Đường làm từ nhựa phế thải, tuổi thọ cao gấp 10 lần nhựa thông thường
Một công ty xây dựng ở Scotland vừa thử nghiệm thành công việc tái chế rác thải nhựa thành vật liệu để làm đường. Điều này không chỉ giúp các con đường bền chắc hơn mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.
Trên thế giới hiện nay có gần 40 triệu km đường (khoảng gần 25 dặm) và hằng năm chúng ta tiêu tốn tới hàng triệu thùng dầu cho việc xây dựng và tu sửa đường xá. Nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới và tiết kiệm dầu thô dùng để làm đường, kỹ sư McCartney đã tái chế nhựa thành một loại chất liệu mới dùng cho xây dựng đường xá, có tên gọi là MR6.
Nhận thức tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng gia tăng, kỹ sư Toby McCartney đã đưa ra một sáng kiến vô cùng thú vị.
Cụ thể, công ty của ông – MacRebur, trụ sở tại Scotland đã tạo ra một loại chất liệu thảm đường có chất lượng tốt hơn đến 60% và tuổi thọ kéo dài hơn 10 lần so với những tuyến đường nhựa thông thường. Và đáng ngạc nhiên hơn cả, chúng được làm từ nhựa phế thải tái chế.
Có một thực tế là tại bất cứ thành phố nào, những con đường luôn được sửa chữa, nâng cấp liên tục vì ảnh hướng của thời tiết, phương tiện đi lại và những “ổ gà” đầy đe dọa. Mặt khác, có hơn 5.000 tỷ mảnh nhựa đang trôi nổi trên đại dương. Làm sao cùng lúc giải quyết hai vấn nạn này?
Câu trả lời của McCartney là làm đường từ phế thải nhựa nhằm tiết kiệm dầu, cải thiện chất lượng đường, đồng thời sử dụng rác thải vào việc có ích.
Cụ thể, ông tạo ra một loại chất liệu tái chế từ nhựa gọi là MR6 để thay thế cho nhựa đường phổ thông (được trích xuất từ dầu thô và được kinh doanh rộng rãi qua các công ty dầu nhớt nổi tiếng như Shell).
Sáng kiến này bắt nguồn từ câu chuyện của con gái kỹ sư McCartney. Ở trường, khi cô giáo hỏi: “Các con có biết ở đại dương có gì không?”, cô bé giơ tay trả lời: “Nhựa ạ!”.
Câu trả lời này khiến McCartney không ngừng suy nghĩ về giải pháp tái chế nhựa phế thải để thế giới con gái ông sống sẽ trong lành, sạch sẽ hơn.
Trước đó, ông đã từng làm việc tại Ấn Độ và vô cùng ấn tượng khi thấy người dân Ấn Độ đốt nhựa lấp các “ổ gà”, “ổ voi” trên đường. Từ đó ý tưởng ra đời, ông cùng hai đồng nghiệp Nick Burnett và Gordon Reid bắt tay vào thiết kế loại vật liệu đường mới này.
Những con đường thông thường được tạo bởi khoảng 90% đá, cát và đá vôi với 10% bitum. Sản phẩm của MacRebur sẽ sử dụng nhựa phế thải, chất thải nông nghiệp và chất thải thương mại tạo ra MR6 để thay thế phần lớn nhựa bitum để thảm đường.
Tại các nhà máy nhựa đường, loại nhựa viên MR6 được trộn lẫn với đá khai thác và một chút nhựa bitum như công thức pha trộn chất liệu trải đường thông thường.
Theo MacRebur, các con đường được xây dựng với MR6 có khả năng bị nứt thấp hơn đường nhựa thường. Ngoài ra, nó còn giúp duy trì độ bền của lốp xe, điều này có thể giúp tiết kiệm nhiên liệu cho bất kỳ loại xe đi trên đường này.
Hiện nay, ý tưởng này đã được thử nghiệm tại con đường gần trang trại McCartney. Phương pháp vật liệu thảm đường này sau đó tiếp tục được sử dụng tại quận Cumbria, Anh Quốc.
Theo SH