ĐCSTQ tăng cường giáo dục ‘yêu nước’ cho trẻ mẫu giáo sau biểu tình Hồng Kông
Để xây dựng một thế hệ gồm những tín đồ luôn trung thành và phục tùng đối với đảng, ĐCSTQ đã lập ra các khóa học “yêu nước” nhằm tôn vinh lịch sử cách mạng của đảng ngay từ khi những đứa trẻ vừa bước vào mẫu giáo.
Sau cuộc biểu tình đòi dân chủ của giới sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn 30 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch ‘giáo dục yêu nước’ trên toàn quốc nhằm thấm nhuần niềm tự hào dân tộc, đồng thời xây dựng một thế hệ cộng sản tương lai trung thành với đảng và nhà nước.
Và giờ đây, trong bối cảnh phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông vẫn không ngừng tiếp diễn, ĐCSTQ đang đẩy nhanh chiến dịch truyền bá lòng nhiệt thành dân tộc qua hình thức tuyên truyền trong giáo dục, bắt đầu từ những thế hệ rất nhỏ.
Những đứa trẻ mới biết đi chập chững tuyên thệ với Đảng
“Bất kể được sinh ra ở đâu, huyết mạch của tổ quốc vẫn luôn chảy trong tôi. Cho dù tôi còn sống hay đã chết thì điều đó vẫn không bao giờ thay đổi. Với lời tuyên thệ này, tôi thề sẽ trung thành với quê hương mình”, những đứa trẻ mới biết đi bập bẹ đọc theo chỉ dẫn của giáo viên lời tuyên thệ trung thành với đảng và đất nước.
Lễ tuyên thệ đó được tổ chức trong buổi chào cờ tại một trường mẫu giáo ở huyện Vĩnh Tu thuộc thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc vào ngày 25/9/2019. Nhà trường tổ chức các hoạt động này nhằm thấm nhuần vào tư tưởng những đứa trẻ niềm tự hào dân tộc, cũng như lòng trung thành với đảng và đất nước.
Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh đã hiểu rõ bản chất của việc này, đồng thời bày tỏ sự bất bình trước các hoạt động của nhà nước.
“Chính phủ yêu cầu các trường học giáo dục và truyền bá ‘giáo dục Hồng quân’ cho trẻ [thực chất] vì họ muốn đào luyện ra những người kế vị cho ĐCSTQ”, một phụ huynh nói.
Nhưng cho dù phụ huynh có phản đối hình thức giáo dục như vậy, họ cũng không thể đưa con cái họ ra khỏi môi trường giáo dục mang tính ý thức hệ này. Trong nhiều trường hợp, việc tuyên truyền tư tưởng từ khi còn rất nhỏ như vậy sẽ khiến trẻ in hằn một tiềm thức nền tảng; từ đó không có chính kiến riêng của bản thân mà hoàn toàn tư duy theo lối tư tưởng được tuyên truyền.
“Con sẽ giết người Nhật bằng một khẩu súng lục” là câu nói của một bé trai khi đang cầm khẩu súng đồ chơi bằng gỗ trong một buổi hoạt động giáo dục giữa cha mẹ và trẻ em, do Trường mẫu giáo Kim Sơn tổ chức tại Giang Tây vào ngày 1/11/2019.
ĐCSTQ đã truyền bá chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc cho các thế hệ trẻ bằng cách nhấn mạnh sự tàn bạo của những kẻ xâm lược, những nước đã từng chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc trong lịch sử.
“Việc tiêm nhiễm tư tưởng tình cảm thù ghét cho trẻ từ khi chúng còn quá nhỏ [như vậy] là một việc không tích cực chút nào”, một phụ huynh bày tỏ lo ngại.
“[Đảng] chỉ giáo dục trẻ những thông tin sai sự thật và kích động chúng chống lại Nhật Bản, Mỹ, thậm chí toàn bộ phương Tây”, một cư dân mạng Trung Quốc bình luận trên mạng xã hội.
“Họ muốn giáo dục chúng trở thành những người giống như lực lượng khởi nghĩa của phong trào Nghĩa Hoàn Đoàn và khơi dậy sự thù hận trên khắp đất nước”, anh nói thêm, đề cập đến cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hoàn Đoàn lịch sử (1899-1901), được tổ chức bởi tổ chức tôn giáo thần bí Nghĩa Hoàn Đoàn vốn chống lại chủ nghĩa thực dân và Thiên Chúa giáo.
Lòng yêu nước: yếu tố giáo dục bắt buộc
Cuối tháng 10/2019, một trường mẫu giáo tại Giang Tây đã tổ chức hoạt động mang tên “Đào tạo quân đội”, trong đó những đứa trẻ mới vào đời phải mặc đồng phục Hồng quân và hô lớn những khẩu hiệu yêu nước như: “Trái tim Hồng quân luôn hướng tới mặt trời và dõi theo Đảng”.
Phụ huynh học sinh cũng được yêu cầu mặc trang phục đóng vai những người lính, công nhân, nông dân cày ruộng, trồng lúa, bón phân cho cây trồng. Hoạt động này được tổ chức nhằm tưởng nhớ chiến dịch quy mô lớn mà ĐCSTQ phát động trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 2 (1937-1945), khi quân đội và nhân dân Trung Quốc được kêu gọi hợp tác cùng nhau trồng lúa trên các khu đất bỏ hoang.
Các hoạt động tương tự cũng được tổ chức tại các trường mẫu giáo trên khắp Trung Quốc. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, thông qua những sự kiện này, trẻ em được dạy rằng các anh hùng, cha ông trong cuộc cách mạng vô sản đã phải chiến đấu cực khổ “để có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp cho chúng ta ngày nay. Họ đã để lại những truyền thống hào hùng và đã cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước hùng mạnh, thịnh vượng, tươi đẹp hơn”.
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý với hình thức giáo dục này. Một phụ huynh đã chia sẻ với tờ Bitter Winter rằng “giáo dục lòng yêu nước cực đoan của ĐCSTQ là loại hình giáo dục bắt buộc và tàn độc nhất trên thế giới”.Một giáo viên làm việc tại một trường mầm non cũng than phiền, trước đây cô thường dạy trẻ những bài hát truyền thống như “Rửa tay thôi” hay “Cùng ăn tối nào”. “Nhưng năm nay mọi thứ đã khác. Nhà trường bắt buộc phải dạy trẻ những bài hát cách mạng. Tất cả các trường mẫu giáo, tư thục hay công lập, đều phải tuân thủ chỉ dẫn của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, dạy cho trẻ những bài hát về Đảng và Cách mạng. Chính quyền các cấp yêu cầu tất cả các trường học phải dạy trẻ những ca khúc yêu nước từ nhỏ. Đây là một chính sách ban hành của nhà nước”, cô nói.
Huy Hoàng (Theo The Epoch Times)