Dịch bệnh đánh gục cả những cửa hàng tồn tại hàng thế kỷ tại Trung Quốc
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã tấn công nặng nề vào các ngành dịch vụ thực phẩm ở Trung Quốc, đến nỗi những cửa hiệu lâu đời nhất, tồn tại hơn cả 100 năm cũng khó tránh khỏi tình cảnh thê lương. Chuỗi cửa hàng bánh bao “Cẩu Bất Lý” và vịt quay Bắc Kinh “Toàn Tụ Đức” cũng gặp nguy cơ tứ bề.
Bánh bao “Cẩu Bất Lý” thực sự đến chó cũng không thèm
Dịch bệnh kéo dài hơn 6 tháng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dịch vụ thực phẩm tại Trung Quốc. Danh hiệu bánh bao “Cẩu Bất Lý” (GouBuLi) nghĩa là “chó cũng không thèm ăn”, ở Thiên Tân đã 162 tuổi, phải đóng cửa sau chưa đầy 5 năm niêm yết, và tuyên bố vào ngày 11/5 rằng họ sẽ kết thúc niêm yết trên thị trường “New third board”. Bánh bao thuộc hạng đệ nhất tại Đại lục này đã kết thúc trong ảm đạm.
Cái tên “Bánh bao Cẩu Bất Lý” bắt nguồn từ thời Hàm Phong triều đại nhà Thanh. Chuyện kể rằng có một người tên là Cao Quý Hữu (tên cúng cơm là “Cẩu Tử”) đã mở một cửa hàng bánh bao tên là “Tụ Đức Hào”. Bởi vì bánh bao do Cao Qúy Hữu làm rất đẹp và trang nhã, mùi vị lại rất ngon cộng thêm nguyên liệu được sử dụng cũng rất tinh tế, do đó việc kinh doanh của ông trở nên rất tốt.
Tiếng lành đồn xa, tiệm bánh bao của Cẩu Tử ngày càng đông khách đến nỗi người đến ăn bánh bao quá đông khiến cho Cẩu Tử làm luôn chân luôn tay bận đến mức khách hỏi chuyện cũng không thèm trả lời. Do đó, mọi người thường trêu anh là “Cẩu Tử mải bán bánh bao, chẳng thèm quan tâm đến khách hàng” rồi lâu dần quen miệng người ta gọi tắt thành Cẩu Bất Lý (chó cũng không thèm) và quên hẳn cái tên Tụ Đức Hào từ đầu của quán.
Đại thần Viên Thế Khải đã đem bánh bao “Cẩu Bất Lý” dâng lên cho Từ Hy Thái Hậu dùng thử. Không ngờ Thái Hậu sau khi ăn xong lại không ngớt lời khen ngợi, còn ban tặng cho mấy câu “Cao lương mĩ vị chim trời cá biển đều không ngon bằng loại bánh bao này, đây mới đúng là món ăn trường thọ”.
Sau khi nhận được những lời ca tụng của Từ Hy Thái Hậu, bánh bao “Cẩu Bất Lý” lại càng nhanh chóng nổi danh khắp đất nước, thậm chí còn nức tiếng vang xa ra cả hải ngoại, được liệt vào hàng đứng đầu “Thiên Tân Tam tuyệt”. Vào tháng 11/2011, bánh bao “Cẩu Bất Lý” ở Thiên Tân thậm chí còn được đánh giá là di sản văn hóa quốc gia phi vật thể.
Bánh bao “Cẩu Bất Lý” được áp dụng để niêm yết trên thị trường “New third board” vào năm 2015. Cho đến nay, nó đã mở hơn 70 chuỗi cửa hàng nhượng quyền tại hơn 40 thành phố ở 18 tỉnh, với doanh thu hàng năm lên đến gần 100 triệu nhân dân tệ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, bánh bao “Cẩu Bất Lý” cũng đành chịu cảnh không bán được, thật sự đã trở thành bánh bao chó cũng không thèm giống như tên gọi của nó. Vào ngày 11/5, Tập đoàn GouBuLi đã gỡ bỏ niêm yết và rút khỏi thị trường chứng khoán.
Được biết, các cửa hàng thuộc Tập đoàn GouBuLi đã lần lượt đóng cửa. Hiện tại, chỉ còn lại 2 cửa hàng ở Vương Phủ Tỉnh và Trịnh Dương Môn ở Bắc Kinh là còn hoạt động.
