Đức đủ tiềm lực để đón nhận nửa triệu người tị nạn
Tối 7/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Sigmar Gabriel khẳng định rằng nhờ tiềm lực kinh tế, nước Đức có thể đón nhận một nửa triệu người nhập cư mỗi năm từ nay cho tới vài năm nữa.
Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia ZDF, chính trị gia thuộc đảng Xã hội – Dân chủ khẳng định Đức chắc chắn tiếp nhận được 500.000 người tị nạn hàng năm, trong vòng vài năm tới, thậm chí lâu hơn nữa.
Mới đây, Đức đón nhận gần 20.000 người nhập cư trong hai ngày cuối tuần. Phần lớn là người Syria chạy trốn chiến tranh. Trong lúc Châu Âu bị chia rẽ sâu rộng trước các làn sóng di tản, Berlin thông báo dành 6 tỷ Euro để đón nhận người tị nạn, RFI đưa tin.
Trong đêm ngày hôm 6/9/2015, lãnh đạo các đảng phái chính trị của Đức đã đồng ý tăng thêm 3 tỷ Euro cho ngân sách của nhà nước liên bang tài khóa 2016 và trực tiếp cấp thêm 3 tỷ khác cho các chính quyền cấp vùng để giải quyết vấn đề người tị nạn.
Nước Đức chờ đợi nội trong năm nay sẽ có hơn 800.000 người xin hưởng quy chế tị nạn. Con số này cao gấp 4 lần so với năm ngoái. Chính quyền Liên bang dự trù cải tổ luật di trú để thu ngắn thời gian cứu xét đơn xin tị nạn.
Chính sách nhân đạo của Berlin đã tô điểm hình ảnh của nước Đức nói chung và của thủ tướng Angela Merkel nói riêng. Dù vậy lãnh đạo Đức sáng nay nhắc lại: “Châu Âu cần hợp tác để cùng giải quyết vấn đề người nhập cư“.
Bộ trưởng Kinh tế Đức và cũng là nhân vật số 2 trong chính quyền, Sigmar Gabriel, nói thêm” Đức, Áo và Thụy Điển không thể là ba nước duy nhất đón nhận người nhập cư”.
Sau khi đã tiếp nhận gần 20.000 người nhập cư từ Hungary vào Đức qua ngả Áo, sáng 9/9 trong chuyến tàu hỏa đầu tiên từ thành phố Salsbourg- Áo đến Munchen, có 150 người xin được ở lại Đức. Báo chí tại Berlin dự báo trong ngày 9/9 sẽ có thêm khoảng 10.000 người nhập cư xin tị nạn.
Pháp chấp nhận hạn ngạch 24.000 người tị nạn trải đều cho hai năm. Hôm nay, theo Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin, chi phí tương đương vài triệu euro giành cho việc tiếp nhận số lượng người nhập cư trên sẽ không ảnh hưởng tới các chính sách khác, như vấn đề cân đối ngân sách của Nhà nước và các địa phương. Còn Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve chỉ trích nhiều thị trưởng tỏ ra phân biệt chủng tộc vì chỉ muốn tiếp nhận người nhập cư Công giáo, do nhiều người trong số họ đánh giá rằng “những gia đình Thiên chúa giáo Syria và Irak là những người bị truy bức nhiều nhất”.
Ngoài Châu Âu, một vài nước Mỹ La tinh đã tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Trung Đông. Hôm 7/9, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng được phát trên truyền hình, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, một đồng minh thân cận với Tổng thống Syria Bachar al-Assad, thông báo đã ra chỉ thị cho Ngoại trưởng tổ chức tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn Syria.
Ngoài hơn 2.000 người tị nạn Syria đã có mặt trên lãnh thổ Brazil, Tổng thống Dilma Roussef tuyên bố sẵn sàng đón thêm người nhập cư Syria. Ngoại trưởng Chilê, Heraldo Munoz, cũng khẳng định nước này đang nghiên cứu tiếp nhận người tị nạn Trung Đông. Còn tại Bắc Mỹ, vùng Québec (Canada) thông báo sẽ đón nhận 3.650 người tị nạn Syria từ nay tới tháng 12. Trong khi đó Hoa Kỳ cũng hứa đón khoảng 5.000 đến 8.000 người Syria trên lãnh thổ Mỹ cho tới mùa thu năm 2016.
Theo bizlive.vn, vi.rfi.fr