Điều trần luận tội thất bại: Nỗ lực tuyệt vọng của phe Dân chủ nhằm lật đổ Trump
Các nhân chứng trong buổi điều trần trên truyền hình trực tiếp ngày 13/11 đã không có đủ bằng chứng thuyết phục để giúp đảng Dân chủ chứng minh ông Trump đáng bị luận tội.
Người dân Mỹ hôm 13/11 đã được theo dõi phiên điều trần công khai đầu tiên trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump trên truyền hình. Tại phiên điều trần, 2 nhân chứng là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor và Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ George Kent đã tiết lộ một số chi tiết liên quan đến cáo buộc, Trump hối thúc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, một trong những đối thủ của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Scott Jennings của tờ LA Times, không có chi tiết nào trong buổi điều trần này có thể làm thay đổi quan điểm của công chúng về cuộc điều tra luận tội Trump. Những người ủng hộ ông chủ Nhà Trắng sẽ không thay đổi quan điểm. Nói cách khác, đây là một ngày thất bại của đảng Dân chủ.
Gánh nặng của việc tìm ra bằng chứng đặt lên vai Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff. Những cáo buộc không bằng chứng hiện nay của họ chỉ khiến nhiều thành viên đảng Cộng hòa khó chịu, chứ không tới mức khiến họ phải yêu cầu Trump rời nhiệm sở, bình luận viên Jennings nhận xét.
Trong phiên điều trần, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine Bill Taylor đã kể lại những gì phụ tá của mình nghe được về cuộc trò chuyện giữa Trump với đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland, còn Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ George Kent cung cấp lời khai và nêu ý kiến dựa trên những lần trao đổi với các quan chức khác. Điều đó có nghĩa là họ không có mối liên hệ trực tiếp với những cuộc trò chuyện của Trump, cũng không trao đổi trực tiếp với Tổng thống.
“Những gì tôi có thể làm tại đây hôm nay là kể lại điều mình được nghe từ người khác”, ông Taylor phát biểu trước quốc hội.
Theo bình luận viên Jennings, những bằng chứng kiểu gián tiếp này khó có thể thuyết phục được người dân Mỹ tin rằng hành động của Trump khiến ông đáng bị phế truất. Taylor cũng nói rằng ông không đứng về bên nào trong cuộc tranh luận này, nhưng bình luận viên Jennings nhận định phe Dân chủ rõ ràng đã hy vọng cựu đại sứ là nhân chứng hữu ích thúc đẩy cuộc điều tra luận tội.
Một trong những lời biện hộ mạnh mẽ nhất giúp Tổng thống Trump chống lại các cáo buộc là Tổng thống Zelensky từng tuyên bố ông không cảm thấy bị gây áp lực trong cuộc điện đàm với ông chủ Nhà Trắng hôm 25/7. Trả lời câu hỏi của nghị sĩ Cộng hòa John Ratcliffe trong phiên điều trần, ông Taylor cũng cho biết ông “không có lý do gì để nghi ngờ” phát biểu của ông Zelensky.
Ông Ratcliffe còn “ghi điểm” giúp Tổng thống Trump bằng cách hỏi cả 2 nhân chứng rằng họ đã bao giờ báo cáo bất kỳ sai phạm nào trong cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Zelensky hay chưa. Chẳng ai trả lời “có”, điều này đã khiến phe Dân chủ dường như bị chùng xuống.
Nghị sĩ Elise Stefanik, một thành viên khác của đảng Cộng hòa tham gia phiên điều trần hôm 13/11, cũng bảo vệ Tổng thống bằng cách đề cập tới chính sách ngoại giao giữa Mỹ và Ukraine. Cô đã dẫn lại lời của ông George Kent rằng vấn đề tham nhũng là một phần trong đối thoại cấp cao giữa các lãnh đạo Mỹ và Ukraine, bất kể ai đang giữ chức tổng thống, nhằm chứng minh hành động của Tổng thống Trump là bình thường.
Ông Trump nghi ngờ ông Joe Biden dùng quyền lực khi còn tại nhiệm để ngăn không cho công ty năng lượng Ukraine Burisma, nơi con trai Hunter của ông từng làm việc, bị điều tra tham nhũng. Vì vậy, Tổng thống muốn người đồng cấp Ukraine xem xét vấn đề này, theo bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm hôm 25/7 do Bộ Tư pháp Mỹ công bố.
Ông Stefanik lập luận rằng công ty Burisma nổi tiếng trong vấn đề tham nhũng, nên việc Tổng thống Trump muốn điều tra công ty này và vai trò của cha con Biden là hợp lý. Cô còn đưa ra lưu ý hồi năm 2014, Washington từng cam kết sẽ cố gắng chuyển lại cho Ukraine hàng chục tỷ USD tài sản tham nhũng được cho là của Mykola Zlochevsky, người sáng lập Burisma. Yêu cầu điều tra Zlochevsky của Washington cũng được đưa ra dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Trump bị cáo buộc dùng khoản viện trợ quân sự 391 triệu USD để gây sức ép buộc ông Zelensky mở cuộc điều tra cha con Biden, dù Tổng thống Mỹ giải thích rằng ông hoãn viện trợ vì muốn các nước châu Âu khác cũng phải đóng góp cho Ukraine.
Tuy nhiên, bình luận viên Jennings cho biết Trump đã cấp viện trợ cho Ukraine vào ngày 11/9, điều mà chính quyền Obama trước đây đã không thực hiện được. 2 ông Taylor và Kent cũng thừa nhận quyết định này tốt hơn so với chính quyền tiền nhiệm.
Đối với nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump, cuộc điều tra luận tội chỉ là một nỗ lực mang tính đảng phái của phe Dân chủ nhằm lật đổ người mà họ không thể đánh bại hồi năm 2016.
Joe D’Ambrosio, một thợ cắt tóc 76 tuổi tại thành phố Bethlehem, bang Pennsylvania, cho biết quan điểm của ông sẽ không bị tác động bởi các phiên điều trần như vậy.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ Tổng thống. Rất nhiều người hài lòng với chính sách hưu trí cũng như công việc của họ. Nhưng đảng Dân chủ không muốn nói về điều đó. Tôi nghĩ họ sẽ phải trả giá”, D’Ambrosio nói.
Một số cử tri thể hiện sự thất vọng vì cho rằng các nghị sĩ dường như đã vội vàng trong việc phán xét vụ việc.
“Điều tôi thấy không ổn là nhiều nghị sĩ dường như đã tự đưa ra quyết định, trước khi họ nhìn thấy bằng chứng và có cơ hội thảo luận theo cách thức phù hợp”, Amy Hussar, một sĩ quan quân đội Mỹ về hưu tại bang Michigan, nhận định.
“Đó là chỉ màn trình diễn thôi. Mọi người đều biết tất cả sự thật, và họ cũng có quyết định của riêng mình rồi. Điều đó sẽ không có tác động gì cả”, Kurt Zuhlke, chủ doanh nghiệp 64 tuổi tại Pennsylvania, người từng bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016 song vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai vào năm sau, cho biết.
Trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay, chưa có vị Tổng thống nào bị cách chức do bị luận tội. Tổng thống Richard Nixon đã từ chức trước khi ông bị luận tội. Các Tổng thống Andrew Johnson và Bill Clinton từng bị Hạ viện luận tội, nhưng họ không bị Thượng viện kết tội.
Thiện Thành (t/h)