Nhiều người cảm thấy tiếc khi tập đoàn GouBuLi quyết định rút khỏi thị trường. Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng mấy năm gần đây, khi áp lực cạnh tranh thị trường tăng lên thì giá của những chiếc bánh bao “Cẩu Bất Lý” cũng không ngừng tăng lên, nhưng chất lượng của nó lại càng ngày càng sụt giảm. Trên thực tế số người ưa chuộng danh hiệu này cũng không còn nhiều như trước nữa. Người dân Thiên Tân thậm chí còn tỏ ra chê bai: “Mùi vị càng ngày càng khó ăn, chỉ có thể lừa gạt được khách du lịch ngoại quốc mà thôi”; “Quá đắt, không đáng tiền”
“Toàn Tụ Đức” thua lỗ nghiêm trọng
Ngoài tập đoàn trứ danh bánh bao “Cẩu Bất Lý”, thì cửa hàng vịt quay nổi tiếng lâu đời “Toàn Tụ Đức” 156 tuổi cũng vì ảnh hưởng của dịch bệnh mà thua lỗ nghiêm trọng. Báo cáo tài chính của quý đầu năm nay, cửa hàng này đã thu lỗ hơn 100 triệu nhân dân tệ.
Theo Hiệp hội Khách sạn Trung Quốc, các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống ở Đại lục đang trong tình trạng khó khăn trong việc nối lại công việc và 70,59% các công ty được khảo sát cho biết thời điểm khó khăn nhất là từ tháng 4 đến tháng 5.
Vào ngày 1/6, Công ty TNHH Trung Quốc Toàn Tụ Đức đã phát sinh một thay đổi trong bộ máy hệ thống, Bảo Dân đã rút khỏi vị trí đại diện pháp lý và vị trí chủ tịch của công ty. Tất cả mọi chức vị đều do Bạch Phàm tiếp quản.
Toàn Tụ Đức được thành lập vào năm thứ 3 thời Đổng Trị triều đại nhà Thanh. Người sáng lập là Dương Thọ Sơn, tự là Toàn Nhân, ông nổi tiếng là người đã làm ra món vịt quay Bắc Kinh. Toàn Tụ Đức áp dụng công nghệ và công thức treo bếp độc đáo, tất cả những người đã ăn vịt quay ở đây đều nói rằng hương vị của nó còn đọng lại đến vô tận.
Trong những năm gần đây, để đạt được quy mô hóa, Toàn Tụ Đức cũng bắt đầu mở rộng thị trường. Tuy nhiên thương hiệu vịt quay nổi tiếng này lại từ bỏ công nghệ truyền thống mà thay vào đó là sử dụng lò nướng điện tử. Nhiều người tiêu dùng nói rằng hương vị vịt quay của Toàn Tụ Đức ngày càng tệ hơn, và nhiều người không còn muốn ăn nó nữa.
Vào ngày 27/5, Chu Duyên Long, tổng giám đốc của tập đoàn Toàn Tụ Đức, đã công khai bày tỏ rằng sự suy giảm lưu lượng khách hàng là một lý do chủ yếu gây ra sự sụt giảm doanh thu của Toàn Tụ Đức trong những năm gần đây.
Chu Duyên Long cho rằng vịt quay Toàn Tụ Đức cần phải gần gũi nhiều hơn với người tiêu dùng ở Bắc Kinh. “Toàn Tụ Đức cũng chính là vịt quay. Cần phải lấy vịt quay làm sản phẩm cốt lõi trong các tiệm ăn tại bắc Kinh. Để làm được điều này cũng cần trải qua một sự chuyển đổi mô hình, cố gắng tiếp thị trong cộng đồng, bán sản phẩm bằng cách kết nối với cộng đồng, và trực tiếp mang sản phẩm đi giao…”
Một số nhà phân tích cho rằng các thương hiệu phục vụ có uy tín không chỉ mất đi “hương vị truyền thống” mà còn mất đi phong cách “truyền thống” trong phương thức quản lý, điều này đã khiến người tiêu dùng càng ngày càng tránh xa. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến một số nhà hàng nổi tiếng bị chỉ trích nặng nề hơn, khiến việc thoát khỏi tình trạng khó khăn càng trở nên khó khăn hơn.
Gia Hưng (Theo NTDTV)