Đứa trẻ bị đánh ngã liên tiếp, thiền sư lại nói rằng đó mới là đàn ông thực sự
Cuộc sống luôn có những thăng trầm, hiếm ai sống có thể cứ mãi thuận buồm xuôi gió. Đôi khi, chúng ta nỗ lực chăm chỉ, mà vẫn gặp phải mọi sự trắc trở thất bại, thực sự cảm thấy rất nản lòng. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là điều không tốt.
Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nói: “Thành công chính là từ thất bại này đến thất bại khác, nhưng vẫn luôn nhiệt tình không thay đổi”. Ở phương Đông cũng có một câu chuyện tương tự.
Một vị thiền sư nói với cha của một đứa trẻ: “Ông hãy để con mình ở chỗ tôi trong vòng ba tháng, và trong thời gian ba tháng này ông không được đến gặp con. Sau ba tháng, tôi chắc chắn có thể đào tạo con ông trở thành một người đàn ông thực sự”.
Ba tháng sau, cha của đứa trẻ đến đón con mình, cũng là lúc đứa trẻ và vị huấn luyện viên đang đấu võ karate. Người cha thấy rằng khi huấn luyện viên vừa ra tay, đứa trẻ liền ngã xuống đất. Nhưng đứa trẻ vừa ngã xuống thì cũng lập tức đứng dậy ngay và chiến đấu tiếp, không hề nao núng một chút nào.
Vừa ngã xuống liền đứng dậy, lại ngã rồi lại đứng, cứ như thế lặp đi lặp lại hơn mười lần, cha của đứa trẻ gần như không thể chịu được nữa. Ông nói với vị thiền sư: “Không ngờ rằng tôi đưa con đến đây để được huấn luyện, mà kết quả nhìn thấy lại là nó không những không đỡ được đòn, mà còn bị người ta liên tục đánh ngã”.
Thiền sư nói với người cha rằng: “Tôi rất tiếc vì ông chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực bề ngoài như vậy. Ông có nhìn thấy sự can đảm và nghị lực của con trai mình khi cậu bé bị ngã rồi lại đứng lên ngay lập tức không? Lòng cậu ta không hề ngã xuống. Đó mới chính là khí khái của người đàn ông thực sự”.
“Ngã xuống rồi lại bò dậy” đòi hỏi con người ta phải có dũng khí và sự kiên trì, khích lệ chính bản thân mình, đây cũng là cách xây dựng tâm lý tốt nhất để đối mặt với thất bại, bởi vì thất bại chính là bàn đạp để đi đến thành công. Vậy, chúng ta đã học được gì từ thất bại?.
Tha thứ cho chính mình
Khi đối mặt với thất bại, nhiều người thường tự trách mình rằng: “Nếu biết sớm điều này, thì lúc đầu đã chẳng làm như thế!”. Tuy nhiên, mọi thứ đã trôi qua rồi, và bây giờ những gì chúng ta phải học là không để cho thất bại tấn công chúng ta thêm nữa.
Ngàn vàng cũng khó mà mua được “sự biết trước” mọi chuyện, nên tha thứ cho bản thân để cho tâm trạng của mình sớm được phục hồi từ những hối hận và đớn đau.
Nhìn vào kết quả xấu một cách tích cực
Có người bạn kể rằng, anh ta đã mong đợi một chuyến du lịch đến Hokkaido từ lâu rồi, nhưng thật bất ngờ là một ngày trước khi khởi hành thì đã xảy ra một trận động đất 6,7 độ richter ở Hokkaido, và chuyến bay đến đó buộc phải bị hủy. Gặp phải chuyện như vậy, nên làm thế nào để đối mặt đây?
Rất khó để biết trước mọi chuyện trên đời này, khi đối mặt với bất kỳ tình huống bất ngờ nào, chúng ta cần học cách giữ tâm trạng bình tĩnh để đối diện với nó, và đối thoại với chính bản thân mình rằng: “May mà điều đó xảy ra trước khi khởi hành, nếu không thì mình đã ‘đi chầu Diêm Vương’ rồi”.
“Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân”, việc đi không được cũng có thể là giúp bạn thoát khỏi thảm họa. Nếu bạn không thể buông xuôi, mà cứ luôn nghĩ rằng: “Phải khó khăn lắm mới sắp xếp được chuyến đi, sao mà lại gặp phải trận động đất thành ra đi không được nữa”. Một kỳ nghỉ hiếm hoi có thể đã bị lãng phí trong sự than trách đó rồi.
Biến thất bại thành động lực
Khi đối mặt với các vấn đề hôn nhân, không nên nói “hôn nhân của tôi thất bại”, mà hãy nói “hôn nhân của tôi có một số vấn đề về giao tiếp, và chúng tôi đang học cách giao tiếp tốt hơn”. Câu nói thứ nhất là khẳng định quá khứ không thể thay đổi được, còn câu thứ hai là tập trung vào tương lai, và đang suy nghĩ về những gì có thể được thực hiện ngay bây giờ để làm cho mình tốt hơn.
