Donald Trump là vị tổng thống bị đưa nhiều tin tiêu cực nhất trong vòng 25 năm gần đây
Các phương tiện truyền thông đang đưa tin mang tính tiêu cực về ông Trump nhiều nhất so với các tổng thống khác trong 25 năm trở lại đây. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, chỉ có 5% tin đưa là tích cực.
Theo một nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew, những tuyên bố của Tổng thống (TT) Donald Trump rằng các phương tiện truyền thông chủ yếu đưa tin một cách tiêu cực về ông đã được chứng minh là đúng.
Một phân tích đối với 3.000 tin bài trên 24 phương tiện truyền thông khác nhau trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống của ông Trump đã phát hiện rằng, việc đưa tin về TT Trump mang tính tiêu cực nhất so với các tổng thống khác trong vòng 25 năm qua.
Nghiên cứu này cho thấy, chỉ có 5% tin bài của các phương tiện truyền thông trong khoảng thời gian này mang tính tích cực, 62% tin bài mang tính tiêu cực, và 33% là trung tính.
Theo phân tích, việc đưa tin về TT Barack Obama trong cùng khoảng thời gian là 42% tích cực và 20% tiêu cực. Đối với TT George W. Bush con số là 22% tích cực và 28% tiêu cực. Còn với TT Bill Clinton là 27% tích cực và 28% tiêu cực.
Nghiên cứu này cũng cho thấy hầu hết tin bài của các phương tiện truyền thông về TT Trump tập trung vào tính cách thay vì chính sách của ông. Chỉ có 31% tin về TT Trump tập trung vào các vấn đề chính sách, so với 50% cho TT Obama, 65% cho TT Bush và 58% cho TT Clinton.
“Những đánh giá về Tổng thống Trump mang tính tiêu cực hơn và ít tích cực hơn nhiều so với những người tiền nhiệm”, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Những chủ đề chính
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 5 chủ đề chính trong thời gian từ 21/1 đến 30/4, chiếm 2/3 tổng cộng các tin tức.
Chủ đề chính xoay quanh những kỹ năng chính trị của TT Trump (17%), theo sau là tin về vấn đề nhập cư, một chính sách then chốt của TT Trump (14%), những bổ nhiệm và đề cử của tổng thống (13%), mối quan hệ Nga – Mỹ (13%), và chăm sóc y tế (9%).
Từ khi ông Trump đắc cử tổng thống hồi tháng 11/2016, phần nhiều tin tức trên truyền thông đã tìm cách đặt câu hỏi về tính hợp pháp đối với chức vụ tổng thống của ông và tạo ra các chia rẽ trong xã hội. Hầu hết phương tiện truyền thông đã đưa rất nhiều tin về những cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Trump câu kết với chính quyền Nga.
Tuy nhiên, nhiều tin tức loại này chủ yếu dựa vào các nguồn tin nặc danh từ cộng đồng tình báo, dẫn đến việc đưa tin sai lệch xảy ra thường xuyên.
Phát biểu sau khi tuyên thệ trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 8/6, cựu Giám đốc FBI James Comey đã phủ định bài viết trên trang nhất hôm 15/2 của tờ Thời báo New York, vốn tuyên bố rằng các thành viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump “đã nhiều lần liên lạc với các quan chức tình báo cao cấp của Nga trong năm trước cuộc bầu cử”.
>>> Vụ New York Times đưa tin sai lệch, “gậy cảnh tỉnh” với các hãng truyền thông lớn
Thời điểm đó, Thời báo Epoch Times đã lưu ý nhiều kẽ hở trong bài báo này, vốn được Thời báo New York dùng để thúc đẩy câu chuyện về sự câu kết trên.
Tại buổi điều trần, Thượng Nghị sĩ Tom Cotton (thuộc Đảng Cộng hòa ở tiểu bang Arizona) đã thúc ép ông Comey hơn nữa về bài viết trên tờ Thời báo New York, và hỏi rằng: “Liệu có công bằng không khi coi bài viết đó hoàn toàn sai?”. Ông Comey đáp: “Có”.
Ông Comey tiếp tục phủ định những tin tức khác trên truyền thông, vốn thường xuyên dẫn những nguồn tin vô danh trong chính phủ và các cơ quan tình báo để xúc tiến câu chuyện chiến dịch của ông Trump đã câu kết với Nga để tác động đến cuộc bầu cử.
“Tất cả các vị đều biết điều này. Có thể nhân dân Mỹ thì không”, ông Comey phát biểu trước Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ông nói thêm, khi các phóng viên viết bài về tin mật, “những người nói về nó thường không thực sự biết điều gì đang diễn ra” và đã có nhiều câu chuyện về những cuộc điều tra về Nga là hoàn toàn sai.
Những chia rẽ
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rex Tillerson đã đáp lại một tin tức trên NBC News tuyên bố rằng ông Tillerson đã cân nhắc đến việc từ chức.
Tại một cuộc họp báo, ông Tillerson cho biết câu chuyện đó là sai và ông chưa bao giờ nghĩ đến việc từ chức. Ông cũng cáo buộc các phương tiện truyền thông đang cố ý gây chia rẽ người dân.
“Đây là điều mà tôi không hiểu về Washington. Tôi không đến từ nơi này. Nhưng tại những nơi tôi ở trước đây, chúng tôi không quan tâm đến những điều vớ vẩn nhỏ mọn đó. Nó không có mục đích gì ngoài việc chia rẽ mọi người. Tôi sẽ không là một phần của nỗ lực nhằm chia rẽ chính quyền này”, ông Tillerson nói.
TT Trump cũng lên án NBC News về bài báo đó. Ông viết trên Twitter rằng: “Rex Tillerson chưa bao giờ dọa từ chức. Đây là Tin Giả do @NBCNews đưa ra. Chuẩn mực đưa tin thấp kém. Tôi không xác nhận điều đó”.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 5/10, Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cũng nói:
“Các vị có trách nhiệm phải nói sự thật, phải chính xác”.
“Chúng ta đã thấy thông tin mới đây cho biết chỉ có 5% tin bài trên các phương tiện truyền thông mang tính tích cực về vị tổng thống này và chính quyền này, trong khi các vị đang có thị trường chứng khoán và lòng tin về kinh tế ở mức cao nhất mọi thời đại”.
“Thẳng thắn mà nói, đó mới là những vấn đề mà phần lớn người Mỹ quan tâm đến, chứ không phải là những thứ mà các vị đưa tin, không phải rất nhiều những âm mưu vụn vặt mà các vị dành thời gian vào. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải hướng đến một phương tiện truyền thông công bằng hơn, chính xác hơn, và thẳng thắn là phải có trách nhiệm hơn cho người dân Mỹ”, bà nói.
Theo Epoch Times