Đi kêu oan, cô gái bị ĐCSTQ dùng dùi cui điện giật mặt cháy đen
7 tiếng sau khi lính canh còng cô vào một cái lò và dùng dùi cui điện giật vào vùng mặt, máu và tóc bết vào làn da đã cháy đen của cô, khuôn mặt sưng lên nghiêm trọng, các vết phồng rộp nổi lên khắp mặt và cổ cô. Chẳng bao lâu, nước da trắng trẻo, xinh đẹp ngày nào của cô biến thành một mớ cháy đen hỗn độn…
Đó chỉ là một phần nhỏ trong những phương thức tra tấn tàn bạo mà Cao Dung Dung phải chịu đựng trong suốt những tháng ngày bị giam cầm tại các nhà tù ở Trung Quốc chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn khí công tu luyện thuộc trường phái Phật gia.
Mặc dù sự tra tấn mà cô phải chịu đựng là một câu chuyện tàn nhẫn, nhưng nó không hề vô nghĩa. Những bức ảnh chụp khuôn mặt bị thiêu cháy của cô đã khiến thế giới phải sốc và góp phần minh chứng cho sự khốc liệt của cuộc bức hại của chính quyền Trung Quốc.
Những tấm ảnh đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế và Dung Dung đã trở thành một nhân chứng tiêu biểu cho chiến dịch đàn áp này.
Những nỗ lực thoát thân tuyệt vọng
Khi cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, Dung Dung đang làm kế toán cho Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn ở thành phố Thẩm Dương.
Không thể làm ngơ trước sự đàn áp vô lý, cô đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tự do tu luyện của người dân. Vì thế mà cô bị bắt, bị giam và đẩy vào các trại cưỡng bức lao động vài lần. Tháng 7/2003, cô bị chuyển tới Trại Lao động Cưỡng bức Long San trong 3 năm, nơi cô bị ép phải lao động, không được ngủ, bị tra tấn tàn nhẫn và sốc bằng dùi cui điện.
Một ngày đầu tháng 5 năm 2004, màn tra tấn vào mặt cô bắt đầu. Không lâu sau, vì không thể chịu nổi những đòn tra tấn thêm nữa, cô đã liều mình nhảy ra khỏi cửa sổ văn phòng không có song chắn ở tầng 2. Nhưng Dung Dung đã không thể thoát thân. Cô bị rạn 2 xương hông, gẫy 2 chân và rạn gót chân vì cú nhảy ấy.
Sau đó, cô bị chuyển tới Bệnh viên Công an Thẩm Dương, nơi cô tiếp tục bị giám sát. Khi hai chị của cô tới, họ đã không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy khuôn mặt đầy thương tích của em mình. Dung Dung cũng rơi lệ.
Cô thều thào kể lại cho hai chị việc lính canh lấy dùi cui sốc điện vào mặt, vào tay, chân và bàn chân của cô trong hơn 7 tiếng đồng hồ. Lý do duy nhất họ dừng lại là vì một tù nhân khác bị sốc điện đã lên cơn đau tim. Nhưng một trong số họ vẫn đe dọa sẽ tiếp tục quay trở lại giật điện cô lần nữa.
“Khi chúng tôi nhìn thấy Dung Dung ngày 14/5, em ấy đang phải chịu rất nhiều đau đớn. Dung Dung phải đặt ống thông niệu đạo, nhiều vết thương trên bàn tay và lòng bàn chân vẫn còn nghiêm trọng. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi nỗi đau đớn do những vết bỏng cháy trên mặt của em ấy gây ra. Ngay cả sau đó một tuần, vẫn còn rất nhiều vết bỏng rộp và mụn mủ xung quanh phần thịt bị cháy. Dung Dung cũng bị rạn xương cẳng chân và xương chậu“, chị gái Dung Dung nhớ lại.
Tuy vậy, lính canh lại nói rằng những vết bỏng là do Dung Dung nhảy từ trên cửa sổ xuống!!
Video: Một học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ tra tấn bức thực dã man. (Nguồn: Trở Về Nhà)
Dung Dung muốn cho cả thế giới thấy khuôn mặt biến dạng của mình
Dung Dung nói với các chị của mình rằng cô muốn họ chụp ảnh mặt cô và dùng chúng để báo cho thế giới biết về cuộc bức hại.
“Các học viên Pháp Luân Công thường bị tra tấn trong những góc tối tăm của trại cưỡng bức lao động, nơi chính quyền luôn muốn giấu giếm mọi chuyện. Khi quyết định nhảy khỏi cửa sổ, tôi đã nghĩ rằng mình phải sống. Tôi cần phải trốn thoát và cho công chúng thấy những vết bỏng, vết thương và phơi bày những hành vi tàn ác của họ ra toàn thế giới”, cô nói.
