ĐCSTQ mua chuộc những “đồng minh” trong lòng nước Mỹ
Bắc Kinh đang mở ra một chương mới, hướng đến vai trò lãnh đạo các Đảng Cộng sản trên toàn thế giới.
Không ồn ào phô trương, không truyền thông dòng chính, hai trong số những đảng cộng sản quan trọng nhất thế giới đã bắt đầu xây dựng lại mối quan hệ sau 5 thập kỷ lạnh nhạt.
Nhận lời mời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hai thành viên của Đảng Cộng sản Mỹ (ĐCSM) đã tới thăm Trung Quốc từ ngày 26/5 tới ngày 3/6. Hai người này là Chủ tịch ĐCSM John Batchtell từ Chicago và đảng viên Carol Widom đến từ thành phố New York, đại diện cho ĐCSM tại hội nghị kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx.
Batchtell viết: “Chúng tôi được mời tham dự diễn đàn kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx cùng với 70 nhà cộng sản, nhà xã hội, cánh tả và các đảng cách mạng ở Thẩm Quyến, một thành phố xanh, sau đó là một tuần đi thăm Bắc Kinh, Hợp Phì, huyện Phượng Dương, và làng Tiểu Cương, nơi diễn ra cuộc cải cách kinh tế nông thôn đầu tiên”.
“Sự kiện này phản ánh quan điểm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc rằng một bước ngoặt quan trọng đã xuất hiện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và rằng Trung Quốc đang đóng một vai trò mới trên sân khấu thế giới. Hội nghị đại biểu cho sự mở cửa rộng hơn của Trung Quốc và Đảng Cộng sản với thế giới, cũng như mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ với các đảng cộng sản và đảng của giai cấp công nhân”.
Đúng như vậy, cuộc họp thực sự là dấu hiệu của một thời kỳ mới. Với việc lãnh tụ ĐCSTQ Tập Cận Bình định hướng lại Đảng theo con đường cách mạng trong nước, thì bước tiếp theo sẽ là hồi sinh lại các mối quan hệ cách mạng cũ trên quy mô quốc tế.
Những kẻ trung thành với Moscow
Đảng cộng sản lớn nhất thế giới, với trụ sở ở Bắc Kinh, có rất ít liên hệ với đảng cộng sản quan trọng nhất ở phương Tây trong gần nửa thập kỷ vừa qua.
Sau khi Trung – Xô mâu thuẫn với nhau hồi đầu những năm 1960, ĐCSM ngả về phía Moscow và công khai thể hiện thái độ thù địch với Trung Quốc và những người cộng sản thân Trung Quốc tại Mỹ. Sự tình còn vượt quá cả đối địch chính trị thông thường, thậm chí còn thường xuyên xuất hiện bạo lực. Cả hai phe do thám lẫn nhau theo lệnh những đồng chí lãnh đạo của mình ở Moscow và Bắc Kinh.
Theo những ghi chép của cơ quan tình báo Đông Đức cũ, vào tháng 1/1963, lãnh đạo ĐCSM Henry Winston đã gặp ĐCS Đông Đức thân Moscow. Winston đã bí mật trao cho Đông Đức danh sách Đảng viên “Đảng Lao động Tiến bộ”, tổ chức cộng sản thân Bắc Kinh ở Mỹ lúc bấy giờ. Danh sách này do đồng chí Đảng viên ĐCSM Mille Stand chuẩn bị, đây là kỹ sư hoá học trốn khỏi nước Đức những năm 1930 nhằm thoát khỏi sự bức hại của Phát-xít. Rất có thể danh sách “những con vẹt Bắc Kinh” này cũng đã đến tay Moscow.
Những người Mỹ theo Mao bị xem là những kẻ phản bội Xô-viết và bị những người trung thành với Moscow khinh rẻ. Mối hận thù kéo dài âm ỉ tới tận những năm 1980 và chỉ chính thức dừng lại sau sự sụp đổ của Liên Bang Xô-viết năm 1991. Thậm chí ngay cả sau đó, ĐCSM vẫn tiếp tục giữ thái độ hằn học với Trung Quốc thêm hơn một thập kỷ nữa.
