FBI bẻ khóa thành công iPhone của nghi phạm xả súng San Bernardino
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vừa thông báo Cục Điều tra Liên bang FBI đã bẻ khóa thành công chiếc iPhone của nghi phạm trong vụ xả súng San Bernardino mà không cần đến sự hỗ trợ từ Apple.
Apple đã kháng lại yêu cầu của tòa án đưa ra cuối tháng trước, buộc họ viết phần mềm để các quan chức có thể truy cập được vào chiếc điện thoại của sát thủ Rizwan Farook.
Tuần rồi, các công tố viên cho biết, “bên thứ ba” đã tìm ra cách khả thi để mở khóa chiếc iPhone của tay súng mà không cần sự hỗ trợ từ Apple. Phiên điều trần với Apple đã bị hoãn lại theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
Khi đó, Apple nói, hãng hi vọng chính phủ sẽ chia sẻ thông tin nếu tìm ra lỗ hổng an ninh của chiếc iPhone.
Đến hôm Thứ Hai (28/3), giới chức Mỹ cho biết, họ đã tự bẻ khóa được chiếc điện thoại và rút lại yêu cầu của tòa án.
Theo một thông cáo được Eileen Decker, công tố viên liên bang ở California, đưa ra hôm 28/3, cuộc điều tra được sự giúp đỡ của “bên thứ ba”, nhưng không nêu tên ai hỗ trợ bẻ khóa chiếc điện thoại này.
Tuy nhiên, tuần rồi, một tờ báo Israel đưa tin, các chuyên gia pháp y dữ liệu tại công ty an ninh mạng Cellebrite, có trụ sở ở Israel, đã tham gia vụ việc này. Cellebrite cũng nói với BBC rằng, họ có làm việc cùng FBI, nhưng không cho biết gì thêm.
Trên website của công ty này có đề cập đến các công cụ có thể lấy và giải mã dữ liệu từ iPhone 5C, một mẫu điện thoại đang đặt trong vòng nghi vấn, giữa các loại thiết bị bị khóa khác.
Yêu cầu của tòa án đã làm dấy lên tranh luận về quyền riêng tư, Apple được các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft và Facebook ủng hộ.
Theo Giám đốc FBI James Comey, đây là “câu hỏi khó khăn nhất” mà ông phải giải quyết trong sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, ông nói, việc thực thi luật pháp để cứu các sinh mạng, cứu trẻ em và tránh các cuộc tấn công khủng bố bằng cách sử dụng trát tòa cho phép họ tiếp cận thông tin trên điện thoại.
Các nhà điều tra có “cam kết long trọng với những nạn nhân trong vụ xả súng San Bernardino“, bà Decker nói.
“Ưu tiên của chính phủ là đảm bảo việc thực thi luật pháp có thể thu được những thông tin quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn công cộng, dù qua việc hợp tác với các bên liên quan, hay thông qua hệ thống tòa án khi không có được sự hợp tác“, thông cáo có đoạn.
Đáp lại, Apple bình luận: “Từ đầu, chúng tôi chống lại yêu cầu của FBI đòi Apple tạo ra một cửa vào (backdoor) trong điện thoại iPhone vì chúng tôi tin rằng điều đó là sai và sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Kế quả là với sự gỡ bỏ lệnh từ chính phủ, cả hai việc đã không xảy ra. Vụ việc này lẽ ra không bao giờ nên được đưa ra“.
Công ty công nghệ này cho biết, họ sẽ “tiếp tục nâng cao tính bảo mật của sản phẩm khi ngày càng nhiều sự đe dọa và tấn công tinh vi nhắm vào dữ liệu của chúng tôi“.
Tay súng Rizwan Farook và vợ đã giết 14 người trong vụ xả súng San Bernardino vào tháng 12/2015. Hai người này bị cảnh sát bắn hạ sau đó.
Quan chức Hoa Kỳ cho biết, vợ của Farook, Tashfeen Malik đã tuyên thệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng trên mạng xã hội vào đúng ngày gây ra vụ xả súng.
Theo BBC