Sáng hôm sau, chị cô tìm được cách đem một chiếc máy ảnh vào trong và nhanh chóng chụp vài tấm khi lính canh không để ý. Gia đình cô và vài học viên Pháp Luân Công biết chuyện lo rằng công bố những bức ảnh khuôn mặt biến dạng của cô sẽ đẩy cô vào nguy hiểm lớn hơn, nhưng Dung Dung không chút mảy may lưỡng lự.
“Chúng ta phải phơi bày cuộc bức hại. Nhiều năm qua, rất nhiều học viên đã phải chịu đựng tra tấn khủng khiếp, nhưng lại khó lòng phơi bày được sự bức hại đó. Rất nhiều học viên đang nâng cao nhận thức của người dân ở New York. Xin hãy trao các bức ảnh cho họ“, cô gắng gượng nói.
Ngày 7/7/2004, những bức ảnh chụp khuôn mặt cháy đen của Dung Dung cuối cùng cũng được đăng tải trên Minghui.org, một trang web tập hợp các thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Từ đây, các học viên tại phương Tây đã trưng bày chúng tại các cuộc diễu hành và thỉnh nguyện để phơi bày cuộc bức hại những người tu luyện giống như họ ở Trung Quốc.
Trong một video quay cảnh Dung Dung thuật lại cơn ác mộng của mình, cô kể: “Họ không đối xử với chúng tôi như con người. Các học viên Pháp Luân Công đều là người tốt, những người thực hành theo nguyên lý Chân Thiên Nhẫn, nhưng những người bức hại đối xử với chúng tôi tàn nhẫn như thể họ không còn lương tâm. Họ hành hạ và tra tấn chúng tôi một cách độc ác mà không hề có chút thương xót nào”.
“Tôi đang ở đây, và tôi hy vọng chúng tôi có thể được tự do. Tôi hy vọng những người tốt bụng trên thế giới sẽ chú ý tới cuộc bức hại Pháp Luân Công“.
Dung Dung rất dũng cảm
Sau đó, nhờ những yêu cầu liên tục từ phía gia đình, Dung Dung được chuyển tới một bệnh viện khác, nhưng cô vẫn tiếp tục bị giám sát chặt chẽ. Bất chấp điều này, ngày 5/10/2004, một vài học viên đã dàn xếp một vụ đào tẩu thành công và đưa được cô ra ngoài bệnh viện ngay trước mũi cảnh sát. Sau đó cô ẩn mình đi nơi khác.
Tức giận về sự mất tích này cùng những bức ảnh khuôn mặt biến dạng của Dung Dung bị phơi bày trên cộng đồng quốc tế, giới chức Trung Quốc đã tung mọi nỗ lực để lần tìm dấu vết của cô. Ngay cả La Cán, Ủy viên thường trực Bộ Chính trị lúc bấy giờ và là người chịu trách nhiệm giám sát chiến dịch bức hại cũng tham gia vào chuyện này.
Không chỉ mình Dung Dung, cả những học viên giúp đỡ cô cũng bị săn lùng. Toàn bộ gia đình cô bị giám sát và quấy rối.
Sáu tháng sau, Dung Dung bị bắt lại và bị đưa đi tẩy não tại Trại Cưỡng bức Lao động Zhangshi, rồi chuyển qua trại Mã Tam Gia, nơi được mệnh danh là “hang hổ hắc ám nhất” với các học viên Pháp Luân Công vì sự tàn ác của lính canh ở đây.
Không có nhiều tin tức về chuyện xảy ra với cô tại đây, nhưng ngày 6/6/2005, cô bị chuyển tới khoa cấp cứu bệnh viên Đại học Y Trung Quốc tại Thẩm Dương. Sáu ngày sau, bố mẹ Dung Dung nhận được thông báo họ có thể vào thăm cô. Họ lao tới bệnh viện nhưng chỉ kịp nhìn thấy con mình đang bất tỉnh và phải thở bằng máy. “Cô ấy đến trong tình trạng nguy kịch”, một bác sĩ cho biết.
Ba ngày sau, Dung Dung ra đi mãi mãi ở tuổi 37 trong nỗi đau xót của tất cả mọi người. Thế nhưng, những bức ảnh khuôn mặt biến dạng mà cô muốn cho cả thế giới thấy sẽ vẫn tiếp tục thay cô phơi bày sự tàn bạo và vô nhân tính của cuộc bức hại tàn khốc.
“Dung Dung rất dũng cảm. Em ấy đã dùng mạng sống của mình để chứng minh cho thế giới thấy bản chất xấu xa độc ác của ĐCSTQ. Có lẽ những kẻ hành ác sẽ không bao giờ hiểu nổi tại sao cô bé lại kiên định với đức tin của mình đến vậy. Nhưng thật hiếm có thứ nào có thể làm dao động nổi một người khi họ đã tìm thấy đức tin chân chính của mình”, chị gái cô viết.
Hạ Chi (Theo The Epoch Times)