Xem trọng giá trị của từng cá nhân, bao gồm cả chính mình
Mỗi một sinh mệnh đến với thế gian này đều có giá trị riêng của nó, mạng sống của mỗi một con người đều đáng được tôn trọng. Một số người có tâm lý tự phụ vì họ có quá nhiều thành công, thậm chí họ còn kiêu ngạo tự đề cao bản thân, cảm thấy mình vượt trội hơn và có giá trị hơn những người khác.
Trái ngược lại, trải qua thất bại có thể làm cho chúng ta học được sự khiêm tốn, và phá vỡ đi sự kiêu ngạo không thực tế. Nhưng bất kể thất bại đến mức độ nào đi nữa, cũng không nên coi thường chính mình, mỗi người đều có một giá trị đáng được trân trọng.
Trở thành người chiến thắng, chứ không phải là nạn nhân của sự thất bại
Cảm thấy bản thân mình thất bại, sẽ khiến chúng ta bị mắc kẹt mãi trong sự thất bại ở quá khứ, mà không thể nhìn thấy sự mù quáng của bản thân, không tìm được phương hướng để thay đổi và bắt đầu lại. Sai lầm cứ nối tiếp sai lầm, muốn trở mình cũng cảm thấy vô cùng khó khăn.
Đừng trở thành nạn nhân của sự thất bại, mà hãy tập trung vào cách phục hồi và làm lại từ đầu. Rất ít người thành công ngay lần đầu tiên, hầu hết con người ta đều liên tục thất bại nhưng vẫn không ngừng cố gắng, và cuối cùng họ mới đạt được thành công. Vấn đề không phải là chúng ta bị đánh bại bao nhiêu lần, mà là mỗi lần làm lại đều có tiến bộ, và từng bước từng bước một hướng tới thành công.
Nắm bắt hiện tại, đừng nhìn lại, cũng đừng nghĩ quá xa
Hầu hết mọi người thường sống “trên đường” và luôn luôn đi vội. Ví dụ: Trong lòng luôn ghi nhớ: “Lát nữa tôi phải làm gì?”, “Tôi phải đi đâu?”, “Tôi phải ăn gì?”… Bây giờ cảm thấy phút giây này thật chán, kết quả là lại đi làm những việc nhàm chán hơn để giải khuây, chẳng hạn như chat trực tuyến, lướt điện thoại, xem TV.
Mặc dù người thì sống ở đây và ngay bây giờ, nhưng tâm trí lại ở đâu đâu. Khi làm những việc này có thực sự hạnh phúc không? Hay là chỉ vì chúng ta không biết phải làm gì?
Có một câu nói: “Hôm nay là một món quà, vì vậy phải nắm bắt lấy hiện tại”. Sống cho hiện tại, đừng nhìn lại những sai lầm trong quá khứ, cũng đừng luôn lo lắng về tương lai.
Luôn giữ nụ cười
Tâm trạng rơi vào sự thất bại, buồn bã tuyệt vọng, sẽ không giúp ích được gì cả, ngày mai mặt trời vẫn sẽ mọc lên như thường, mà sẽ không có gì thay đổi. Cứ ôm giữ tâm trạng tiêu cực thì sẽ chỉ khiến cho bản thân mình bị chìm đắm mụ mị thôi.
Hãy buông xuống hết những thứ, những người mà ta không thể đặt xuống, hãy làm cho chính mình trở nên vui vẻ giống như kéo bản thân ra khỏi bùn lầy vậy. Làm sạch suy nghĩ của chính mình, mỉm cười ứng phó với những thách thức của cuộc sống. Những người sống vui vẻ mới có cơ hội để đảo ngược chiến thắng.
Hãy mở lòng mình ra và yêu cầu giúp đỡ
Khi bạn cảm thấy thất bại, thì cũng dễ dàng cô lập bản thân và đóng cửa chính mình. Hãy mở rộng trái tim của mình mà đón nhận, tiếp xúc với những người khác. Sự giúp đỡ chân thành giữa những con người với nhau có thể làm cho chúng ta có được gấp đôi kết quả mà chỉ với một nửa nỗ lực.
Ngoài ra còn có thể tăng cường mối quan hệ giữa các cá nhân, tránh được sự cô đơn lẻ loi, hơn nữa quan điểm của người khác cũng có thể giúp chúng ta xây dựng lại giá trị của bản thân mình.
Nếu bạn có thể học được những điều nói trên, tin rằng chúng ta sẽ không còn cách xa sự thành công nữa.
Tuệ Tâm, theo Epoch Times