Biết tiết chế dục vọng mới có thể hưởng thụ nhân sinh
Dục vọng của chúng ta giống như ga xe, tiết chế giống như phanh xe, nếu như một chiếc xe chỉ có ga xe mà không có phanh xe, thì hậu quả là xe hỏng người chết.
Một lần trong một cuộc phỏng vấn, Diễn viên Trần Đạo Minh nói: “Tôi không mua đại bác máy bay, cũng không mua mẫu hạm hàng không, tôi chỉ cần bảo đảm chất lượng cuộc sống cơ bản nhất, không có nhiều tham vọng quá đáng”.
Trần Đạo Minh là một người biết nhìn xa trông rộng, ông luôn có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống. Có người bên cạnh hỏi: “Tại sao ông sống cẩn trọng như vậy”. Ông đáp: “Không thể cùng một lúc có được cả cá và bàn chân gấu, cậu vừa muốn ăn chơi đàn đúm, lại muốn công danh lợi lộc, có thể được sao? Không thể, tôi phải trói buộc bản thân, chứ không phải chuyện gì cũng làm”.
Nếu nói ông là một người không màng danh lợi, chi bằng nói ông là một người đã giác ngộ được cảnh giới làm người. Cảnh giới gì? Dùng câu nói của ông để trả lời:
“Thế giới này không phải thế giới của bạn, không phải bạn thành công rồi, bạn muốn làm gì thì đều làm được. Tôi cảm thấy cảnh giới cao nhất khi làm người đó là tiết chế, chứ không phải buông thả.
Vì thế tôi hưởng thụ thứ tiết chế này, chính là hưởng thụ lớn nhất trong cuộc sống, buông thả thì rất dễ, buông thả vật chất hay tinh thần đều rất dễ, điều khó chính là tiết chế. Làm một người có dục vọng rất dễ, nhưng để làm một người có thể khống chế được dục vọng của mình thì khó khăn gấp bội!”
Trong cuộc sống, chúng ta tranh giành với vô số người, nhưng lại không biết kẻ thù lớn nhất chính là bản thân mình. Đối mặt vòng xoáy danh lợi trong giới giải trí, xa thì thôi không nói, lấy ví dụ từ việc gần đây, ví như chuyện Trần Vũ Phàm chơi ma túy, nhiều người thắc mắc tại sao một người đang yên đang lành, lại dấn thân vào con đường dùng ma túy?
Có người nói để giải tỏa, có người nói mọi thú vui cần hưởng thụ trên đời anh ta đều hưởng thụ hết rồi, nên muốn theo đuổi thứ gì đó kích thích hơn. Nhưng nói cho cùng, đều là do không biết cách khống chế dục vọng bản thân.
Lời bài hát trong “Hoa đào phiến” của Khổng Thượng Nhậm viết: “Thấy anh ta dựng lầu son, thấy anh ta mở tiệc mời khách, lại thấy lầu của anh ta sụp đổ”. Có bao nhiêu người có tương lai rộng mở, cuối cùng lại bị hủy hoại bởi dục vọng không đáy của chính mình.
Nói đến đại quan tham đệ nhất triều Thanh, không thể không nhắc đến một người – Hòa Thân. Hòa Thân nỗ lực cả đời, phút chót lại trở thành tù nhân chết dưới dải lụa trắng, trong khung cảnh vô cùng thê lương, ông đã viết một bài thơ tuyệt mệnh:
“Năm mươi năm hư hư thực thực
Kiếp này buông tay tạ hồng trần
Năm sau nước dâng con lũ lớn
Nhận rõ hương hỏa kẻ hậu nhân.“
Quay đầu lại ông mới nhận ra, lòng tham của cải trước kia đã hại ông, hai tay trắng đầu thai vào kiếp sau. Theo ghi chép, của cải mà Hòa Thân tích lũy được ước tính khoảng 800 triệu đến 1,1 tỷ lượng bạc trắng, số vàng bạc cộng với đồ cổ, châu báu mà ông ta sở hữu vượt quá tổng thu nhập tài chính trong 15 năm của triều Thanh.
Thử nghĩ, tài sản tham ô của một người bằng tổng GDP trong một năm của một nước, quả đúng như một câu nói: “Lòng tham vô đáy, tài sản của cả một quốc gia cũng không thỏa mãn được dục vọng của ông ta”.
Tại sao lại nói một người phải biết tiết chế, khống chế dục vọng của mình? Bởi vì khi dục vọng bị mất kiểm soát nó sẽ làm cuộc sống bị bóp méo.
Chúng ta thường miêu tả tham vọng của một người như sau: tiền bạc làm mờ mắt, danh lợi làm mê hoặc. Có thể lĩnh hội tường tận hai câu này, bạn sẽ đọc được một thông điệp: chính là sự biến chất của nhân tính.
Nói đến sự biến chất nhân tính, không thể không nhắc đến bộ phim tài chính “Sói già phố Wall” (The Wolf of Wall Street), bộ phim này do Leonardo DiCaprio thủ vai chính, một câu chuyện truyền kỳ về Jordan – một nhà môi giới chứng khoán.