Thật tình cờ, Mille Stand tiếp tục giới thiệu con trai của mình là Kurt cho tình báo Đông Đức. Kurt Stand, một thành viên của phe thanh niên trong ĐCSM, sau đó tuyển trạch hai đồng chí, Jim Clark bạn mình và vợ sắp cưới của anh ta, Theresa Squillacote, cho phe Đông Đức. Squillacote làm việc trong Lầu Năm Góc và đã chuyển rất nhiều tài liệu bí mật cho những đầu mối của cô ta ở Đông Đức.
Bộ ba cuối cùng đã bị tóm và phải lãnh án phạt tù dài hạn vào năm 1997. Sau khi được thả năm 2012, Kurt Stand quay trở lại hoạt động. Ông ta hiện là lãnh đạo chi bộ Washington của Đảng Dân chủ Xã hội Mỹ (ĐDCXHM), vốn đóng vai trò xương sống trong đường đi nước bước của Thượng Nghị sỹ Bernie Sanders. Nhân tiện, các thành viên của cái gọi là ĐDCXHM tại Metro DC đã bị truyền thông đưa tin quấy rối Thư ký An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen khi cô này đang ăn tối tại một nhà hàng ở Washington vào ngày 1/6.
Phong trào cộng sản Hoa Kỳ luôn luôn không trung thành với nước Mỹ.
Những giai đoạn khó khăn
Sau sự thoái trào của cộng sản Đông Đức, ĐCSM từng một thời làm mưa làm gió đã phải đối mặt với thoái đảng quy mô lớn và suy giảm đáng kể ảnh hưởng trong chính giới. Số đảng viên giảm từ trên 100.000 trong thời đỉnh cao xuống còn khoảng 2.000. Đảng này vẫn duy trì một mối quan hệ thân thiết với các đảng cộng sản tại Cuba, Anh, Iraq và Việt Nam – thậm chí cả với Đảng Cộng sản Nga vẫn còn rất mạnh – tuy nhiên nó thiếu sự hậu thuẫn mạnh trên trường quốc tế.
Và cả về mặt tài chính nữa
Người bất đồng chính kiến với Xô-viết Vladimir Bukovsky đã ước tính trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1991, Đảng Cộng Sản Liên Xô đã bí mật hỗ trợ cho ĐCSM khoản tiền 21 triệu đô la. Chỉ riêng trong năm 1987, con số đã là khoảng 5 triệu đô la.
Sự sụp đổ của Nga Xô để lại một khoản trống tài chính lớn khó có thể bù đắp, ĐCSM phải giảm bớt thành viên và đổi tên tờ “Nhân dân Thế giới” năm số một tuần của mình sang “Tuần báo Nhân dân Thế giới”. Tới năm 2009, tờ báo in lâu đời này đã phải chuyển sang phiên bản điện tử và từ bỏ hẳn báo giấy. Mặc dù những năm 1990 và đầu 2000 là quãng thời gian rất khó khăn, nhưng tài chính của ĐCSM đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Nó hiện đã có khoảng 5.000 thành viên và hình thành được một liên minh với đảng mạnh ĐDCXHM với 47.000 thành viên. Tuy nhiêu thiếu tiền tài trợ từ nước ngoài vẫn là một vấn đề đau đầu đối với họ.
Rã đông
Mối quan hệ giữa ĐCSM và ĐCSTQ bắt đầu cải thiện một chút vào khoảng giữa những năm 2000. Một nhóm cấp cao của ĐCSM đã đến thăm Trung Quốc và Việt Nam vào cuối năm 2006.
Phái đoàn bao gồm Chủ tịch Đảng lúc ấy là Sam Webb, Phó chủ tịch Jarvis Tyner, Thư ký Quốc tế Pamela Saffer và Thư ký Lao Động Scott Marshall – quay về với việc “sàng những kinh nghiệm chính trị và văn hoá mà họ hy vọng chia sẻ với công chúng Mỹ để làm tốt đẹp hơn sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam”.
Về phía Trung Quốc, các đồng chí người Mỹ đã được Ban Đối Ngoại ĐCSTQ tiếp đón và đưa đi gặp gỡ các lãnh đạo của Hội Phụ nữ Toàn Trung Quốc và Liên hiệp Công Đoàn Trung Quốc.
