẻ sẽ như thế nào? Đâu là tính nhân văn của chương trình, nhất là chương trình đó có thí sinh là trẻ em và người cầm cân nảy mực là người lớn và khán giả cả nước?.
Tổng hợp