Trung Quốc liệu có còn là một quốc gia cộng sản?
Nếu ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời ở Thượng Hải và Quảng Châu rất nhiều người sẽ nói rằng, “Trung Quốc bây giờ theo tư bản chủ nghĩa rồi. Giống với các nước phương tây ở gần như mọi khía cạnh”…
Karl Marx, cha đẻ của hệ tư tưởng cộng sản hiện đại, từng viết rất nhiều về hệ kinh tế của chủ nghĩa cộng sản. Ý tưởng của ông ta là không một cá nhân nào được phép tư hữu phương tiện sản xuất như nhà xưởng, ruộng đất…, mọi thứ phải thuộc về sở hữu tập thể.
Vì thế, từ khi ĐCSTQ giành được chính quyền vào năm 1949, Mao Trạch Đông đã làm mọi thứ để đảm bảo rằng, không người dân Trung Quốc nào sở hữu công ty hay ruộng tư, nếu ai dám thì ĐCSTQ sẽ chỉ việc giết họ rồi tịch thu là xong. Nên phú thương, địa chủ đã phải giao nộp hết tài sản của mình, đó chính là bình đẳng dưới sự nhất trí bắt buộc.
Tuy nhiên hiện tại sau 4 thập kỷ cải cách kinh tế, 97% công ty Trung Quốc là doanh nghiệp tư nhân, vì thế xét về khía cạnh sở hữu tư nhân, Trung Quốc đã không còn là quốc gia cộng sản nữa.
Nhưng chủ nghĩa cộng sản không chỉ đơn cử là cách vận hành nền kinh tế. Cộng sản là chế độ độc đảng, kiểm soát gần như mọi khía cạnh của xã hội và bản chất này vẫn luôn như vậy. Ví như ĐCSTQ thông qua Hiệp hội Công đoàn toàn Trung Quốc kiểm soát công nhân, mục tiêu của hội này thực ra là đảm bảo công nhân không đấu tranh đòi quyền lợi tập thể.
Hoặc Hiệp hội phụ nữ toàn Trung Quốc, trên danh nghĩa là tổ chức bảo vệ nữ quyền Trung Quốc, nhưng thực chất là một bộ phận của ĐCSTQ, lập ra với mục địch đảm bảo phụ nữ tuân thủ chính sách kiểm soát dân số quốc gia, như kết hôn sớm, sinh đúng số con quy định.
ĐCSTQ còn kiểm soát nhà thờ, chùa chiền qua Hiệp hội Cơ Đốc Giáo ái quốc Trung Quốc trực thuộc nhà nước, Nhà thờ ái quốc Tin Lành trực thuộc nhà nước, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc trực thuộc nhà nước.
ĐCSTQ cũng kiểm soát toàn bộ nền giáo dục, giám sát nhất cử nhất động của từng người dân thông qua một hệ thống kiểm soát khổng lồ mà họ gọi là “Skynet”. Skynet của Trung Quốc là hệ thống kết hợp định vị GPS, điện thoại cầm tay, thu thập tin nhắn và 170 triệu máy quay an ninh để đảm bảo mọi người dân “sống hòa thuận và không làm gì bất hợp pháp”.
ĐCSTQ đặc biệt kiểm soát chặt chẽ truyền thông, ngoài truyền thông nhà nước như truyền hình Trung ương, Trung Quốc cũng có truyền thông tư nhân, nhưng những thứ họ được và không được phép nói, không có gì là thị trường tự do cả, mà đều do tổ chức kiểm duyệt của ĐCSTQ có tên là SAPPRFT quyết định.
Thêm vào đó ĐCSTQ còn yêu cầu mọi công ty có từ 50 nhân viên trở lên buộc phải có bí thư đảng trong cơ cấu, công việc của người đó là giám sát, và đảm bảo “công ty trong sạch về tư tưởng”. Thậm chí doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc cũng buộc phải có bí thư đảng trong cơ cấu, v.v.
Dù Trung Quốc ngày nay không giống chút nào với chỉnh thể cộng sản những năm 1950, 1960 về mặt cấu trúc kinh tế. Nhưng Trung Quốc vẫn giữ được hầu hết các đặc tính cộng sản khác, như kiểm soát nhà nước, kiểm duyệt, giám sát đại trà và giám sát quần chúng…
Theo Trung Quốc Không Kiểm Duyệt