Jordan là một nhà môi giới chứng khoán đi lên từ dưới đáy xã hội, với lòng tham tiền bạc, anh ta không từ thủ đoạn nào, thành lập công ty chuyên bán cổ phiếu giá rẻ để lừa tiền các nhà đầu tư, điều này khiến anh ta từ một người bình thường, nhanh chóng trở thành “Sói già phố Wall”.
Vốn dĩ là một chàng trai an phận, vì tiền bạc mà lại trở nên không từ thủ đoạn. Với sự hẫu thuẫn của tiền bạc, anh ta cởi bỏ những tiết chế về dục vọng, xa hoa vô độ, chìm đắm trong ma túy và gái đẹp, sự ham muốn tiền bạc dường như khiến anh ta trở nên điên loạn.
Sự giải phóng dục vọng khiến anh ta trở thành một “người điên”, cuối cùng đá bay bệ thờ “Sói già phố Wall”, trở thành một tên tội phạm lừa đảo siêu đẳng, bị người đời phỉ báng.
Nếu anh ta sử dụng tốt trí thông minh của mình, không mất đi bản tính vốn có, biết cách khống chế dục vọng cá nhân thì có thể trở thành một doanh nhân kì tài, nhưng cuối cùng lại là một tù nhân, thật đáng tiếc thay!
Triết học gia Francis Bacon từng nói rằng: “Đức tính cần thiết trong hoàn cảnh thuận lợi là sự tiết chế, còn đức tính cần thiết trong nghịch cảnh lại là sự ngoan cường”. Nhưng rất nhiều người “có nghìn tiền muốn vạn tiền, làm hoàng đế còn muốn làm tiên”. Vốn dĩ có thể sống một cách tiêu dao tự tại, rốt cuộc lại đánh mất bản thân mình.
Rất nhiều người có thể sẽ hỏi rằng: “Biết cách tiết chế thì có lợi ích gì, đó không phải khiến con người mất đi sự theo đuổi cuộc sống và nhu cầu cá nhân sao?”. Lời này quả thật sai rồi!
Cuộc sống rốt cuộc cần những gì? Chẳng hạn, khi bạn đói cần phải ăn, một bữa cơm ăn mười phần là no, nếu bạn chỉ ăn bảy phần, đó chính là tiết chế; có thể ăn mười phần là no, mà bạn lại ăn hai mươi phần, đó là sự mất kiểm soát dục vọng, hay còn gọi là tham lam.
Những người thực sự hiểu về chăm sóc sức khỏe đều biết rằng ăn đến sáu hay bảy mươi phần trăm là tốt nhất cho cơ thể. Nếu như thường xuyên ăn uống vô tội vạ đồng nghĩa với tự sát. Hoa chết do tưới nhiều nước, cá chết vì ăn quá no.
Trên thế gian vạn vật đều tuân theo một quy luật tiết chế tự nhiên: Mọi tài nguyên trên trái đất này đều có hạn, khi lấy phải có mức độ, khi dùng thì phải tiết kiệm, như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của nhân loại. Nếu lấy mà vô độ, dùng lại phung phí, thì mọi tài nguyên trên trái đất này cũng sẽ biến mất.
Đối với ẩm thực mà nói, tiết chế chính là cân bằng nhu cầu của bản thân. Đối với cuộc sống mà nói, tiết chế chính là cân bằng tinh thần của bản thân.
Dục vọng của chúng ta giống như ga xe, tiết chế giống như phanh xe, nếu như một chiếc xe chỉ có ga xe mà không có phanh xe, thì hậu quả là xe hỏng người chết.
Cũng giống như vậy nếu một người chỉ có dục vọng, không có tiết chế, cuối cùng rất khó tưởng tượng anh ta sẽ điên cuồng đến mức nào, có lẽ người này sẽ là tai họa của nhân loại, Adolf Hitler là một ví dụ.
Đó là lý do vì sao nói Trần Đạo Minh là người có trí tuệ, trong vòng xoáy danh lợi, nói được và làm được là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, có thể giác ngộ được “tiết chế đỉnh cao nhất của cảnh giới làm người”, thì càng hiếm thấy!
Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus từng nói rằng: “Thượng đế muốn khiến thứ gì diệt vong, trước tiên phải khiến thứ đó phát điên”. Khi bạn không thể khống chế dục vọng của mình, hãy nhớ: Ruộng tốt ngàn khoanh cũng chỉ là cơm ăn ba bữa một ngày, nhà cao cửa rộng cũng chỉ cần ngủ trên chiếc giường ba thước, quyền cao chức trọng cũng chỉ là một giọt nước giữa biển cả.
Khiêm tốn là khi bạn đủ tư cách để nói phách lối, nhưng bạn lại chọn cách nói nhún nhường. Tiết chế là khi bạn có điều kiện để xa xỉ, nhưng bạn lại chọn sự đơn sơ, đó mới là cảnh giới cao nhất khi làm người!
Tuệ Tâm, theo Secret China