Saffer nói, mặc dù phần nhiều truyền thông Mỹ “mô tả Trung Quốc là mảnh đất của tư bản tự do và bóc lột”, nhưng bà cho biết bà đã rất “ấn tượng với quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở đất nước này. Ở Trung Quốc, luật pháp được chế định để hỗ trợ những người lao động”.
Cả Saffer và Webb đều khẳng định rằng mối quan hệ giữa ĐCSM với các đảng tại Trung Quốc và Việt Nam “đã được thắt chặt thêm, và họ mong chờ đuợc tạo dựng mối quan hệ vững chắc hơn trong tương lai”.
Tuy nhiên, không có điều gì thực sự diễn ra trong vài năm sau đó. Chỉ có một số hoạt động phần lớn xoay quanh việc học tập mô hình kinh tế của ĐCSTQ.
Wadhi’h Halabi, một học giả tại Massachusetts làm việc tại Uỷ ban Kinh tế của ĐCSM, đã đến Trung Quốc vài lần kể từ năm 2000 để giảng bài và tham dự những hội nghị về “kinh tế chính trị thế giới.”
Ngày 6/7/2011, tại diễn đàn “Trung Quốc, Giai cấp Công nhân, Công Đoàn và nền kinh tế” tổ chức tại Thư Viện Chủ nghĩa Marx Niebyl-Proctor có liên hệ với ĐCSM ở Oakland, California. Phần giới thiệu của hội nghị viết:
“Trung Quốc hiện nay đang phát triển trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và diễn đàn này sẽ thảo luận tác động của điều đó tới giai cấp công nhân Trung Quốc, các công đoàn (chính thức và độc lập) và người dân Trung Quốc. Thái độ của chính phủ Mỹ, giới công đoàn và truyền thông Mỹ nhìn nhận sự phát triển này như thế nào cũng sẽ được đưa ra bàn luận”.
Như một dấu hiệu của sự nối lại tình hữu nghị cộng sản, Halabi đã phát biểu bên cạnh David Ewing, thành viên của phân bộ San Francisco thuộc Hiệp hội Hữu nghị Mỹ-Trung thân Bắc Kinh.
Nối lại tình hữu nghị
Sáu năm sau, vào hai ngày 14 và 15/10/2017, Halabi và một đảng viên cộng sản khác tại Boston là Dylan Walker, đã tham dự Diễn đàn Chủ nghĩa Xã hội Thế giới lần thứ 8 do Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh tổ chức. Hội nghị tập trung vào lễ kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tháng 10 Nga và “một sự kiểm tra các đặc tính thời gian của Thời kỳ Chuyển mình Vĩ đại, và chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc”.
Halabi, người đượic mời tới phát biểu tại diễn đàn, đã nói về chủ đề “Chúng ta có thể dành sự tôn trọng vĩ đại nhất nào cho Cách mạng Tháng 10?”.
Halabi nói: “Cuộc Cách mạng Chủ nghĩa Xã hội Tháng 10 Vĩ đại có thể là bước tiến vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nó làm mạnh mẽ thêm chủ nghĩa Marx và giai cấp công nhân. Cuộc Cách mạng đã thai nghén ra toàn bộ các đảng cộng sản trên thế giới, bao gồm cả Quốc tế Cộng sản”.
Ông tiếp tục: “Đúng là Quốc tế Cộng sản đã suy yếu nghiêm trọng, đặc biệt là sau sự ra đi của Lê-nin… Chúng không phải là lý do để phủ nhận sự đoàn kết giữa các đảng cộng sản, nhưng cơ bản là phải xác định tại sao chúng phát triển và nhắm vào chúng. Sự tôn trọng lớn lao nhất chúng ta có thể bày tỏ với Cách mạng Tháng 10 là xây dựng lại sự đoàn kết cộng sản Quốc tế”.
Bachtell từ ĐCSM đã đề cập đến “sự đoàn kết cộng sản quốc tế” trong bài phát biểu của mình tại hội nghị “Chủ nghĩa Marx trong thế kỷ 21 và Tương lại của Chủ nghĩa Xã hội Thế giới,” do ĐCSTQ tổ chức ngày 28/5 tại Thẩm Quyến.
“Chúng tôi vui mừng được tham dự lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx và bày tỏ sự cảm kích sâu sắc tới Ban Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã tổ chức sự kiện này”, Bachtell nói với các đồng chí cộng sản tại hội nghị.
