Dịch Vũ Hán (13/4): Số ca tử vong ở Mỹ vượt 22.000 người, châu Âu tiếp tục điêu đứng
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới hiện đã ghi nhận 1.853.183 ca nhiễm và 114.248 ca tử vong do virus Vũ Hán tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 78.825 và 5.809 ca so với hôm qua. Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng của dịch bệnh.
Châu Âu
Vương quốc Anh sáng 13/4 vừa thông báo thêm 737 ca tử vong do virus Vũ Hán, nâng tổng số người chết toàn quốc lên 10.612 người. Anh hiện ghi nhận 84.279 ca nhiễm, tăng 5.288 ca so với một ngày trước đó.
Văn phòng thủ tướng Anh hôm 11/4 cho biết, ông Boris Johnson đã xuất viện và sẽ tiếp tục được chăm sóc, theo dõi quá trình hồi phục ở vùng ngoại ô Chequers, khu nghỉ dưỡng của Thủ tướng, cách London 65km về phía tây bắc.
“Theo lời khuyên của đội ngũ y tế, Thủ tướng sẽ không quay trở lại làm việc ngay lập tức. Ông muốn cảm ơn tất cả mọi người ở bệnh viện St Thomas vì đã dành cho ông sự chăm sóc rất tận tình”, một phát ngôn viên từ văn phòng Thủ tướng Johnson cho biết.
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis kêu gọi đoàn kết toàn cầu, chung tay ứng phó với đại dịch Vũ Hán và sự sụp đổ kinh tế, hối thúc việc nới lỏng trừng quạt quốc tế, xóa nợ cho các hộ nghèo, tất cả các xung đột nên ngừng lại và ngồi vào bàn đàm phán. Trong thông điệp, Giáo hoàng Francis cũng gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu cuộc chiến chống dịch.
Bộ Y tế Tây Ban Nha hôm 13/4 cho biết cả nước ghi nhận số ca nhiễm và tử vong lần lượt 166.831 và 17.209. Số liệu mới nhất đã chấm dứt chuỗi 3 ngày liên tiếp số ca tử vong vì dịch Vũ Hán tại Tây Ban Nha giảm, trong khi một số doanh nghiệp của nước này chuẩn bị mở cửa trở lại dưới sự nới lỏng từ lệnh phong tỏa của chính phủ.
Italy cũng vừa báo cáo ố ca nhiễm toàn quốc lên 156.363 ca, trong đó 19.899 người tử vong, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã gia hạn thêm thời gian phong tỏa toàn quốc cho đến ngày 03/5, tuy nhiên ông cho biết một vài loại cửa hàng sẽ được phép mở cửa trở lại vào tuần tới.
Mỹ
Mỹ hiện đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với 560.433 ca nhiễm, tăng 133 trường hợp so với hôm qua, trong đó 22.115 người đã chết. Số ca tử vong do virus Vũ Hán tại Mỹ hôm qua đã vượt qua Italy. Mỹ trước đó phải tuyên bố tình trạng thảm hoạ ở 49 bang trong khi dịch Vũ Hán đang hoành hành. Nước này chưa bao giờ tuyên bố tình trạng thảm họa liên bang cho 50 bang cùng lúc.
Theo ông Peter Feaver, Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Duke, dịch bệnh Vũ Hán là cuộc khủng hoảng thực sự đầu tiên chính quyền Trump phải đối phó, trên phương diện tác động từ bên ngoài. Cuộc khủng hoảng này không phải hệ quả từ các quyết định do ông Trump đưa ra. Tổng thống cần xử lý dịch bệnh theo cách mang lại lợi ích thực sự cho người dân, chứ không phải nhắm đến lợi ích của mình trong cuộc tái tranh cử.
Châu Á và khu vực Thái Bình Dương
Các thành phố Trung Quốc giáp biên giới Nga cho biết họ sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới và các biện pháp kiểm dịch đối với những người đến từ nước ngoài sau khi số ca nhiễm nhập khẩu dịch Vũ Hán đạt mức cao kỷ lục.
