Dịch Vũ Hán: Dân Úc giành nhau mua giấy vệ sinh, giẫm đạp lên bé gái 13 tuổi
Trong bối cảnh thế giới đang đối phó với dịch virus Vũ Hán, giấy vệ sinh bất ngờ trở thành mặt hàng được nhiều nước săn lùng. Thậm chí gần đây, một bé gái 13 tuổi trong lúc đi siêu thị cùng mẹ đã bị một dòng người chen lấn giành mua giấy vệ sinh xô ngã và giẫm đạp.
Vào ngày 18/3, tại khu dân cư Baldivis, thành phố Perth, Úc, một bé gái 13 tuổi đi siêu thị cùng mẹ và em trai 9 tuổi để mua giấy vệ sinh và một số đồ ăn vặt dùng để đến trường.
Nhưng khi siêu thị vừa mở cửa, người mẹ ngay lập tức đã mất dấu con gái vì dòng người chen lấn xô đẩy khiến cô bé cũng bị cuốn theo. Người mẹ dù cố gắng gọi tên những vẫn không thể tìm thấy con gái, do cô phải ngồi xe lăn vì vừa trải qua một đợt phẫu thuật, cho đến khi dòng người đi qua cô mới phát hiện con gái mình đang nằm khóc trên sàn.
“Con bé đã bị đẩy ngã và bị mọi người dẫm đạp lên. Không ai để ý rằng có một đứa trẻ đang nằm trên sàn, họ chỉ hối hả chạy vào siêu thị để mua được thứ mình đang cần mà thôi”, người mẹ chia sẻ.
Bé gái đã bị mọi người xô ngã và dẫm đạp lên khi họ hối hả lao thẳng tới quầy bán giấy vệ sinh được đặt ngay gần cổng ra vào. Em bị sưng đầu gối và đã được mẹ đưa khi chụp X-quang.
“Tôi quả thực bị sốc bởi hành động của mọi người sáng nay, ngay cả trước khi siêu thị mở cửa thì họ đã chen lấn, xô đẩy nhau và gào thét nhau xếp hàng cho nghiêm chỉnh rồi”.
Tuy sự việc trên gây bàng hoàng cho bà mẹ nhưng bà vẫn khen ngợi phản ứng xử lý nhanh chóng và tận tâm của đội ngũ nhân viên siêu thị.
“Sau khi quản lý biết được về sự việc, anh ấy đã đưa tôi và bọn trẻ ra khu vực phía sau rồi lấy đá chườm vào đầu gối cho con bé”.
Sau khi vụ việc xảy ra, một phát ngôn viên của siêu thị cho biết họ sẽ nâng cao các phương án xử lý an ninh hơn nữa.
“[Siêu thị] Coles luôn đặt sự an toàn của khách hàng và đội ngũ nhân viên lên hàng đầu. Chúng tôi hiện đang củng cố các biện pháp an ninh để quản lý mức nhu cầu mua hàng cao chưa từng có tại các chuỗi siêu thị. Chúng tôi cũng hy vọng khách hàng có thể thể hiện sự tôn trọng tới những người mua khác cũng như tới đội ngũ nhân viên trong giai đoạn cam go này”.
Không chỉ riêng trường hợp đáng buồn trên, thực tế một số nơi còn đang bắt đầu xảy ra tình trạng ẩu đả, cướp bóc và cả ăn cắp giấy vệ sinh công cộng…, khiến tình hình ngày càng trở nên hỗn loạn.
Như tại siêu thị Woolworths ở vùng ngoại ô Chullora, Úc, từng xảy ra một vụ ẩu đả giữa nhóm người phụ nữ, khi đó một phụ nữ 49 tuổi đã lao vào giật tóc 1 trong 2 người phụ nữ đang đi cùng nhau. Cả 3 sau đó bắt đầu điên tiết ẩu đả và la hét ầm ĩ. Người phụ nữ 49 tuổi hét: “Tôi chỉ muốn có một lốc giấy”.
Người phụ nữ đang đẩy xe hàng chất đầy giấy vệ sinh đáp: “Không, không có lốc nào cả.” Sau đó 2 nhân viên siêu thị đến can ngăn nhưng không được nên đã phải báo cảnh sát.
Được biết, hiện tượng cơn sốt giấy vệ sinh như thế không chỉ xảy ra tại Úc, trên nhiều quốc gia khác hiện nay như Đài Loan, Mỹ, Nhật, Australia đến Singapore, Hồng Kông, Italy, người dân cũng đổ xô đi mua về tích trữ, giấy vệ sinh hiện nay còn đắt hàng hơn cả những loại lương thực cần thiết khác.
Thậm chí việc người dân đổ xô đi mua giấy vệ sinh còn trở thành phong trào với hashtag “khủng hoảng giấy vệ sinh”, “khan hiếm giấy vệ sinh” trên mạng xã hội nhiều nước. Điều này càng khiến người dân đổ xô đi mua về tích trữ nhiều hơn vì lo sợ sẽ thiếu giấy vệ sinh để đối phó với dịch bệnh. Trong khi thực tế giấy vệ sinh không có tác dụng trong việc phòng dịch, ngoại trừ là một sản phẩm dùng để vệ sinh thông thường khi ăn uống, đi vệ sinh, lau chùi vết bẩn…
“Giấy vệ sinh không có tác dụng gì để phòng tránh virus cả! Nó chỉ là một trong nhiều thứ nhu yếu phẩm của con người, và nhiều người mặc định rằng giấy vệ sinh là thứ nhất định phải có trong thời kỳ dịch bùng phát”, Rohan Miller, giảng viên Đại học Sydney cho biết.
Điều quan trọng lúc này là mọi người cần xác định được rõ mình nên làm gì để bảo vệ bản thân trong đợt dịch. Ví dụ như việc rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, vệ sinh nhà ở,… mặc dù rất đơn giản nhưng có thể phần nào ngăn được việc tấn công của virus lên bản thân và gia đình.
Chúc Di (t/h)