“Chủ nghĩa Marx là hệ thống tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới và đã thay đổi lịch sử nhân loại. Nó càng ngày càng trở nên thiết thực hơn trong việc giải quyết các thách thức cấp bách của nhân loại, mặc cho những nỗ lực tuyệt vọng của giai cấp tư bản nhằm chôn vùi chúng”.
“Duy chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể hồi phục lại triệt để mối quan hệ hòa hợp giữa xã hội và tự nhiên và giữa con người với lao động. Và những kinh nghiệm đáng nể của Trung Quốc cho thấy một hệ thống định hướng xã hội chủ nghĩa có thể khiến mục tiêu về một sự ổn định bền vững trên quy mô lớn trở thành hiện thực”.
Bachtell tiếp tục đề cập tới các mối nguy hiểm với hòa bình thế giới do Tổng thống Mỹ Donal Trump và chính quyền của ông tạo ra:
“Sự nguy hiểm của chủ nghĩa chuyên chế và phát-xít đang phát triển ở Mỹ và châu Âu. Trump và cái gọi là chủ nghĩa dân túy hữu, hay phát-xít, có liên hệ với ông ta, đang tạo ra những nguy cơ chưa có tiền lệ tới dân chủ, hòa bình và môi trường”, ông nói.
“Trump đang điều hành như cách mà ông ta đã cam kết khi tranh cử… Ông ta làm ra cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc để chia rẽ giai cấp công nhân trong nước và đẩy công nhân Mỹ ở thế chống lại giai cấp công nhân các quốc gia khác”.
“Trump đã tập hợp một nội các hiếu chiến gồm các thành viên có ảo tưởng khôi phục lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ như một siêu cường duy nhất của thế giới”.
“Xây dựng một mặt trận thống nhất để đánh bại sự thống trị cực hữu của chính quyền Mỹ là một mục tiêu chiến lược tổng thế”.
Đánh bại cánh hữu Mỹ
Dưới logic của Bachtell, chính phủ Mỹ là nguy cơ chính cho hòa bình thế giới, trong khi ĐCSTQ là lực lượng chính diện. Vì vậy, điều đúng đắn nên làm theo tiêu chuẩn của chủ nghĩa cộng sản là đánh bại Trump và cánh hữu Mỹ.
Nhưng liệu những người cộng sản Hoa Kỳ sẽ làm gì nếu mọi chuyện trở nên bạo lực? Họ sẽ làm gì nếu Hòa Kỳ rơi vào một cuộc đối đầu quân sự toàn diện với Trung Quốc?
Một quảng cáo của nhóm đọc sách ĐCSM tại Thư viện Chủ nghĩa Marx Niebyl-Proctor tại Oakland hôm 4/12/2010 đã trả lời câu hỏi trên như sau:
“Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết sẽ thực hiện những hành động khiêu khích trực tiếp chống lại nền kinh tế Trung Quốc, cùng các khía cạnh khác của xã hội Trung Quốc, bao gồm cả quân đội… Nếu những sự đối đầu như vậy được cho phép nổ ra, nó… sẽ đòi hỏi tất cả chúng ta nguồn năng lượng mới – và có thể là lớn nhất – một mặt trận trong nước chống lại Chủ nghĩa Đế quốc Mỹ”.
Rủng rỉnh tiền bạc để hoang phí cho những đồng minh, và sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quân đội, ĐCSTQ rõ ràng đang dấn thân vào giai đoạn mới của con đường cách mạng quốc tế. Làm thân với (và cả bí mật tài trợ) cho các đảng cộng sản ở nước ngoài sẽ là phần quan trọng trong kế hoạch này.
Khi ĐCSM sẵn sàng thực hiện các hành vi gián điệp và mưu phản vì tiền và sự ca ngợi của Xô-viết, thì còn tội ác nào họ không dám làm khi tiền của ĐCSTQ bắt đầu chảy vào tài khoản ngân hàng của họ đây?
>>> ĐCSTQ cấm học sinh Tây Tạng thực hành tôn giáo
>>> Trung Quốc liệu có còn là một quốc gia cộng sản?
Quốc Hùng, theo Epoch Times