Indonesia đã áp đặt các biện pháp hạn chế giao thông công cộng trước cuộc di cư hàng năm tới các vùng quê đánh dấu thời điểm kết thúc tháng ăn chay của người Hồi giáo, trong nỗ lực làm chậm quá trình lây lan của virus Vũ Hán tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này.
Ấn Độ cho biết mạng lưới bệnh viện của họ đã được chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị nhằm khắc phục tối đa sự lây lan của virus Vũ Hán, với hơn 100.000 giường sẵn sàng phục vụ cho sự gia tăng tiềm năng về số lượng bệnh nhân nhiễm virus.
Truyền thông Bình Nhưỡng cho biết, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chủ trì một cuộc họp, kêu gọi áp dụng các biện pháp đối phó cứng rắn và kỹ lưỡng hơn để giữ an toàn cho công dân khỏi sự lây lan virus Vũ Hán.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 12/4 đã phải hứng chịu phản ứng giận dữ từ một số người dùng Twitter và bị cáo buộc vô cảm sau khi chia sẻ video đang ngồi trên ghế sofa uống trà, đọc sách và vuốt ve chó cưng nhằm kêu gọi người dân nên ở yên tại nhà giữa mùa dịch Vũ Hán.
Khu vực Trung Đông và Châu Phi
Các đại sứ châu Phi tại Trung Quốc đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao của nước này nhằm phản đối về tình trạng phân biệt đối xử với người châu Phi khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn sự hồi sinh của virus Vũ Hán. Theo Reuters, bức thư của các đại sứ nói rằng “sự kỳ thị và phân biệt đối xử” như vậy đã tạo ra ấn tượng sai lầm rằng người châu Phi đang phát tán virus này.
“Nhóm các đại sứ châu Phi tại Bắc Kinh ngay lập tức yêu cầu chấm dứt việc thử nghiệm ép buộc, cách ly và các biện pháp đối xử vô nhân đạo khác nhằm vào người châu Phi”, bức thư viết.
Trong những ngày gần đây, nhiều người châu Phi tại Quảng Châu đã báo cáo tình trạng họ bị chủ nhà đuổi ra khỏi các căn hộ đang thuê, bị xét nghiệm virus Vũ Hán vài lần mà không được thông báo kết quả, bị xa lánh và phân biệt đối xử nơi công cộng. Những cáo buộc này đã được báo chí địa phương và mạng xã hội đăng tải.
Truyền thông Nam Phi hôm 12/4 cho biết lệnh phong tỏa bao gồm việc cấm bán tất cả các mặt hàng rượu và thuốc lá của nước này đã gây ra một làn sóng cướp bóc các cửa hàng rượu. Các Nhà chức trách Nam phi cho biết họ cũng đã bắt giữ các cảnh sát đồng lõa với việc bán rượu bất hợp pháp.
Sáng 13/4, Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết nước này ghi nhận thêm 1.657 ca nhiễm và 117 ca tử vong do virus Vũ Hán trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 71.686 và 4.474.
Kinh tế
Ngân hàng Thế giới hôm 2/4 cho biết, Ấn Độ và các quốc gia Nam Á khác có khả năng có hiệu suất tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ do đại dịch Vũ Hán.
JPMorgan Chase & Co (JPM.N), công ty cho vay bằng tài sản lớn nhất ở Mỹ cho biết họ đang tăng tiêu chuẩn vay trong tuần này cho hầu hết các khoản vay mua nhà mới khi ngân hàng chuyển sang giảm thiểu rủi ro cho vay, xuất phát từ sự gián đoạn của virus Vũ Hán.
Bộ Kinh tế Brazil cho biết thâm hụt kinh tế năm 2020 của Brazil đang ở mức gần 500 tỷ reais (96 tỷ USD), tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội của nước này, ngay cả trước thời gian đề xuất viện trợ nhà nước lên tới 222 tỷ reais nhằm giải quyết các vấn do virus Vũ Hán gây ra.
Thiện Thành (t/h)