Quản lý Trung Quốc ép nhân viên tự bỏ tiền túi ra xé
Không phát đủ số tờ rơi do quản lý yêu cầu, 5 nam nhân viên tại một cửa hàng Trung Quốc đã bị bắt móc tiền túi ra xé trước mặt các nhân viên khác.
5 nhân viên trẻ của một công ty ở thành phố Tế Nam, Trung Quốc đã bị quản lý phạt do không đạt chỉ tiêu, tờ Daily Mail đưa tin. Tuy nhiên, cách phát của người quản lý không chỉ khiến người bị phạt mà nhiều người xem cảm thấy phẫn nộ.
Sự việc trên xảy ra tại cửa hàng điện máy gia dụng GOME vừa được cải tạo, nâng cấp lại hôm 22/3 và dự kiến sẽ khai trương vào đầu tháng 4 với mục tiêu doanh số bán hàng đạt được là 65.000.000 NDT. Vì vậy, người quản lý đã yêu cầu nhân viên đi phát tờ rơi quảng cáo nhưng 5 nhân viên này đã không phát đủ 100 tờ rơi/ngày nên bị phạt.
Theo đoạn video clip được đăng tải trên People’s Daily Online ngày 24/3, 5 thanh niên không đạt chỉ tiêu xếp hàng trước cửa hàng bị bắt phải rút 100 NDT tiền túi ra và xé ngay trước mặt người quản lý cùng các nhân viên khác trong công ty.
Đoạn video phát tán rộng rãi trên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của dư luận và cả cảnh sát thành phố Tế Nam.
Sau khi được gọi tới sở cảnh sát để giải trình về sự việc, bà Liu, người quản lý đã đưa ra hình phạt oái oăm trên thanh minh rằng, bà làm vậy chỉ vỉ muốn nhân viên hiểu rằng không nên lãng phí tài sản của công ty.
Ngoài việc bị cảnh cáo, bà Liu còn chịu phạt hành chính 1.000 NDT cho hành vi của mình và đền bù 100 NDT cho mỗi nhân viên vừa bị phạt.
Đồng thời, cảnh sát Tế Nam cũng cảnh báo 5 nhân viên về hình phạt dành cho hành vi xé tiền để họ rút kinh nghiệm không tùy tiện làm liều trong những lần sau. Theo luật Trung Quốc, hành vi phá hủy tiền dưới bất cứ hình thức hay động cơ nào cũng đều nhận hình phạt lên tới 10.000 NDT.
Về phía cư dân mạng, hầu hết đều đồng ý với quan điểm rằng những hình phạt vô lý thế này không những tạo nên hình ảnh tiêu cực về văn hóa công ty mà còn khiến cho nhân viên không còn động lực để làm việc nữa.
Trước đó, đã có rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra ở Trung Quốc khiến dư luận nước này dậy sóng như ép nhân viên ăn mướp đắng sống, xếp hàng bò trên đường hay bắt nhân viên ăn sâu vẫn còn ngoe nguẩy…
Theo soha