Đường Huyền Tông nhờ đạo sĩ tìm hồn phách của Dương Quý Phi
Các đạo sĩ tu luyện khi đến một trình độ nhất định có thể đắc được thần thông rất lớn, ngao du sơn thủy, không gì trở ngại. Đôi khi làm chút sự tình nơi nhân gian cũng chỉ là hoàn thành thệ nguyện từ trước, chờ đến ngày công thành danh toại, bay về trời.
Trong “Thái bình quảng ký” có ghi chép lại, vào thời nhà Tống có một người tên Dương Thông U, vốn tên là Dương Thập Ngũ, là người ở huyện Thập Phương, quận Quảng Hán.
Lúc còn trẻ Dương Thập Ngũ gặp được một đạo sĩ, truyền thụ cho thuật hịch triệu quỷ thần, ông sau khi học xong thì có thể sai khiến được quỷ thần, tiêu diệt yêu ma, có thể hô mưa gọi gió. Thuật biến hóa của ông cũng dần được mọi người biến đến.
Huyền Tông nhờ Dương Thập Ngũ lên trời xuống đất để tìm Quý Phi
Trong cuộc binh biến ở Mã Ngôi, vì Dương Quốc Trung làm phản, nên Đường Huyền Tông buộc phải ban cho Dương Quý Phi (vốn là em họ của Dương Quốc Trung) cái chết.
Từ sau biến cố ở Mã Ngôi, Đường Huyền Tông vẫn luôn nhớ đến Dương Quý Phi, ngày đêm ăn ngủ không yên. Những quan thân cận, lén lút tìm kiếm thuật sĩ, hy vọng có thể khiến Đường Huyền Tông bình tĩnh trở lại.
Có người nghe nói Dương Thập Ngũ có thể gọi được quỷ thần, liền cho mời ông vào trong cung. Sau khi được mời đến, Huyền Tông mới hỏi về việc gọi Thần, ông ta nói: “Cho dù là trên trời dưới đất, hang cùng ngõ hẻm, quỷ thần dù đang ở đâu, thần cũng đều có thể tìm đến được”.
Đường Huyền Tông vô cùng cao hứng, liền cho sắp đặt đạo tràng ở trong cung, để cho ông thi triển pháp thuật.
Đêm hôm đó, Dương Thập Ngũ tấu với Huyền Tông: “Thần đã xuống Cửu tuyền, hỏi khắp cả quỷ thần ở đó, nhưng không tìm thấy Quý Phi nương nương”. Huyền Tông nói: “Phi Tử chắc là không ở chỗ Cửu tuyền”.
Đêm hôm sau, Dương Thập Ngũ lại tấu nói: “Trên chín tầng trời, tìm cả trên các vì tinh tú, cả nơi hư không mờ ảo, cũng không thấy Quý Phi nương nương ở đâu”.
Huyền Tông cảm thấy không vui nói: “Nàng không đi lên trời, vậy thì biết đi đâu được!”. Dương Thập Ngũ đốt hương châm đèn, càng thêm khẩn thiết mà truy tìm.
Đến đêm ngày thứ ba, ông ta lại tâu lên: “Thần đã tìm ở trong nhân gian, núi cao biển sâu, chùa chiền miếu cổ, năm châu bốn biển, đều không thấy nương nương đâu. Về sau thần đã đến Đông Hải, lên đỉnh Bồng Lai, vào đến Nam Cung, đến nơi quần tiên cư ngụ.
Trong đó có vị Thượng Nguyên nữ tiên Thái Chân, chính là Quý Phi. Quý Phi nói với thần: ‘Ta là thị nữ của Thái Thượng, thuộc cung Thượng Nguyên.
Kiếp trước của Bệ hạ chính là Thái Dương Chu Cung Chân Nhân. Chúng ta vô tình sinh ra tục niệm, thuận theo đó, Bệ hạ bị giáng xuống trần gian, ta cũng bị rớt xuống theo, làm người hầu cho ngài. Sau này chúng ta sẽ gặp lại, mong Bệ hạ hãy bảo trọng, không nên tưởng nhớ đến ta nữa’.
Vì vậy bà ấy đã lấy ra cái trâm cài đầu được hoàng thượng ban tặng vào năm Khai Nguyên, cùng với một viên ngọc quy tử, rồi nói: ‘Hoàng thượng thấy cái này sẽ nhớ ra’. Dứt lời, mắt ngấn lệ mà cáo từ”.
Dương Thập Ngũ mang những thứ đó dâng lên, Huyền Tông lệ rơi lã chã, hồi lâu sau mới nói: “Pháp sư lên trời xuống đất, đến cả những nơi u minh tịch mịch, thật sự là thần tiên đắc đạo rồi!”. Nói đoạn liền tự tay viết hai chữ “Thông u” để làm danh tự cho Dương Thập Ngũ, ban thưởng ngàn tấm lụa, ngàn lượng vàng, năm ngàn mẫu ruộng, ban cho áo choàng tím, ngọc trắng, còn tiến hành chiêu đãi đặc biệt.
Video: Vì sao Dương Quý Phi mãi mãi không thế làm Hoàng Hậu? (Nguồn: Tinh Hoa Lịch Sử)
Thần lực của người đắc đạo
Nhân lúc nhàn rỗi, Huyền Tông mới hỏi Dương Thập Ngũ về đạo pháp, ông ta nói: “Sư phụ của thần là Tây Thành Vương Quân Thanh Thành Chân Nhân. Năm đó ở trong núi phía sau thành, đã dạy cho thần thuật triệu mệnh quỷ thần, nói ‘phải trợ giúp vua làm cho đất nước thái bình, sau đó mới được đắc đạo bay về trời’.
Sư phụ còn khuyên bảo thần phải biết giữ gìn chân khí, miệng ít nói, mắt ít nhìn loạn, đoạn tuyệt danh lợi, rời xa nơi huyên náo, vậy mới có thể vượt khỏi tam giới, bay lên trời xanh”.
Huyền Tông lại hỏi: “Phải dựa vào đâu mới có thể lên trời xuống đất, có khó khăn gì không?”
Dương Thập Ngũ nói: “Người đắc đạo, vào lửa không cháy, vào nước không ướt, đạp không khí như đi trên đất, sờ vào vật lại hóa hư không, dù là đất dày, biển rộng, cùng khắp bốn phương, chỉ cần một niệm là có thể tới, không gì có thể gây trở ngại được.
Sở dĩ có thể làm được như vậy, là vì thân thể và đại đạo dung hợp với nhau, đạo có mặt ở khắp nơi, vạn sự vạn vật đều có đạo ở trong đó”. Huyền Tông cảm thấy ông ta nói rất có đạo lý.
Dương Thập Ngũ vân du được vài năm, liền đi lên ngọn núi phía sau thành, trên đỉnh núi làm một gian tịnh thất. Có một ngày, đệ tử của Dương Thập Ngũ thông báo rằng, ông ấy và quần tiên cùng nhau bay lên trời mà rời đi rồi.
Chân Chân (Theo Secretchina)