Động đất kinh hoàng ở Nepal: Cái chết được báo trước
Một tuần trước khi trận động đất xảy ra, các nhà khoa học đã tập trung ở Kathmandu để bàn cách đối phó, nhưng họ không ngờ thảm họa xảy ra sớm như vậy.
Trận động đất kinh hoàng mạnh 7,8 độ xảy ra ngày hôm qua ở Nepal khiến hơn 1.400 người thiệt mạng đã khiến người dân Nepal và cả thế giới bàng hoàng, nhưng đối với các nhà khoa học địa chất, đây là “cái chết được báo trước”. Chỉ cách đây một tuần, khoảng 50 nhà khoa học xã hội và địa chấn từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về thủ đô Kathmandu của Nepal để tìm cách giúp đỡ khu vực nghèo đói, đông đúc này đối phó tốt hơn với một thảm họa động đất mà họ biết sắp xảy ra, giống như trận động đất đã san phẳng thành phố này vào năm 1934. Khung cảnh hoang tàn ở Kathmandu sau trận động đất
Dựa trên những dữ liệu thu thập được, các nhà khoa học địa chấn biết rõ rằng sẽ có một trận động đất khủng khiếp xảy ra ở gần Kathmandu, nhưng họ không biết thảm họa đó sẽ giáng xuống lúc nào. Nhà địa chấn học James Jackson thuộc Đại học Cambridge của Anh nói: “Đây là một cơn ác mộng chỉ chờ chực xảy ra. Về mặt vật lý và địa chất, những gì đã diễn ra đúng như những dự đoán của chúng tôi”. Tuy nhiên các nhà khoa học đã không ngờ rằng trận động đất khủng khiếp này lại diễn ra sớm như vậy. Họ chỉ biết rằng trận động đất, hậu quả của sự va chạm giữa hai địa tầng lớn, sẽ gây ra hậu quả vô cùng nặng nề cho đất nước Nepal và các quốc gia lân cận. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, một vụ động đất có cường độ tương tự có thể chỉ khiến 10 hoặc 30 người chết trên một triệu dân ở California, Mỹ, nhưng tỉ lệ thương vong có thể lên tới 1.000 người ở Nepal và 10.000 người ở Pakistan, Ấn Độ, Iran và Trung Quốc. Theo ông Jackson, những nguyên nhân khiến số người chết cao như vậy sau động đất tại khu vực này chủ yếu là do con người gây ra. Ngoài các vụ lở đất, phần lớn trong số 1.400 người chết ở Nepal là do bị sập nhà chứ không phải do động đất, ông Jackson cho biết. Một ngôi nhà ở Kathmandu sập vụn trong trận động đất
Chuyên gia địa chấn này phân tích: “Nếu bạn sống trên một sa mạc phẳng không có nước, động đất sẽ không gây nguy hại cho bạn, nhưng rất ít người muốn sống ở đó. Vấn đề thực sự ở một số nước châu Á là có quá đông người tập trung ở một khu vực, nơi có nguy cơ xảy ra động đất cao”. Kathmandu đã từng được Trái đất cảnh báo nhiều lần, bởi đây là trận đống đất lớn thứ 5 ở khu vực này trong vòng 205 năm qua, trong đó có trận động đất khủng khiếp san phẳng thành phố vào năm 1934. Ông Hari Ghi, điều phối viên tổ chức Nguy cơ Địa chất Quốc tế cho biết: “Họ biết rằng khu vực này có vấn đề về địa chất, nhưng vấn đề đó quá lớn đến mức họ không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào”. Theo chuyên gia này, Nepal đã có những tiến bộ nhất định trong việc giảm nguy cơ tổn thương do động đất, nhưng họ đã làm không đủ nhanh và không đủ quyết liệt. Một báo cáo của các nhà khoa học địa chất quốc tế từ những năm 1990 đã nhấn mạnh: “Với tỉ lệ tăng trưởng dân số hằng năm 6,5%, thành phố Kathmandu có mật độ dân cư đông nhất thế giới với 1,5 triệu người này đang đối mặt với nguy cơ động đất ngày càng lớn và nguy hiểm. Trận động đất tiếp theo có thể gây ra thiệt hại to lớn về người, tài sản và kinh tế hơn những trận động đất trước đây”. Với mật độ dân số quá cao, Kathmandu phải hứng chịu hậu quả rất nặng nề từ động đất
Thế nhưng trong suốt nhiều năm sau đó Nepal không ban hành bất cứ quy chuẩn xây dựng nào để nâng cao khả năng chống động đất cho các tòa nhà và công trình xây dựng. Quy chuẩn xây dựng mới được ban hành gần đây lại không giúp gì được cho những tòa nhà cũ chống chọi với các trận động đất, ông Ghi nói. Một trong những nguyên nhân nữa khiến Nepal hứng chịu thiệt hại rất lớn về nhân mạng là do luật thừa kế của nước này quy định đất đai phải được chia đều cho các con trai, đồng nghĩa với việc rất nhiều ngôi nhà “siêu mỏng” đã mọc lên trên những mảnh đất nhỏ hẹp. Chỉ cần những chấn động nhẹ do động đất, những ngôi nhà này rất dễ đổ sụp, chôn vùi tất cả những người bên trong. Theo ông Jackson, tình trạng nghèo đối và ô nhiễm cũng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Những áp lực cơm áo gạo tiền hằng ngày đã khiến người dân Nepal không chú trọng đến nguy cơ của trận động đất tiếp theo. Jackson nói: “Nếu sống ở Kathmandu, bạn sẽ phải lo lắng đến nhiều thứ khác, những thứ diễn ra hằng ngày liên quan đến chất lượng không khí, nguồn nước, ô nhiễm, giao thông và nghèo đói. Nhưng điều đó không có nghĩa là nguy cơ động đất đã biến mất”. |
Theo Dân Việt