Fukushima có thể đổ nước thải hạt nhân xuống biển
Chất thải từ một trong những thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử có thể bị đổ ra Thái Bình Dương. Các nhà quản lý cho rằng việc đổ nước thải ở Fukushima là an toàn, bởi các nhà máy hạt nhân trên thế giới từng làm điều tương tự.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), Nhật Bản, đơn vị chủ quản nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, cho biết, họ sẽ đổ 770.000 m3 nước nhiễm chất phóng xạ triti ra Thái Bình Dương trong nỗ lực dọn dẹp sau thảm hoạ sóng thần năm 2011, Epoch Times hôm 3/8 đưa tin.
Năm 2011, một cơn động đất đi kèm sóng thần ập vào Nhật Bản, làm chết 15.000 người và dẫn đến hàng loạt vụ tan chảy ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (thuộc TEPCO) khiến gây phóng xạ toàn khu vực. Đây là một trong những vụ thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử thế giới.
Thông báo này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, nhưng việc này được Tepco cho là an toàn bởi rất nhiều các cơ sở hạt nhân khác trên thế giới vẫn thường thải triti ra biển và môi trường trong quá trình vận hành.
“Triti được thải ra biển sau khi pha loãng. Điều này không chỉ xảy ra ở các nhà máy điện hạt nhân mà còn ở các nhà máy tái chế trên toàn thế giới“, Tadahiro Katsuta, kỹ sư hạt nhân tại Đại học Meiji, Nhật Bản, cho biết.
Việc loại bỏ triti khỏi nước thải nhà máy hạt nhân rất khó thực hiện. Triti là một đồng vị phóng xạ của hydro nên có thể liên kết với oxy để tạo ra nước siêu nặng (nước triti). Do triti là một phần của nước nên không dễ bị loại bỏ như các chất gây ô nhiễm khác.
Theo ông Katsuta, các giải pháp thay thế cho việc đổ nước triti vào trong đại dương bao gồm lưu trữ dưới lòng đất hoặc làm bay hơi vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, các phương án này chưa được nghiên cứu toàn diện, có chi phí quá lớn và không khả thi nếu lượng nước triti cần xử lý quá nhiều.
Chính phủ Nhật ước tính đến hết năm 2016, chi phí liên quan đến thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 đã vượt quá 188 tỷ USD.
Tritium có nguy hiểm không?
Do triti rất khó loại bỏ và nó được xem là chất phóng xạ tương đối vô hại, nên hầu hết các nhà máy hạt nhân trên thế giới giải phóng nước triti vào môi trường. Họ xả thải có kiểm soát, cho phép triti khuếch tán dần trong môi trường với nồng độ được coi là an toàn.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) quy định hàm lượng tối đa của triti trong nước là 20.000 picoCuries/lít (pCi/lít). Đây là lượng bức xạ mà con người có thể tiếp xúc thông qua nước uống trong một năm, tương đương với lượng bức xạ của một chuyến bay kéo dài 3 – 4 giờ. Theo Ủy ban Điều hành Hạt nhân Mỹ, một người uống nước chứa hàm lượng triti gấp ba lần con số trên có nguy cơ bị ung thư chết người là 1/1,25 triệu.
Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định hàm lượng tối đa của triti cao hơn so với khuyến cáo của EPA khoảng 13 lần. Trên thực tế, cơ thể chúng ta thường xuyên tiếp xúc với bức xạ, phần lớn là do các nguồn tự nhiên như bức xạ vũ trụ từ Mặt Trời và các ngôi sao.
Báo cáo của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ cho biết: “Lượng bức xạ từ tritium và các nhà máy điện hạt nhân là một đóng góp không đáng kể cho bức xạ nền mà mọi người thường phơi nhiễm, chúng chỉ chiếm dưới 0.1% tổng lượng bức xạ”.
Tuy nhiên, Ken Buesseler, một nhà khoa học cao cấp của Viện Hải dương học Woods Hole cho biết, có một vấn đề khác nghiêm trọng hơn, hệ thống lọc được sử dụng để loại bỏ các chất phóng xạ khác nguy hiểm hơn như stronti và cêsi không cho hiệu quả 100%. Nếu chúng theo các đợt phát thải tritium rò rỉ ra môi trường, hậu quả là rất nghiêm trọng.
Tháng 7/2017, các cư dân địa phương và nhiều người tỏ ra lo lắng về chất lượng thủy sản, rủi ro môi trường và sức khỏe trước trước thông báo của Công ty Điện lực Tokyo.
Hiện hàng chục quốc gia và Liên hiệp châu Âu (EU) cấm nhập khẩu một số loại cá từ Nhật Bản từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima, và còn 33 nước tiếp tục cấm nhập, tính đến tháng 3/2017.
Shinichi Nakakuki, phát ngôn viên của TEPCO, cho biết hành động này sẽ không có tác động đến hệ sinh thái biển. Công ty sẽ tiếp tục đối thoại với chính phủ và các bên liên quan trước khi quyết định giải pháp cuối cùng.
Dù vậy, quyết định “nhận chìm chất thải độc hại” của TEOCO vẫn vấp phải sự phẫn nộ của các tổ chức chống hạt nhân, như Nhật Bản Xanh Hành động, một tổ chức được lập năm 1991 để “thúc đẩy một Nhật Bản phi hạt nhân”.
Lãnh đạo tổ chức này là bà Aileen Mioko-Smith, nói với báo Telegraph: “Thảm họa này xảy ra hơn 6 năm trước, và lẽ ra chính quyền phải tư vấn cách hủy bỏ tritium thay vì chỉ tuyên bố sẽ nhận chìm chúng xuống biển. Họ nói nó sẽ an toàn vì biển rộng đủ sức pha nhạt, nhưng nó tạo ra tiền lệ cách nhận chìm chất thải này có thể được sao chép, nhất là cho phép bất kỳ ai nhận chìm chất thải hạt nhân xuống biển của chúng ta”.
Sau thảm họa hạt nhân, tỉnh Fukushima đang phục hồi sự sống, dù rất chậm. Trong khoảng 150.000 sơ tán, chỉ có 13% số người này trở về nhà. Chính phủ Nhật đang muốn số còn lại trở về, bằng cách hứa đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng Fukushima và ngưng trợ cấp cho người sơ tán cùng gia đình họ.
TinhHoa tổng hợp